Các quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận nhằm đạt được mục đích, mang lại lợi ích hài hòa cho các bên tham gia. Và điều khoản trong hợp đồng được các doanh nghiệp chú trọng là bảo mật thông tin. Vậy điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng là gì? Cùng đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây của iContract nhé!
Nội Dung Chính
1. Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng là gì?
Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng được quy định dựa trên các cơ sở pháp lý rõ ràng: Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật lao động 2019, Luật thương mại 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Điều khoản bảo mật (confidentiality clause) hay còn gọi là Điều khoản không tiết lộ là điều khoản mà theo đó một bên khi có được thông tin nhất định của bên còn lại thông qua quan hệ hợp đồng thì sẽ phải có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó.
Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng được pháp luật quy định rõ ràng.
Thông thường, các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng sẽ bao gồm:
-
Đối tượng, các thông tin cần bảo mật: Bao gồm bí mật và kết quả kinh doanh, hợp đồng thỏa thuận, danh sách và thông tin khách hàng, các thiết kế thuộc bản quyền của sản phẩm và các thông tin khác trong quá trình kinh doanh.
-
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo mật thông tin: Quy định rõ ràng, cụ thể về phạm vi tiếp cận và sử dụng thông tin mà khách hàng biết được.
-
Trách nhiệm của bên vi phạm bảo mật thông tin: Ví dụ bồi thường thiệt hại khi tiết lộ thông tin cho bên thứ ba.
-
Loại trừ trách nhiệm bảo mật thông tin: Trong một số trường hợp đặc biệt, bên tiếp nhận thông tin sẽ được loại trừ trách nhiệm và không phải bồi thường thiệt hại nếu tiết lộ thông tin cho bên thứ 3.
Mục đích chính của việc đặt ra các quy định về bảo mật trong hợp đồng nhằm:
-
Tạo ràng buộc để bảo vệ quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên tham gia.
-
Duy trì, khuyến khích chuẩn mực đạo đức và công bằng thương mại.
-
Tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển và sáng tạo.
-
Khi nhận được thông tin bí mật của bên kia, bên còn lại có nghĩa vụ bảo mật thông tin đó, không được phép sử dụng cho các mục đích khác, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt.
2. Quy định về điều khoản bảo mật thông tin công ty trong hợp đồng
Quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng về công ty là cực kỳ quan trọng, được áp dụng trong nhiều loại hợp đồng khác nhau: hợp đồng lao động, hợp đồng, hợp đồng thương mại, hợp đồng nhượng quyền tài sản…. Cụ thể:
2.1. Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 21, Bộ luật Lao động năm 2019: Người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung và thời hạn bảo vệ bí mật đó, cũng như quyền lợi, bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Điều khoản bảo mật thông tin trong HĐLĐ.
Người sử dụng lao động cần liệt kê rõ ràng, chi tiết về quy định bảo mật như:
-
Thông tin, tài liệu nào được xem là bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong điều khoản bảo mật. Nếu không thể liệt kê hết thì có thể đưa ra các tiêu chí xác định tính bảo mật.
-
Quy định về thời gian, phạm vi địa lý có hiệu lực của điều khoản tùy theo ngành nghề, vị trí và chức vụ của nhân viên.
-
Quy định về điều khoản bảo mật bị vô hiệu hóa nếu người sử dụng lao động không đền bù khoản tài chính cho người lao động (Dự trù trường hợp người lao động không tìm được việc làm trong thời gian thi hành điều khoản bảo mật).
-
Quy định về chế tài vi phạm, cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng.
2.2. Điều khoản bảo mật trong hợp đồng thương mại
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 289, Luật Thương mại 2005: Trừ các thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có nghĩa vụ giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng kết thúc hoặc chấm dứt. Như vậy, việc bảo mật thông tin công ty cần được thực hiện trong và sau khi kết thúc hợp đồng.
Bên cạnh đó, Điểm C, Khoản 3, Điều 6, Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Sửa đổi, bổ sung 2009) quy định như sau: Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập dựa trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật đó.
Thêm vào đó, Điểm b, Khoản 1, Điều 45 của Luật Cạnh tranh 2018 (kế thừa Luật Cạnh tranh 2004) quy định về việc cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới hình thức tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Quy định về điều khoản bảo mật trong hợp đồng thương mại.
Khoản 1, Điều 110 quy định về việc xử lý hành vi vi phạm như sau: Đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tùy theo tính chất sẽ bị xử lý (xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự).
Tóm lại, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hành vi vi phạm bảo mật thông tin là căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm dừng hành vi xâm phạm, đồng thời khắc phục hậu quả. Nếu nghiêm trọng có thể thực hiện tố tụng hình sự hoặc dân sự.
Các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng cực kỳ quan trọng đối với tất cả các loại hợp đồng hiện nay. Do đó, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, các bên cần tìm hiểu kỹ càng, tránh việc để lộ thông tin của nhau.
Bên cạnh đó, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, việc sử dụng hợp đồng điện tử đang trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thay thế cho hợp đồng truyền thống. Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract!