Các phương pháp nghiên cứu, điều tra, khảo sát xã hội học pháp luật
Xã hội học pháp luật là ngành xã hội học độc lập nghiên cứu các quy luật xã hội, để có cái nhìn tổng quan và đa chiều về dối tượng về đối tượng nghiên cứu các nhà nghiên cứu cần lựa chọn các phương pháp thu thập thông tin phù hợp, hiệu quả, áp dụng đúng đối tượng cần hướng đến.
Nội Dung Chính
1. Tổng quan về các phương pháp nghiên cứu của xã hội học pháp luật
Theo từ điển xã hội học, Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2002 thì “Xã hội học pháp luật là tên gọi một lĩnh vực nghiên cứu rộng dành cho xã hội học và khoa học pháp lý; mọi sự quy chiếu giữa pháp lý và xã hội đều trở thành chủ đề của xã hội học pháp luật”. Xã hội học có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành học khác như: Lý luận nhà nước và pháp luật, luật hình sự, chính trị, triết học,… Vì vậy khi tiến hành nghiên cứu cần phải đưa ra vấn đề nghiên cứu, sau đó đề ra phương pháp nghiên cứu đề giải quyết vấn đề ấy. Các phương pháp nghiên cứu xã hội học pháp luật bao gồm:
Phương pháp chung: Đây là phương pháp luận khoa học chung dành cho tất cả các vấn đề khoa học được vận dụng trong tất cả các quá trình. Dựa vào phương pháp này cho phép nghiên cứu, xem xét pháp luật một cách khoa học toàn diện và là cơ sở để thực hiện việc áp dụng, thi hành pháp luật trong đời sống xã hội. Phương pháp chung sẽ bao gồm các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: Phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp quy nạp và diễn dịch, Phương pháp lịch sử và logic, ngoài ra còn một số phương pháp khác như phương pháp tiếp cận hệ thống-cấu trúc, phương pháp mô hình hóa, phương pháp so sánh,…
Bên cạnh đó còn có các phương pháp chuyên ngành như: Phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp quan sát, phương pháp phỏng vấn, phương pháp ankét và phương pháp thực nghiệm. Thông qua các phương pháp nghiên cứu sẽ giúp làm sáng tỏ các đối tượng nghiên cứu của xã hội học pháp luật cũng như vấn đề nghiên cứu mà chúng ta quan tâm trong xã hội.
Các bước tiến hành một cuộc điều tra xã hội học về các vấn đề, sự kiện, tình huống: Thông thường có 3 giai đoạn cụ thể như sau:
- Chuẩn bị
- Tiến hành thu thập thông tin
- Xử lý và phân tích thông tin
Cả 3 giai đoạn trên phải được thực hiện theo nguyên tắc trình tự thuận, tức là phải thực hiện tuần tự, lần lượt từng giai đoạn, có thực hiện giai đoạn trước thì mới được thực hiện giai đoạn sau, việc thực hiện giai đoạn trước là tiền đề, cơ sở cho việc thực hiện giai đoạn sau. Ngoài ra, trong 1 giai đoạn lại có nhiều khâu, nhiều bước cụ thể khác nhau, cũng phải được thực hiện theo nguyên tắc trình tự thuận.
2. Phương pháp phân tích tài liệu
Phương pháp phân tích tài liệu có thể hiểu là thông qua việc tiếp xúc những tài liệu sẵn có qua đó có thể nắm bắt một phần hoặc toàn bộ sự vật, hiện tượng liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Trước hết, muốn sử dụng phương pháp này phải chuẩn bị nguồn tài tài liệu. Các nguồn tài liệu trong xã hội học pháp luật chủ yếu là: Luật, bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật, giáo trình, sách tham khảo, tạp chí,…. Dựa vào các cánh phân chia các dấu hiệu khác nhau sẽ có những tiểu loại khác nhau, ví dụ như: Đối với chuyên ngành luật sẽ có các tài liệu về luật dân sự, luật hình sự, luật thương mại,… Tuy nhiên trong quá trình sử dụng nguồn tài liệu nếu không trích dẫn nguồn, không xin phép sẽ dẫn đến những vấn đề pháp lý đối với quyền tác giả, khi sử dụng tài liệu cần đánh giá độ xác thực và độ đáng tin cậy của tài liệu đối với vấn đề đang nghiên cứu. Khi áp dụng phương pháp phân tích tài liệu vào các vấn đề thực tế nó sẽ có những ưu và nhược điểm sau:
Về ưu điểm: Khi sử dụng phương pháp này sẽ giúp tiết kiệm về thời gian, chi phí, không sử dụng nhiều nhân lực mà vẫn mang lại hiêu quả và chất lượng. Giúp người đọc có cái nhìn đa chiều và tổng quan về đối tượng nghiên cứu đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp (ví dụ: tội phạm, tệ nạn xã hội,…).
Nhược điểm: Các thông tin, số liệu thống kê chưa được cập nhật liên tục, kịp cũng như chưa phân chia rõ ràng thành các lĩnh vực cụ thể. Các nguồn tài liệu chuyên ngành có đòi hỏi cao về trình độ chuyên môn vì vậy tính chuyên môn gây khó khăn cho người đọc. Các sự việc, hiện tượng được phản ánh trong tài liệu diễn ra ở thời điểm khác với vấn đề đang nghiên cứu sẽ gây ra khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên nhân và mối liên hệ giữa chúng.
3. Phương pháp quan sát
Bản chất của phương pháp này thông qua góc nhìn trực tiếp của nhà nghiên cứu thông qua các đặc điểm, tính chất, dấu hiệu bên ngoài để thu thập thông tin về đối tượng cần nghiên cứu. Phương pháp này sẽ phù hợp với đối tượng nghiên cứu là những hành vi vi phạm pháp luật, đánh giá thực trạng ý thức pháp luật của các chủ thể,… Khi sử dụng phương pháp này cần phải xây dựng kế hoạch và xác định những việc cụ thể cần làm như: Xác định nội dung, mục tiêu , nhiệm vụ, đối tượng,… Xác định thời gian quan sát và những khó khăn gặp phải. Chuẩn bị tài liệu, các thiết bị cần thiết, lựa chọn phương pháp quan sát phù hợp với tình hình thực tế. Cuối cùng là lựa chọn cách thức thu thập, ghi nhận thông tin. Thông qua việc xây dựng một kế hoạch quan sát phù hợp và khoa học sẽ thu thập được những thông tin một cách chính xác và hiệu quả về đối tượng cần nghiên cứu. Khi sử dụng phương pháp này sẽ có những ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm: Cho phép ghi lại những biến đổi khác nhau, nắm bắt đối tượng một cách trực tiếp và đầy đủ những đặc điểm của đối tượng cần nghiên cứu. Cho phép đánh giá nhanh chóng, chính xác đối với những nghiên cứu mang tính mô tả.
Nhược điểm: khi tiến hành quan sát khó tránh khỏi việc áp đặt ý chí chủ quan và vấn đề nghiên cứu. Bằng phương pháp quan sát khó chỉ thấy được những biểu hiện bên ngoài khó đi sâu tìm hiểu bản chất bên trong của vấn đề.
4. Phương pháp phỏng vấn
Phương pháp phỏng vấn là cách thu thập thông tin thông qua cách thức hỏi – trả lời giữa người phỏng vấn và người cung cấp thông tin theo một bảng hỏi được chuẩn bị từ trước, người phỏng vấn sẽ nêu các câu hỏi cho đối tượng cần khải sát, sau đó sẽ ghi nhận câu trả lời vào phiếu điều tra.
Khi tiến hành một cuộc phỏng vấn sẽ trai qua 5 bước cơ bản sau: Thứ nhất, thiết lập sự tiếp xúc ban đầu nhằm tạo không khí thân thiện cởi mở đối với người cung cấp thông tin. Thứ hai, tiếp tục củng cố việc tiếp xúc thông qua những câu hỏi đầu tiên trong kế hoạch đã đề ra. Sau đó, chuyển qua những câu hỏi trọng tâm nội dung chính của cuộc phỏng vấn theo đúng thứ tự đề ra. Nếu cuộc phỏng vấn bị ngắt quãng vì lý do nào đó thì phải thiết lập lại cuộc nói chuyện, người phỏng vấn phải biết dừng lại đúng lúc, biết gợi ý, khích lệ hoặc chuyển qua câu hỏi khác. Cuối cùng, kết thúc buổi phỏng vấn nếu cần thiết có thể bổ sung hoặc đính chính lại thông tin ở những câu hỏi trước đó, (trong trường hợp cần thiết có thể hỏi những thông tin cá nhân của người cung cấp thông tin và đảm bảo bảo mật thông tin đó). Một lưu ý đối với quá trình tiến hành phỏng vấn hãy luôn giữ thái độ thân thiện, cởi mở, linh hoạt trong phỏng vấn và khẳng định giá trị và tầm quan trọng của những thông tin đã thu được.
Những ưu và nhược điểm của phương pháp phỏng vấn:
Ưu điểm: Thông qua phỏng vấn sẽ thu được những thông tin mang tính chất lượng cao, mang tính chân thực, có độ tin cậy, quan điểm cá nhân và tiếp cận thông tin dưới góc độ của đối tượng được điều tra.
Nhược điểm: Phương pháp phỏng vấn đòi hỏi trình độ chuyên môn cao khó có thể áp dụng rộng rãi, bên cạnh đó việc tiếp xúc đối tượng gặp khó khăn do ngại tiếp xúc, ngại va chạm và không muốn bày tỏ quan điểm cá nhân.
5. Phương pháp ankét
Phương pháp ankét là hình thức thu thập thông tin thông qua hình thức hỏi gián tiếp dựa trên bảng hỏi được soạn sẵn, người hỏi sẽ phát phiếu và thống nhất cách trả lời sau khi người được hỏi trả lời xong sẽ thu lại bảng hỏi. Kết cấu của một phiếu ankét gồm:
- Phần mở đầu: Trình bày mục tiêu, ý nghĩa của cuộc điều tra, tên cơ quan, nhóm, tổ chức (hoặc cá nhân) tiến hành nghiên cứu, hướng dẫn trả lời và kêu gọi sự giúp đỡ hộ tác từ người trả lời.
- Phần nội dung: Các nội dung chính của đề tài nghiên cứu.
- Phần kết thúc: Cảm ơn và đánh giá ca thông tin người trả lời đã cung cấp (trong trường hợp cần thiết có thể hỏi thêm thông tin cá nhân ở phần này).
Những ưu và nhược điểm của phương pháp này: Ưu điểm: Phương pháp này là phương pháp nghiên cứu định lượng vì vậy có thể triển khai nghiên cứu trên quy mô lớn. Chất lượng các câu hỏi cao nên thông tin thu thập được mang tính hiệu quả và dễ dàng xử lý thông tin. Nhược điểm: Khi soạn phiếu hỏi đòi hỏi đầu tư sự công phu, trình độ cao, khoa học với đối tượng cần nghiên cứu.
6. Phương pháp thực nghiệm
Phương pháp thực nghiệm là nhà nghiên cứu tạo, dựng lại sự kiện, tình huống pháp lý gần giống với sự kiện, tình huống thực tế đã xảy ra trong thực tiễn. Thông qua quan sát tình huống đó sẽ thu thập lại những thông cần thiết cho đối tượng cần nghiên cứu. Khi tiến hành phương pháp này sẽ có những ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm: Nhanh chóng đánh giá, kiểm tra được tính chất, mức độ phù hợp của vấn đề cần nghiên cứu.
Nhược điểm: Khi sử dụng phương pháp này đòi hỏi người thực hiện có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm. Trong một số tình huống việc tạo dựng lại tình huống gây tốn kém về thời gian, nhân lực, kinh phí, bên cạnh đó chịu tác động lớn của các yếu tố xã hội nên rất khó để tạo ra tình huống giống với tình huống tự nhiên.
Các phương pháp nghiên cứu, điều tra, khảo sát xã hội học pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiến hành điều tra một đề tài nghiên cứu cụ thể, thông qua các phương pháp này sẽ tạo nên định hướng trong quá trình điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp cận, thu thập và xử lý thông tin. Khi sử dụng hiệu quả các phương pháp trên mang đến hiệu quả tích cực cho người nghiên cứu, vì vậy khi tiến hành điều tra, khảo sát phải lựa chọn một hoặc nhiều phương pháp phù hợp với đối tượng cần nghiên cứu. Trong quá trình đánh giá tính khả thi, có thể coi phương pháp thực nghiệm là phương pháp chính trong quá trình nghiên cứu này, để đánh giá tính khả thi nên tổ chức, tiến hành thí điểm tại 1 địa phương, 1 khu vực nhất định.
Trên đây là bài viết sưu tầm và tổng hợp về các phương pháp nghiên cứu, điều tra, khảo sát xã hội học pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!