Các ‘ông lớn’ thời trang mua sợi tái chế để giảm nạn phá rừng và khí thải – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
(KTSG Online) – 33 công ty bao gồm chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang và hàng xa xỉ nổi tiếng như H&M, Zara, Gucci cam kết mua 550.000 tấn sợi carbon thấp được sản xuất từ áo quần cũ tái chế và phế phẩm nông nghiệp. Những loại sợi được xem là bền vững này sẽ được sử dụng để sản xuất áo quần mới và bao bì đóng gói trong một nỗ lực hỗ trợ chống nạn phá rừng và cắt giảm khí thải nhà kính.
Cam kết nói trên của họ được đưa ra hôm 14-11 nhưng không đặt ra thời hạn do nguồn cung sợi carbon thấp còn quá khan hiếm.
Giống như nhiều lĩnh vực khác, ngành công nghiệp thời trang đang chịu sự giám sát ngày càng tăng từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý về nguồn gốc của vải và rác thải mà ngành này tạo ra. Tại Mỹ, rác thải hàng dệt may được đưa đến các bãi chôn lấp đã tăng nhanh kể từ năm 1960 và đạt 11,3 triệu tấn vào năm 2018, theo số liệu mới nhất của Cơ quan Bảo vệ mội trường Mỹ (EPA).
Lĩnh vực thời trang cũng đang chuẩn bị thực hiện những thay đổi lớn để tuân thủ các quy định mới từ Liên minh châu Âu, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố một kế hoạch hồi tháng 3, yêu cầu quần áo phải “có tuổi thọ cao, có thể tái chế và phần lớn phải được làm từ sợi tái chế” vào năm 2030.
Kayla Marci, nhà phân tích thị trường tại Edited, công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích về ngành bán lẻ, nói: “Áp lực ngày càng tăng trong việc phải giảm dấu ấn carbon đối với ngành thời trang đã dẫn đến các loại sợi thay thế, thân thiện với môi trường đang được các thương hiệu lớn đón nhận nhanh chóng”.
Marci cho biết nhà bán lẻ quần áo trên khắp châu Âu và Anh đã tung ra các sản phẩm mới được quảng cáo là làm từ các chất liệu thân thiện với môi trường với số lượng tăng 21% so với năm trước và cao hơn gấp ba lần so với con số của năm 2019.
Theo Canopy, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nghiệp để đưa các nguyên liệu thân thiện với môi trường hơn ra thị trường và bảo tồn rừng, các loại sợi tái chế giúp giảm nhu cầu chặt cây và giảm phát thải khí nhà kính. Canopy cho biết có khoảng 3,2 tỉ cây cối đã bị chặt hạ mỗi năm để làm nguyên liệu thô cho hàng dệt may và bao bì đóng gói. Canopy ước tính việc chuyển sang sợi thân thiện với môi trường có thể tránh được gần 1 tỉ tấn khí thải carbon từ nay đến năm 2030.
Mặc dù vậy, kế hoạch mua 550.000 tấn sợi carbon thấp của các thương hiệu thời trang nói trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoảng 7,5 triệu tấn sợi sợi cellulose nhân tạo được sản xuất hàng năm, phần lớn dựa vào bột gỗ, theo Canopy. Người tiêu dùng thường nhìn thấy những loại sợi đó trên nhãn quần áo dưới những cái tên như rayon, viscose và lyocell.
Các hãng thời trang cho biết việc cam kết mua sợi carbon thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất sợi cellulose làm từ phế phẩm nông nghiệp và sợi từ quần tái chế, với nguồn cung hiện tại rất hạn chế và giá đắt hơn do chúng chưa được sản xuất rộng rãi. Canopy nói rằng cam kết này sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm 10-20 nhà máy bột giấy để sản xuất sợi carbon thấp.
Giám đốc điều hành Canopy Nicole Rycroft đánh giá các khoản đầu tư như vậy đóng vai trò rất quan trọng để ngành công nghiệp sợi carbon thấp còn non trẻ đạt được hiệu quả kinh tế quy mô, giúp giảm chi phí.
Cecilia Strömblad Brännsten, người đứng đầu bộ phận sử dụng tài nguyên và tác động tuần hoàn của H&M, từ chối cho biết công ty bà sẽ chi bao nhiêu hoặc đóng góp bao nhiêu trong số 550.000 tấn sợi carbon mà các thương hiệu cam kết mua. Hiện tại, việc sử dụng sợi tái chế của H&M còn rất ít. Theo Brännsten, sau bông (cotton) và sợi tổng hợp từ dầu mỏ, sợi cellulose nhân tạo là nguồn nguyên liệu thô lớn thứ ba mà H&M sử dụng để sản xuất quần áo.
Bà cho biết thêm, đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu chỉ mua sợi cellulose nhân tạo được chứng nhận bởi Hội đồng quản lý rừng (FSC), một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở ở Đức, hoặc thay thế loại sợi này bằng các loại sợi có nguồn gốc từ áo quần tái chế và phế phẩm thải nông nghiệp.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng để tái chế sợi tổng hợp từ dầu mỏ cũng đặt ra thách thức cho ngành dệt may. Công ty khởi nghiệp (startup) Carbios của Pháp đã phát triển thành công công nghệ tái chế sinh học, trong đó sử dụng enzyme để phân hủy sợi polyester từ áo quần cũ để tái sử dụng trong các sản phẩm mới.
Trong khi đó, nhiều startup khác đang xuất hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguyên liệu tái chế của các thương hiệu thời trang như H&M.
Tuần trước, Renewcell, startup mà H&M rót tiền đầu tư từ năm 2017, đã khai trương nhà máy quy mô thương mại đầu tiên ở Thụy Điển để tái chế rác thải hàng dệt may thành vải dệt mới cho quần áo.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến các nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường nhằm thực hiện cam kết trung hòa carbon trong hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh mà người tiêu dùng, cơ quan quản lý và giới đầu tư ngày càng giám sát gắt gao về vấn đề này.
Liên minh First Movers, bao gồm 65 doanh nghiệp, được thành lập tại COP26 ở Glasgow, Anh hồi năm ngoái cũng cam kết mua hàng để hỗ trợ các nhà cung cấp carbon thấp trong các ngành công nghiệp khó khử carbon, chẳng hạn như xi măng, thép và hàng không. Liên minh First Movers đã mở rộng trong năm nay và có kế hoạch chi 12 tỉ đô la Mỹ để mua các sản phẩm và dịch vụ sạch hơn.
Theo WSJ, Reuters