Các nguyên nhân gây đau nhói tim khi mang thai

Mang thai vừa là khoảng thời gian tươi đẹp và hạnh phúc, khi các bà mẹ tương lai hàng ngày mong ngóng đứa con ra đời, vừa là khoảng thời gian đầy căng thẳng và mệt mỏi, khi cơ thể và tâm lý người mẹ có quá nhiều sự thay đổi, xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống. Đau nhói tim khi mang thai là một trong những hiện tượng khiến các mẹ lo lắng và quan tâm nhiều nhất.

1. Đau nhói tim khi mang thai có phải là hiện tượng bình thường?

 

Xuất hiện những cơn đau nhói ở tim khi mang thai là một hiện tượng thường gặp xảy ra ở nhiều phụ nữ. Trong hầu hết các trường hợp, đây là hiện tượng bình thường, phản ánh những sự thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong cơ thể trong thời kỳ mang thai và không gây nguy hiểm, có thể điều trị bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà.

Tuy nhiên, nếu hiện tượng đau nhói này xảy ra với mức độ thường xuyên, các cơn đau lan xuống tay, kèm với sốt, chóng mặt hoặc xảy ra thường xuyên với phụ nữ có tiền sử bệnh tim mạch thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý nguy hiểm, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, điều trị.

Các nguyên nhân gây đau nhói tim khi mang thai

2. Các nguyên nhân phụ nữ bị đau tim khi mang bầu

 

2.1 Ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu

Các rối loạn tiêu hóa như ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu được xem là nguyên nhân hàng đầu gây các cơn đau nhói tim ở phụ nữ có thai. Nguyên nhân của các rối loạn tiêu hóa này là do trong quá trình mang thai, có sự tăng lên một số loại hormone làm giảm nhu động các cơ trơn hệ tiêu hóa từ đó quá trình tiêu hóa thức ăn bị chậm lại, van dạ dày thực quản bị giảm hoạt động dẫn đến hiện tượng trào ngược acid. Chứng rối loạn tiêu hóa còn do sự phát triển của thai nhi, do chế độ ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu, do tác dụng phụ của các thuốc bổ sung sắt,…

Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ đầu thai kỳ, và trở nên trầm trọng hơn khi bước vào kỳ tam cá nguyệt thứ ba, khoảng tuần thứ 27.

2.2 Stress khi mang thai

Quá lo lắng, căng thẳng có thể gây ra những cơn đau nhói tim khi mang thai.

2.3 Kích thước ngực thay đổi

Khi người phụ nữ có thai, ngực sẽ trở nên to hơn, các cơ bắp và dây chằng vùng ngực sẽ bị căng, tử cung mở rộng gây tăng áp lực lên cơ hoàn và xương sườn, dẫn đến hiện tượng thở dốc và đau nhói ở tim.

2.4 Các bệnh lý về đường hô hấp

Nếu phụ nữ mang thai mắc các bệnh như hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hoặc siêu vi có thể gây các triệu chứng thở ngắn, khó thở, khò khè, sốt, ho kéo dài, cảm nhận được các cơn co thắt của ngực và hiện tượng đau nhói ở tim.

2.5 Nhồi máu cơ tim

Đau nhói ở tim khi mang thai có thể là triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng có thể đi kèm là nhức đầu, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, tê cóng chân tay. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai hút thuốc lá, tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc mang thai khi trên 40 tuổi. Khi có các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Các nguyên nhân gây đau nhói tim khi mang thai

 

2.6 Bệnh động mạch vành

Sự tích tụ mảng bám (lắng đọng chất béo) trong động mạch sẽ làm diện tích các động mạch bị thu hẹp lại, lượng máu qua động mạch bị hạn chế và có thể dẫn đến hiện tượng đau nhói tim.

2.7 Bệnh phình động mạch vành

Có thể là nguyên nhân gây các cơn đau nhói ở tim khi mang thai. Tình trạng này có thể xuất hiện trong thai kỳ hoặc sau sinh.

2.8 Bệnh bóc tách động mạch chủ

Mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bóc tách động mạch chủ, đây là tình trạng rách thành động mạch chủ làm cho máu chảy vào giữa các lớp thành mạch, gây nguy cơ vỡ động mạch chủ. Bệnh gây những cơn đau tim dữ dội, đau lan đến vai, cổ, hai cánh tay, bệnh nhân thở gấp, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn,… Đây là một bệnh rất nguy hiểm, gây nguy cơ tử vong cao.

2.9 Tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh có thể là nguyên nhân gây đau nhói tim khi mang thai. Khi bản thân hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch, những cơn đau tim liên tục trong thời kỳ mang thai là một triệu chứng quan trọng, người bệnh cần được điều trị kịp thời.

3. Các biện pháp phụ nữ có thể áp dụng để hạn chế bị đau tim khi mang thai

 

Nếu phụ nữ bị đau tim khi mang thai kèm với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, chóng mặt, đổ mồ hôi, các cơn đau ngực lan xuống hai tay hoặc đau tim thường xuyên ở phụ nữ có tiền sử bệnh tim mạch thì nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời, tránh xảy ra các nguy cơ trong thai kỳ, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Nếu là các cơn đau tim thông thường do rối loạn tiêu hóa, sự thay đổi nội tiết và tâm lý trong thời kỳ mang thai thì có các biện pháp sau đây có thể giảm nhẹ và hạn chế sự xuất hiện triệu chứng:

  • Chia nhỏ các bữa ăn và khoảng cách giữa các bữa ăn phù hợp để giảm tình trạng khó tiêu hóa thức ăn. Uống nhiều nước, tránh các chất kích thích như rượu, cafein, các thức ăn nóng, cay, nhiều dầu mỡ. Tránh ăn quá no, tránh nằm ngay sau khi ăn để hạn chế tình trạng ợ nóng, trào ngược acid dạ dày.
  • Giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ, có thể tập yoga hoặc ngồi thiền để tránh căng thẳng.
  • Tập những bài thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe, tăng sức miễn dịch cho cơ thể.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, đừng để cơ thể mệt mỏi. Khi nằm, có thể kê gối cao hơn bình thường để giúp dễ thở hơn.
  • Nên ngồi thẳng, đứng thẳng để phổi không bị đè ép, có đủ không gian để hoạt động.
  • Vệ sinh tốt, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm khuẩn.
  • Khi có các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, không được tự ý dùng thuốc vì có thể xảy ra các nguy cơ đối với sức khỏe mẹ và bé.