Các món ăn ngon ở Điện Biên (Cập nhật 01/2023) | Đặc sản Điện Biên

Món ăn ngon và đặc sản Điện Biên

Điện Biên

Món ăn ngon và đặc sản Điện Biên

(Cập nhật 01/2023)

Cùng Phượt – Không quá phong phú trong chủng loại nhưng các món ăn ở Điện Biên cực kì độc đáo, có một không hai khiến du khách đến từ đâu cũng sẽ hài lòng. Các món ăn của người dân tộc ở Điện Biên được chế biến rất cầu kỳ, nhất là nghệ thuật sử dụng các loại gia vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc. Xôi nếp nương, thịt trâu hun khói hay hoa ban là những món ăn đặc sắc khi đặt chân đến vùng đất Điện Biên Phủ lịch sử. Đừng mải vui chơi với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Điện Biên mà bỏ quên đi rất nhiều món ăn ngon ở Điện Biên các bạn nhé.

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Thu Hà Điện Biên, Son Vu, Chinh Nguyễn, FB Đặc sản Tây Bắc, Văn Thành Chương, Nhà Hàng Chim Bốn Mùa, Nguyễn Hải Yến, Mẫn Mạnh, Kim Xuân Nguyen, Mai Mai Lam, Lò Thị Cười, Thu Hoa, Nguyễn Gia Phúc, FB Gạo Điện Biên, Ngọc Lan, Lò Thúy Lan và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Cá nướng (Pa pỉnh tộp)

Cá nướng kiểu người Thái, hay còn gọi là Pa pỉnh tộp (Ảnh – Thu Hà Điện Biên)

Người Thái có câu “cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú”, nghĩa là “gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho” để thể hiện sự tinh tế và sự quý trọng món ăn này. Theo tiếng Thái, “pa” có nghĩa là cá. “Pa pỉnh tộp” được hiểu là món “cá nướng gập”, mô tả đúng hình dáng của món ăn.

Đối với đồng bào dân tộc Thái các món ăn từ cá cùng với xôi nếp nương và các loại củ, quả là những thực phẩm quan trọng và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Nguyên liệu chính của món “pa pỉnh tộp” là cá suối và các loại gia vị. Món ăn này đặc biệt cả từ cách chế biến cho tới cách kết hợp các loại gia vị.

Các loại cá chép, trôi, trắm còn tươi sống chọn con cỡ 0,5 – 0,8kg, làm sạch vảy rồi mổ lấy hết ruột ra, không rửa lại bằng nước. Đặc biệt, khi mổ cá phải mổ dọc sống lưng, kéo từ đầu xuống tận đuôi, để lại phía bụng cá thay vì mổ bụng cá như thông thường.

Đồng bào ở đây lý giải cách mổ này giúp gập úp cá dễ hơn khi nướng, đồng thời phần gia vị nhồi trong bụng cá tiếp xúc với than hồng ngấm vào thịt cá sâu hơn.

Phần gia vị ướp trực tiếp vào trong mình cá gồm rau rừng, rau thơm như húng dũi, hành củ, hành lá, sả, ớt, gừng, sả được thái nhỏ. Đặc biệt không thể thiếu mắc khén và mầm măng cây sa nhân. Phần gia vị này rất quan trọng vì nó sẽ quyết định hương vị của món ăn.

Sau khi đặt hết gia vị vào mình cá, gập ngang thân cá lại sao cho đầu và đuôi cá chạm vào nhau. Bên ngoài con cá xoa một lớp bột riềng và thính gạo trước khi nướng.

Cá được nướng trên than củi liu riu, khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị thơm nức mũi.

Gà nướng mắc khén

Bạn có thể thưởng thức gà nướng trong các bản du lịch cộng đồng ở Điện Biên (Ảnh – Son Vu)

Gà nướng mắc khén là món ăn rất nổi tiếng của người Thái ở vùng Tây Bắc, trong đó có Điện Biên. Lựa chọn than củi giữ nhiệt không để nguội và lửa cháy quá to, không phết thêm mỡ vào thịt gà như cách nướng thông thường. Nướng từ từ thong thả. Lúc nướng để cho mỡ gà chảy ra tự nhiên sao cho da và thịt sát lại. Khi nướng cần lưu ý, thịt gà chín săn lại mới phết nước gia vị mắc khén. Gặp hơi nóng, mắc khén tỏa ra hương thơm ngào ngạt.

Gà nướng mắc khén có da vàng, thịt thơm, vị ngọt, đậm mùi mắc khén, xả, gừng, ớt. Khi chế biến, chọn gà ngon làm sạch sau đó đem nướng.

Xôi nếp nương Điện Biên

Xôi nấu từ nếp nương Điện Biên (Ảnh – Chinh Nguyễn)

Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước. Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều.

Người dân tộc Thái thường dùng xôi nếp nương chung với cá nướng, thịt lợn nướng… Cá nướng được tẩm ướp cùng với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng có vị cay và rất thơm) cùng với ớt, sả, gừng, rồi nướng bằng hơi nóng lửa than hồng cho đến khi chín vàng mới đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những cái ếp xôi nóng hổi của người dân tộc Thái để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương. Thích thú vô cùng khi bạn vo tròn từng nắm xôi trong tay, nhẩn nha thưởng thức và khi xòe lòng bàn tay ra vẫn cảm thấy bàn tay mình sạch trơn, không có cảm giác bết dính.

Gà đen Tủa Chùa

Đây là giống gà xương đen đặc hữu của đồng bào Hmong, tiếng Hmong gọi là Ka Đu. Trải qua hàng ngàn năm với cuộc sống du canh du cư, song Ka Đu vẫn được lưu giữ qua bao thế hệ bởi người Hmong coi Ka Du là 1 tài sản quí, luôn có mặt trong danh mục tài sản thừa kế cho tặng, dựng vợ gả chồng.

Ka Đu có mắt viền đen, da đen, vân thịt đen, phủ tạng đen, xương cũng nhuốm đen. Thịt gà Ka Đu rất săn chắc, thơm ngon.  Đặc biệt thịt có hàm lượng  glutamic và sắt cao gấp 2 lần so với gà bình thường và hàm lượng colesteron thấp. Đồng bào dân tộc thiểu số thường nấu cháo thịt Ka Đu bồi dưỡng cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú và dùng xương Ka Đu để ngâm rượu hoặc nấu cao sử dụng cho người già, người ốm yếu, chân tay run.

Rau hoa ban

Rau ban là món “đưa cơm” truyền thống bao đời của đồng bào Thái vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở Điện Biên. Ấy là những búp ban mới chỉ có đôi lá, người Thái hái từ những cây ban trên đồi cao, mang về rửa sạch rồi cho vào vại muối như muối dưa cải ở miền xuôi. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho thì ngon không gì sánh được. Chỉ qua đèo Pha Đin, mùa này hai bên đường đều có những người phụ nữ tần tảo đứng bên gùi búp ban xanh. Nhưng, muốn gì thì muốn, phải lên đến thành phố Điện Biên Phủ, bước chân vào chợ Mường Thanh, hòa vào những cánh khăn piêu, thấp thoáng trong dáng điệu áo váy của phụ nữ Thái mới cảm nhận được một “mùa xuân của búp ban” ở nơi này.

Những quẩy búp ban còn xanh mơn mởn, nguyên mùi ngai ngái đặc trưng. Rau của loài hoa đẹp, lại được người con gái Thái nhẹ nhàng gói lại, rồi đưa cho khách thì cái cảm giác mới nghĩ đến đã thấy là món ngon.

Hoa ban là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc. Cũng giống như búp ban, hoa ban cũng là thức ăn của đồng bào Thái ở Tây Bắc. Hơn thế, hình ảnh cánh ban trắng đã đi vào đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con đồng bào Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân, với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên. “Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi. Mỗi mùa ban lộc nảy thêm trẻ ra”. Câu ca của đồng bào Thái không chỉ lắng đọng về sức sống của loài cây ấy, mà còn như mời gọi bạn ngược đường đến với Tây Bắc, dù chỉ một lần cũng đủ để nhận ra.

Xôi chim Mường Thanh

Nếu lên Điện Biên vào dịp Tết Mường Thanh bạn sẽ được thưởng thức món xôi chim, một món ăn ngon của người dân nơi đây. Xôi chim được bày trên mâm bằng một cái ếp tre mộc mạc, có nắp đậy để giữ cho xôi luôn ấm và mềm. Xôi chim đặc biệt dẻo thơm nhờ hạt nếp nương sau hai lần đồ bằng chõ gỗ và béo ngọt nhờ vị thịt chim câu mới ra ràng tao thơm. Hương vị xôi chim sẽ hoàn chỉnh khi được rắc thêm tép hành khô chiên vàng.

Bắp cải cuốn nhót xanh

Có lẽ người miền xuôi lên Điện Biên nào đó quá ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây. Món ăn đã làm nên đặc trưng của người Điện Biên. Đầu tiên là phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Có người thích ăn quả thật non, nhưng có lẽ nhót đạt tiêu chuẩn nhất là khi vừa đủ tầm, không non quá mà cũng già quá, lớp phấn mới chỉ mới trăng trắng.

Quả nhót phải xanh mướt, hơi mềm mềm, chưa mọng nước và chua rôn rốt, lại cũng thoảng qua vị chát nữa. Cuốn cùng với nhót cần có bắp cải, cũng phải chọn những lá vừa tầm, không già, không non quá, trắng nõn là. Thêm vài lá tỏi, lá rau mùi, ít gừng thái lát nữa là được.

Quan trọng nhất là bát nước chấm, chẩm chéo là sự hòa quyện của những: tỏi khô, (nhưng phải đúng là tỏi tây bắc mới có mùi, vị cay đặc trưng, tỏi tàu – củ to, mọng nước không ra vị của nó), gừng, ớt, rau mùi, mắc khén, xả… tất cả đều giã nhuyễn, trộn vào chút nước mắm hoặc muối cũng được. Khi ăn, nhót được cắt nhỏ, cuộn cùng bắp bải, gừng, mùi, tỏi và chấm với chẩm chéo.

Chẩm chéo

Chéo là loại gia vị miền Tây Bắc đã đi vào huyền thoại, không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái đen được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén. Mắc, theo tiếng Thái, có nghĩa là quả. Nhưng còn Khén thì không hề có chữ gì đồng nghĩa hay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy mắc khén mãi mãi sẽ là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đổi quen thuộc với con người. Thực tế Mắc Khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu.

Rêu nướng

Rêu được lấy từ những con suối trong. Sau khi được làm sạch, người Thái thường trộn hạt dổi, hạt mắc khén (những gia vị được lấy từ rừng) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm lại hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo lên một thanh nẹp tre.

Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa. Lá dong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Gắp miếng rêu thả vào miệng, nhấp một chút rượu, một cảm giác lạ lùng dễ chịu lan tỏa khắp người, một cảm giác không dễ để quên.

Măng đắng

Măng đắng là một loại sản vật đặc sản mà chỉ có vùng núi rừng như Điện Biên mới có. Măng đắng được mọc lên từ những dãy đồi, sườn núi, và được nhú lên từ mặt đất, khi có mưa rào măng mọc lên rất nhanh, măng ngon nhất là được hái từ lúc còn chưa nhú khỏi mặt đất, khi đó từng búp măng sẽ trắng ngần nõn nà trông thật hấp dẫn.

Măng đắng được chế biến thành nhiều món khác nhau. Khi ăn tại nhà hàng hoặc bản văn hóa, bạn có thể yêu cầu một món măng luộc chấm với chẩm chéo, món nước chấm có đủ gia vị tiêu, tỏi, ớt, mắc khén, rau thơm… của người Thái Điện Biên. Bạn cũng có thể yêu cầu được thưởng thức món măng đắng nướng; xào với thịt lợn, bò hoặc hầm với xương tất cả các món đều rất ngon. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị đắng, ngọt của măng, vị cay của tỏi, ớt, mắc khén, vị bùi, thơm của rau mùi,…Tất cả hương vị của tự nhiên đều được hòa quện vào một món ăn tạo nên sự khác biệt của vùng núi Tây Bắc Điện Biên mà không đâu có được. Bạn có thể thưởng thức măng đắng với các món ăn truyền thống của người Thái đều rất đậm đà và khó quên.

Canh bon

Chỉ khi lên với Điện Biên du khách mới được thưởng thức Canh bon, món ăn dân dã của đồng bào Thái. Món canh Bon được chế biến từ nhiều nguyên liệu trong đó có da trâu hoặc bò, dọc bon ngọt, cà dại cùng các loại rau thơm, gia vị. Qua bàn tay khéo léo người dân đã tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn bởi sự thơm ngon giòn sật của da trâu quyện với vị hơi đắng của cà, thơm của mắc khén, ấm nóng của sả.

Thịt lợn xay hấp lá chuối

Thịt lợn băm nhỏ trộn với gia vị được bọc bằng lá chuối cũng thực sự thú vị. Thịt lợn, loại nguyên liệu ở vùng miền nào cũng có và nó là món ăn chủ đạo trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, món thịt băm bọc lá chuối lại mang đến cho người ăn cảm giác lạ, ít ở đâu có. Món này cũng hấp cách thủy hơn 1 tiếng đồng hồ nên thịt mềm dính chặt, quyện vào nhau, mùi thơm của thịt quyện với mùi thơm của lá chuối, của hạt tiêu càng làm hương vị trở nên đặc biệt.

Vịt om hoa chuối

Vịt được tẩm ướp các loại gia vị như ớt, gừng, xả, bột gà, mắc khén rồi đồ trong khoảng 3 tiếng, om thật nhỏ lửa. Món ăn này tuy màu sắc không được đẹp nhưng nếm thử sẽ thấy ngay cái vị đặc trưng không đâu có. Mới chỉ ngửi mùi thôi đã thấy đặc biệt, mùi hơi cay nồng nhưng khi đưa vào miệng vị ngọt, cay, bùi lan tỏa khiến ai cũng phải tấm tắc khen.

Bánh Khẩu Sén

Khẩu Xén là loại bánh truyền thống của dân tộc thái, được chế biến từ gạo nếp và sắn tươi có hương vị rất đặc trưng của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay, Điện Biên

Khẩu Xén là loại bánh như bánh phồng tôm nhưng chắc và dai hơn. Bánh có thể được làm từ nhiều loại nguyên liệu như gạo nếp cẩm có màu đen, gạo nếp nương có màu trắng hoặc pha thêm gấc để có màu vàng, thêm màu của cây cơm nếp để có màu tím. Đậm đà hơn là Khẩn Xén làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở vùng này.

Bánh xén làm bằng củ sắn tươi cũng tốn nhiều công phu hơn. Khâu đầu tiên củ sắn phải gọt vỏ, rồi nạo ra trộn với gấc, sau đó đồ thật kỹ rồi xay nhỏ mới đem ra cán mỏng, phơi qua rồi cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó mới phơi tiếp cho đến khi bánh thật khô.

Miếng bánh Khẩu Xén được cắt theo hình bình hành, nhỏ hơn 2 ngón tay một chút, khi rán lên nở phồng nhìn rất bắt mắt. Cho vào miệng, miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi.

Đặc sản Điện Biên

Gạo Điện Biên

Cách đây nửa thế kỷ, gạo ở khắp miền Nam Bắc ngày đêm vượt đèo Pha Đin bằng xe thồ, vai gánh để làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ và bao câu chuyện phi thường trên con đường tải gạo. Thật ngẫu nhiên, khi lịch sử sang trang thì ở thung lũng lọt thỏm trong bốn bề mây núi này lại như có “phép mầu” mà bất cứ giống lúa nào gieo xuống cũng trở thành hạt gạo trắng tròn, thơm dẻo, đậm đà khác thường. Và hạt gạo ấy cũng ngổn ngang bao tâm sự thời kinh tế mở.

Gạo Mường Thanh có thể nấu cơm lam, làm khẩu cắm (đồ như xôi với lá cẩm – một loài cây thơm, sẽ cho vị xôi ngậy, thơm, dẻo rất thú vị), khẩu háng (đồ thóc lên đem phơi khô, khi nào muốn ăn, xát vỏ đồ chín một lần nữa) rồi khẩu papa (giống như làm bánh nếp dưới xuôi)… dùng làm lễ vật đình đám, cưới hỏi.

Chưa có nghiên cứu khoa học nào về hạt gạo gieo trồng từ đây nhưng thật kỳ lạ là bất cứ giống lúa nào gieo ở thung lũng này cũng cho hạt gạo dẻo, thơm, trắng bóng đậm đà như vậy. Xét về kinh tế thì rất nhiều ưu việt: tỉ lệ gạo cho rất cao (70%), năng suất hơn nơi khác 70- 150% và tiết kiệm được rất nhiều chi phí gieo trồng. Đến nay trong đời sống, gạo Điện Biên đã có thương hiệu riêng mình bay đi cả nước.

Sâu chít

Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít , người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.

Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể.

Vì vậy, ở Điện Biện và các vùng Tây Bắc hiện nay rượu sâu chít và thịt sâu chít là những thứ được tiêu thụ mạnh cho khách miền xuôi.

Chè Tuyết Tủa Chùa

Tại 4 xã vùng cao của huyện Tủa Chùa, Điện Biên hiện đang lưu giữ một nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ưu đãi ban tăng, đó là gần 10000 cây chè Tuyết cổ thụ.

Cách trung tâm huyện Tủa Chùa trên 50km là xã Sín Chải, nơi sở hữu gần 2.300 cây chè “Tuyết” cổ thụ, tập trung ở các bản Cáng Tỷ, Sín Chải, Hấu Chua, Mạng Chiền, Sáng Tớ… Cái tên “chè Tuyết” mà người dân trong xã Sín Chải quen gọi cho cây chè có lẽ bởi cái khí hậu đặc thù vùng núi đá nơi đây đã tạo nên cho nó. Vào mùa đông giá lạnh, trên các ngọn núi cao, tuyết rơi phủ khắp cành cây, ngọn cỏ. Những cây chè tưởng chừng không sống nổi trước cái lạnh thấu xương, trơ cành khẳng khiu bám đầy sương, tuyết. Rồi mùa xuân đến, cây chè lại nảy mầm, đâm chồi, đem đến một mùa “vàng xanh” bội thu, mang ấm no về cho dân bản.

Ngoài Sín Chải, các xã Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sính Phình cũng sở hữu trên 6.000 cây chè cổ thụ có hàng trăm năm tuổi. So sánh với các loại chè ở các vùng chè nổi tiếng khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc như Tả Sùa ở tỉnh Sơn La, Suối Giàng ở Yên Bái, chè Tủa Chùa có chất lượng không thua kém. Chè Tủa Chùa sống tự nhiên trên các núi đá, được tích tụ sương núi nên hương chè thơm, màu nước chè vàng óng ánh, rất được nước và có vị đắng, ngọt hòa quyện thuần nhất.

Tìm trên Google

  • ăn gì ở điện biên
  • món ngon điện biên
  • ẩm thực điện biên
  • nhà hàng quán ăn ngon điện biên
  • món ngon điện biên
  • đặc sản điện biên

4/5 – (2 đánh giá)

ĐIỆN BIÊN

Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km. Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài ra Điện Biên chính là nơi có địa danh A Pa Chải, Cực Tây của Tổ quốc.

Bạn có biết: Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, biên ải, “Điện Biên” tức là miền biên cương vững chãi của tổ quốc.

  • Diện tích: 541 km²
  • Dân số: 57.400 người
  • Vùng: Tây Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện
  • Mã điện thoại: 215
  • Biển số xe: 27