Các loại thảo mộc dùng trong nấu ăn
Không chỉ góp phần tạo nên mùi hương, mùi thơm và tăng vị đậm đà cho món ăn, các loại thảo mộc còn rất tốt cho sức khỏe. Áp dụng các nguyên liệu này vào món ăn gia đình vừa có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe, lại có thể dùng làm thuốc chữa một số loại bệnh.
Từ lâu, người ta đã nhận ra tầm quan trọng của thảo mộc trong ăn uống. Tại các nhà thuốc gia truyền, thảo mộc được bào chế làm thuốc, còn tại bếp ăn mỗi nhà, thảo mộc dường như là một thành phần không thể thiếu. Ngày nay, bên cạnh các nước phương Đông thì cả phương Tây cũng dùng rất nhiều loại thảo mộc có dinh dưỡng và giá trị sức khỏe.
1. Các loại thảo mộc thường dùng trong nấu ăn
Có vô vàn các loại thảo mộc được dùng trong nấu ăn. Chúng bao gồm: lá, thân, rễ, củ, quả, hoa… của nhiều loại cây. Ban đầu, người ta ứng dụng thảo mộc nhiều nhất trong làm thuốc, chữa bệnh. Ngày nay, chúng là nguyên liệu trong nấu ăn, làm đẹp, chiết xuất nước hoa… Nhìn chung, hầu hết các loại thảo mộc đều có đặc trưng như: bổ dưỡng, có mùi thơm rất riêng, thường được trồng ngay tại nhà của khá nhiều gia đình.
Có khá nhiều loại thảo mộc mang tính mát, tiêu biểu như bạc hà, tuy nhiên lại có loại mang tính ấm như gừng, quế, tiêu…Tùy theo mục đích sử dụng khác nhau mà người ta dùng từng loại khác nhau. Điều quan trọng nhất là không nên tự ý sử dụng thảo mộc một cách tùy tiện vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bạn có cách chế biến sai.
Những loại thảo mộc thường thấy nhất hiện nay ở các gia đình thường là: rau thơm, rau diếp cá, rau má, quế, hoa hồi, gừng, tỏi, tam thất, bạc hà, cây xô thơm, cây basil, xạ hương… Các loại hạt như: tiêu, hạt dổi, hạt mắc khén, hạt lanh, hạt sen, hạnh nhân… Các loại nấm như: nấm đông cô, nấm hương, nấm rơm… Rất nhiều các loại thảo mộc hiện nay đã và đang ngự trị trong nhà bếp của mỗi gia đình, trở thành một thành phần không thể thiếu của các bà nội trợ.
2. Cách dùng thảo mộc đúng cách
Dùng thảo mộc sao cho phù hợp là câu hỏi của rất nhiều người. Nếu bạn dùng một cách hợp lý, những tính chất tốt của thảo mộc sẽ cung cấp cho bạn bữa ăn thơm ngon, bổ sung thêm các dưỡng chất tốt cho sức khỏe, làm cho món ăn trở nên nồng nàn, hấp dẫn. Ngược lại, nếu dùng quá nhiều, thảo mộc có thể phản tác dụng, làm cho cơ thể bạn bị khó chịu, ảnh hưởng tiêu hóa, đổ mồ hôi, cơ thể có mùi hoặc đau đầu, dị ứng…
Một lưu ý khác là các loại thảo mộc bạn nên dùng ở dạng tươi nhất để phát huy tối đa các chất đề kháng, các dưỡng chất cho cơ thể. Đối với thảo mộc ở dạng khô, bạn không nên để quá 6 tháng. Nên bảo quản chúng trong bình thủy tinh, hũ gia vị và đậy kín để chống ẩm ướt, mối mọt.
Bạn cũng không nên trộn quá nhiều loại thảo mộc lại cùng nhau hoặc cho vào chung một món ăn. Việc này có thể gây nên sự hỗn độn trong mùi vị, hương thơm, đồng thời có thể khiến vị giác rơi vào tình trạng quá tải.
Biết cách dùng thảo mộc một cách vừa phải, hợp lý, có sự sáng tạo và thông minh trong cách kết hợp sẽ giúp bạn tận dụng những ưu điểm của thảo mộc, phát huy tối đa công dụng của chúng. Nhờ đó, bạn sẽ có những món ăn thơm ngon, mang hương vị tuyệt vời.
☆
☆
☆
☆
☆
Điểm: 4.43 (21 bình chọn)
Cảm ơn đã bình chọn!