Các loại hình văn hóa doanh nghiệp – VNOKRs

Văn hóa ở mỗi doanh nghiệp, mỗi vùng miền, khu vực, ngành nghề khác nhau sẽ có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, xét ở góc độ tổng quan, bạn có thể phân loại văn hóa doanh nghiệp thành các loại hình cụ thể. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về các loại hình văn hóa doanh nghiệp qua bài viết sau.

Thông tin trong bài viết có sử dụng kết quả nghiên cứu được công bố mới nhất trên Harvard Business Review về các loại hình văn hóa doanh nghiệp. Một số thông tin về nghiên cứu:

  • Tiến hành khảo sát 230 công ty

  • Thực hiện ở các châu lục: Phi, Á, Âu, Mỹ, Đại Dương

  • Phỏng vấn 1.300 lãnh đạo cấp cao ở các tổ chức hàng đầu

  • Khảo sát 25.000 nhân viên

  • Tham khảo, phân tích 100 mô hình văn hóa và các nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp khác như: David Calwell, Jennifer Chatman, James Heskett, John Kotter, Chales O’Reill…

Tìm hiểu thêm: Vai trò của văn hoá doanh nghiệp

1. Văn hóa Quan tâm (63%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

63%

Biểu hiện đặc trưng

Chú trọng vào mối quan hệ và sự tin tưởng

Môi trường làm việc

Ấm áp, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau

Yếu tố kết nối nhân viên

Lòng trung thành, tận tâm của đồng nghiệp

Hình mẫu lãnh đạo

Đề cao sự chân thành, các mối quan hệ tích cực và tinh thần đồng đội

Ưu điểm

Thúc đẩy khả năng gắn kết đội nhóm, niềm tin vào tổ chức và dần định hình cảm giác “tôi thuộc về nơi này” cho nhân viên

Nhược điểm

Quá tập trung vào sự đồng thuận, đồng lòng trong tổ chức nên có thể làm giảm sự cạnh tranh tích cực trong tổ chức

Khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng bị hạn chế

Disney

Lee Cockerell đã có 16 năm làm việc tại Disney và nghỉ hưu vào năm 2006. Ở vị trí Phó Chủ tịch điều hành, ông đã dẫn dắt đội ngũ 40.000 nhân viên, đảm bảo vận hành 20 khu nghỉ dưỡng, 2 công viên nước, 4 công viên Disney cùng nhiều công việc khác.

Theo Lee Cockerell, tại Disney, “sự quan tâm từng chi tiết dù là nhỏ chính là một tôn giáo được chúng tôi thực hành”. Tại các điểm vui chơi của Disney, nhân viên tương tác với khách hàng cũng giống như họ đang cùng nhau tạo nên một màn biểu diễn khổng lồ. Tất cả nhân viên đều cần nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình ở từng chi tiết nhỏ để tạo nên trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.

Nhân viên ở Disney được khuyến khích phải biết mọi thứ trong mỗi mét diện tích. Lee Cockerell tâm niệm: Bạn không thể đảm đương những thách thức lớn nếu như bạn không ưu tiên việc liên tục cải thiện chính bản thân mình.

Văn hóa quan tâm ở Disney còn thể hiện ở việc lắng nghe ý kiến nhân viên. Nhân viên khi muốn báo cáo một vấn đề hay trình bày một băn khoăn với lãnh đạo có thể sử dụng email ẩn danh.

Cockerell còn duy trì hoạt động một tuần báo với tên gọi The main street dairy, phát hành vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần qua email. Tuần báo này sẽ tổng hợp những sự kiện sắp tới, tin tức về những điều công ty đang làm và đặc biệt là ghi nhận những nhân viên xuất sắc trong tuần vừa qua.

Ubiquity Retirement + Savings

Mỗi ngày trước khi rời khỏi văn phòng, các nhân viên của Ubiquity Retirement + Savings sẽ ấn một nút ở sảnh văn phòng. Nút bấm này không phải nút chấm công như ở nhiều văn phòng khác mà là nút để ghi lại cảm xúc của nhân viên.

Nhân viên Ubiquity Retirement + Savings sẽ có 5 nút để lựa chọn thể hiện cảm xúc. Mặt cười tươi nếu họ cảm thấy hạnh phúc với ngày làm việc. Còn mặt mếu nếu họ cảm thấy buồn chán.

Bằng cách thu thập dữ liệu cảm xúc này, các nhà quản lý của Ubiquity Retirement + Savings có thể thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của các thành viên và tìm cách chủ động tạo cảm hứng, truyền động lực cho nhân viên tốt hơn.

2. Văn hóa Học hỏi (7%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

7%

Biểu hiện đặc trưng

Hướng đến sự khám phá, tìm tòi, phát triển và mở rộng

Môi trường làm việc

Giàu ý tưởng, sáng kiến

Khuyến khích nhân viên học tập, tìm hiểu giải quyết các vấn đề liên tục

Yếu tố kết nối nhân viên

Thoải mái trong việc chia sẻ, tiếp nhận những điều mới

Hình mẫu lãnh đạo

Đề cao sự đổi mới, kiến thức, sáng tạo và thậm chí là một chút mạo hiểm, thử thách

Ưu điểm

Giúp thúc đẩy sự thay đổi tích cực, đổi mới, linh hoạt cho tổ chức

Động lực để hình thành văn hóa học tập cho toàn tổ chức

Nhược điểm

Quá chú trọng vào những điều mới có thể khiến các thành viên giảm sự tập trung vào những điều tổ chức hiện tại đang làm tốt

các loại hình văn hoá doanh nghiệp

Adobe là một công ty phát triển phần mềm nổi tiếng tại Mỹ. Công ty này đề cao văn hóa học hỏi, sáng tạo và họ luôn tạo ra những thách thức cho nhân viên bằng các dự án khó. Nhưng đồng thời, Adobe cũng cung cấp sự hỗ trợ tốt về nguồn lực để nhân sự có thể tối ưu hóa công việc của mình.

Adobe làm ra các phần mềm thông minh và họ cũng quản lý nhân sự thông minh, đề cao sự đổi mới, sáng tạo, học hỏi của mỗi cá nhân. Nhân viên đạt thành tích công việc cao sẽ được thưởng các phần quà có giá trị, tiền và thậm chí là cả cổ phần công ty.

Một triết lý trong văn hóa học hỏi ở Adobe là: Khi bạn đặt niềm tin vào nhân viên, bạn sẽ giúp nhân viên nỗ lực, sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn.

3. Văn hóa Vui vẻ (2%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

2%

Biểu hiện đặc trưng

Luôn tạo ra niềm vui và sự phấn khích

Môi trường làm việc

Thư thái

Nhân viên có thể làm những công việc họ cảm thấy hạnh phúc nhất

Yếu tố kết nối nhân viên

Sự thoải mái, hài hước, khuấy động tinh thần

Hình mẫu lãnh đạo

Hòa đồng cùng nhân viên

Ưu điểm

Thúc đẩy sự sáng tạo, gắn kết và tinh thần của các thành viên trong tổ chức

Nhược điểm

Khi tập trung quá nhiều vào yếu tố gắn kết và tự chủ, tổ chức có thể bị suy giảm tính kỷ luật, dẫn đến các vấn đề về quản trị, pháp lý

các loại hình văn hoá doanh nghiệp

Đọc thêm: Các yếu tố tạo nên một nền văn hoá tuyệt vời

Warby Parker

Warby Parker là công ty phân phối kính mắt nổi tiếng của Mỹ, đã sản xuất, phân phối kính mắt online từ năm 2010. Nhân viên ở Warby Parket được khuyến khích và tạo điều kiện để gặp gỡ, giao lưu, tạo không khí vui vẻ nơi làm việc:

  • Công ty có một đội ngũ nhân sự chuyên làm về các hoạt động văn hóa nội bộ

  • Warby Parker có đa dạng các hoạt động như: bữa trưa vui vẻ, sự kiện định kỳ cũng như bất ngờ…

  • Yêu cầu nhân viên cùng dọn dẹp khu vực nghỉ ngơi sạch sẽ để tạo điều kiện cho nhân viên thân thiết hơn

  • Tập hợp các thành viên thành các nhóm nhỏ và từng nhóm sẽ đi ăn trưa với nhau.

Twitter

Một ví dụ khác về văn hóa vui vẻ là Twitter. Nhân viên Twitter được truyền cảm hứng từ tầm nhìn, mục tiêu của tổ chức. Họ cũng thực sự cảm thấy vui vẻ mỗi ngày với môi trường làm việc ở Twitter: có thể ăn uống; du lịch không giới hạn; học yoga miễn phí…

Những đồng nghiệp tại Twitter đề cao văn hóa làm việc nhóm cùng đội ngũ thông minh, sáng tạo và khuyến khích mỗi thành viên phát huy hết khả năng của mình.

SquareSpace

SquareSpace đã kiến tạo văn hóa vui vẻ của mình bằng cách tổ chức nhân sự theo xu hướng “phẳng”. Trong tổ chức có rất ít hoặc thậm chí không có các cấp bậc quản lý cấp trung. Họ tối giản nhất có thể các cấp độ quản lý. 

Nhân viên ở SquareSpace được tận hưởng những phúc lợi đa dạng giúp họ vui vẻ tại nơi làm việc như:

  • Các gói bảo hiểm cao cấp trọn gói

  • Chính sách nghỉ phép linh hoạt

  • Không gian làm việc thoải mái, sáng tạo

  • Những bữa ăn miễn phí

  • Tiệc hàng tháng

  • Các chương trình đào tạo theo nhu cầu

Đọc thêm: 4 Đặc điểm của nền văn hoá tích cực

4. Văn hóa Quyền lực (4%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

4%

Biểu hiện đặc trưng

Quan tâm đến sự quyết đoán, sức mạnh và thậm chí là liều lĩnh

Môi trường làm việc

Mức độ cạnh tranh cao

Các thành viên luôn phải nỗ lực cao độ để giành được lợi thế cá nhân

Yếu tố kết nối nhân viên

Sự kiểm soát, giám sát mạnh mẽ từ cấp trên với cấp dưới

Hình mẫu lãnh đạo

Đề cao địa vị lãnh đạo, khả năng thống trị và sự tự tin

Ưu điểm

Khả năng đưa ra quyết định, ứng phó kịp thời với những khủng hoảng, đe dọa đối với tổ chức

Nhược điểm

Tiềm ẩn nguy cơ gây mâu thuẫn, cảm giác không an toàn tại nơi làm việc

Viettel

Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp viễn thông có xuất phát điểm từ quân đội. Do đó, “chất” văn hóa ở Viettel tiếp nối nhiều nét tính cách của một người lính kỷ luật, tuân thủ theo quyền hạn. Tại Viettel, cách vận hành doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào quyền lực lãnh đạo, vào các quyết định từ cấp trên.

5. Văn hóa Chủ đích (9%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

9%

Biểu hiện đặc trưng

Lý tưởng và chủ nghĩa vị tha

Môi trường làm việc

Đồng cảm, bao dung

Các thành viên nỗ lực làm việc thật tốt vì mục tiêu phát triển lâu dài của tổ chức

Yếu tố kết nối nhân viên

Mục tiêu trong dài hạn của tổ chức

Hình mẫu lãnh đạo

Đề cao những lý tưởng, sự đóng góp, chia sẻ với tập thể

Ưu điểm

Góp phần tạo nên sự ổn định của tổ chức trong dài hạn

Nhược điểm

Có thể ảnh hưởng tới những mục tiêu trong ngắn hạn của tổ chức

Adobe

Sản phẩm của Adobe là những phần mềm sáng tạo và nhân viên của Adobe cũng cần “không gian” để sáng tạo. Cách quản lý ở Adobe vì vậy không đi vào quá chi tiết, quản lý nhân viên không qua các chỉ số đánh giá hay KPI.

Nhân viên ở Adobe được phép tự đề ra mục tiêu công việc của mình và đảm bảo hoàn thành mục tiêu đó. Đó chính là niềm tin của tổ chức vào nỗ lực nhân viên muốn hướng tới.

Quản lý ở Adobe vì vậy sẽ giữ vai trò như những người hỗ trợ, khuyến khích nhân viên đạt được mục tiêu thay vì đóng vai trò như một giám sát hay kiểm soát team. Việc đặt niềm tin vào nhân viên theo văn hóa chủ đích là một nét văn hóa tiêu biểu của Adobe.

6. Văn hóa Kỷ luật (15%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

15%

Biểu hiện đặc trưng

Sự tôn trọng

Cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Những chuẩn mực trong tổ chức được tuân thủ nghiêm ngặt

Môi trường làm việc

Nguyên tắc, tuân thủ theo kỷ luật

Yếu tố kết nối nhân viên

Sự hợp tác trong mọi thời điểm

Hình mẫu lãnh đạo

Đề cao khả năng quản trị theo các quy chuẩn đã được tập thể xác lập

Ưu điểm

Giảm mâu thuẫn trong tổ chức

Nâng cao khả năng phối hợp đội ngũ

Nhược điểm

Có thể làm giảm khả năng sáng tạo, linh hoạt, đổi mới ở mỗi cá nhân

các loại hình văn hoá doanh nghiệp

Thaco Trường Hải

Kỷ luật là nền tảng văn hóa cốt lõi của Thaco Trường Hải. Thaco duy trì văn hóa kỷ luật vì đặc thù công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Nếu không có kỷ luật trong tất cả các khâu sản xuất, vận hành sẽ rất khó đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định.

3 yếu tố góp phần tạo nên văn hóa kỷ luật ở Thaco Trường Hải là: ý thức kỷ luật; hành động kỷ luật và con người kỷ luật.

7. Văn hóa An toàn (8%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

8%

Biểu hiện đặc trưng

Cẩn trọng

Kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ

Môi trường làm việc

Thận trọng trong mọi hành động, quyết định để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra

Yếu tố kết nối nhân viên

Mong muốn được bảo vệ, một môi trường làm việc an toàn, ít biến động

Hình mẫu lãnh đạo

Có khả năng dự phòng rủi ro, lường trước các vấn đề

Ưu điểm

Tăng cường sự ổn định của tổ chức

Giảm thiểu những rủi ro trong quản trị, kinh doanh và phát triển công ty

Nhược điểm

Có thể dễ dẫn đến môi trường làm việc trì trệ, thiếu tính linh hoạt

Vinamilk

Vinamilk là công ty hàng đầu trong ngành sữa của Việt Nam. Vinamilk trong quá trình vận hành luôn đề ra mục tiêu, kế hoạch rõ ràng. Đi kèm với đó là chế độ báo cáo và KPI đầy đủ để kiểm soát mục tiêu.

Tất cả sự thận trọng trong vận hành của Vinamilk là hợp lý vì công ty hướng đến cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng hàng đầu bằng sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao nhất.

8. Văn hóa Kết quả (95%)

Tiêu chí
Kết quả nghiên cứu

Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng

95%

Biểu hiện đặc trưng

Thành tựu

Chiến thắng

Môi trường làm việc

Hướng đến kết quả và phần thưởng tương xứng

Các thành viên khao khát đạt được kết quả làm việc vượt trội

Yếu tố kết nối nhân viên

Sự cạnh tranh về năng lực

Khả năng thành công trong công việc

Hình mẫu lãnh đạo

Chú trọng vào khả năng đề ra mục tiêu hợp lý

Ưu điểm

Thúc đẩy khả năng vận hành, phát triển mạnh mẽ của tổ chức

Góp phần nâng cao năng lực, khả năng đạt mục tiêu của thành viên

Nhược điểm

Có thể gây ra cảm giác căng thẳng, lo lắng tại nơi làm việc

SpaceX

SpaceX hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và nổi tiếng với văn hóa làm việc quá giờ một cách khắc nghiệt. Tuy nhiên, bản thân nhân viên SpaceX không xem đó là khắc nghiệt vì họ hiểu rõ kết quả mà tổ chức và bản thân muốn hướng tới. Và, họ sẽ nỗ lực để đạt được kết quả đó dù có phải làm thêm giờ thường xuyên. Văn hóa kết quả với khả năng làm việc vượt giới hạn của mỗi thành viên đã góp phần tạo nên thành công của SpaceX.

Nhân viên SpaceX hiểu rõ ý nghĩa công việc họ đang làm sẽ góp phần tạo ra lịch sử cho ngành hàng không vũ trụ. Vì vậy, họ thậm chí thể làm việc liên tục 60 – 70 tiếng mỗi tuần. Để bồi đắp cho văn hóa kết quả, tại SpaceX, nhân viên sẽ được nhận nhiều lợi ích giúp họ tập trung hơn vào mục tiêu công việc như:

  • Lễ vinh danh hàng tháng cho những người làm việc tốt nhất

  • Những bài phát biểu khích lệ tinh thần hoặc email gửi toàn nhân viên của CEO Elon Musk

  • Môi trường làm việc nhóm chăm chỉ, tạo nhiều động lực cho mỗi thành viên

9. Tổng quan về các loại hình văn hóa doanh nghiệp

Qua kết quả nghiên cứu của HBR, bạn có thể nhận thấy:

  • Văn hóa kết quả là xu hướng chủ đạo ở gần như tuyệt đối các doanh nghiệp (95%). Doanh nghiệp áp dụng văn hóa kết quả điển hình có thể kể đến GSK.

  • Phần đông các doanh nghiệp có nỗ lực kiến tạo văn hóa quan tâm đối với nhân viên (63%). Điển hình nổi trội của văn hóa quan tâm là Disney.

  • Tại các công ty hiện nay, nhất là công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có một xu hướng kiến tạo văn hóa theo hướng học hỏi và vui vẻ. Tuy 2 xu hướng văn hóa này còn có tỷ lệ áp dụng thấp (lần lượt là 7% và 2%) nhưng với những mặt tích cực mà văn hóa học hỏi, vui vẻ đem lại được, xu hướng này được dự đoán có khả năng ngày càng lan tỏa tại các tổ chức.

Khi nhắc đến văn hóa học hỏi và vui vẻ, bạn có thể tham khảo về cách xây dựng văn hóa của Tesla và Zappos.

  • Các xu hướng văn hóa doanh nghiệp có độ linh hoạt, tương đối. Do đó, khi lựa chọn loại hình văn hóa áp dụng cho doanh nghiệp của mình, bạn rất nên cân nhắc các yếu tố đặc thù của doanh nghiệp. Tùy theo mục tiêu cốt lõi, bản chất, ngành nghề doanh nghiệp mà bạn nên lựa chọn loại hình văn hóa doanh nghiệp phù hợp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự phát huy được tính tích cực khi được đặt đúng nơi, đúng thời điểm.

Tìm hiểu thêm: Tại sao cần phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp

*

Các loại hình văn hóa doanh nghiệp rất đa dạng và mỗi loại hình đều có ưu và nhược điểm riêng của mình. Áp dụng đúng văn hóa phù hợp vào tổ chức mới có thể khiến tổ chức của bạn thực sự gắn kết, cải thiện hiệu suất và động lực làm việc. Hy vọng những thông tin VNOKRs chia sẻ ở trên hữu ích với bạn. Để tìm hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp.

Bạn có thể tham khảo thêm khoá huấn luyện về Văn hoá doanh nghiệp – Building the True Company của John Academy để có thể tìm hiểu rõ hơn và xây dựng một nền Văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ.