Các loại hình doanh nghiệp nào KHÔNG CÓ tư cách pháp nhân?

Trước khi giải đáp câu hỏi loại hình doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm về tư cách pháp nhân là gì nhé.

Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức (nhóm người) hoặc doanh nghiệp có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Không phải doanh nghiệp nào cũng được công nhận tư cách pháp nhân. Một tổ chức được công nhận tư cách pháp nhân khi và chỉ khi đáp ứng được điều kiện trong Điều 74 – Bộ Luật Dân Sự 2015.

1.1 Điều kiện doanh nghiệp được công nhận tư cách pháp nhân

Điều 74 – Luật Dân Sự quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân Sự, luật khác có liên quan.

  • Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân Sự.

  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

  • Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

1.2 Doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?

Vậy loại hình doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân. Để được công nhận là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân thì phải đáp ứng 4 điều kiện quan trọng của luật Dân Sự bên trên. 

Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân đầy đủ kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp.

a) Pháp nhân là một chủ thể được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người (một cá nhân) mà phải là một tổ chức. 

Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

Như vậy, một doanh nghiệp có thể được coi là có tư cách pháp nhân tại thời điểm doanh nghiệp đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tức là được pháp luật công nhận việc khai sinh ra doanh nghiệp.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng là pháp nhân (ví dụ doanh nghiệp tư nhân) vì nó chưa hội đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

b) Pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Ngoài tên riêng được đăng ký để gọi và sử dụng trong các giao dịch, pháp nhân phải có điều lệ hoạt động rõ ràng, có cơ cấu tổ chức cụ thể, có người đại diện theo pháp luật để nhân danh (thay mặt, đại diện) cho pháp nhân thực hiện các giao dịch:

Điều lệ của pháp nhân do các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên xây dựng và thống nhất thông qua. Nếu pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều lệ do cơ quan nhà nước đã thành lập chuẩn y.

Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

Pháp nhân có con dấu riêng do người đại diện của tổ chức quản lý và sử dụng.

c) Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với các tài sản đó

Theo quy định của pháp luật thì pháp nhân phải sở hữu một lượng tài sản nhất định để sử dụng trong các giao dịch và hoàn toàn chịu trách nhiệm với các tài sản đó.

  • Tài sản này được pháp luật công nhận thuộc quyền sở hữu của pháp nhân, tức là pháp nhân có toàn quyền sử dụng mà không chịu sự chi phối, kiểm soát của bất kỳ ai.

  • Tài sản đó phải hoàn toàn tách biệt với tài sản của các cá nhân là thành viên nên các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào tổ chức.

Đây là sự khác biệt rất lớn để phân biệt giữa pháp nhân với thể nhân (cá nhân).

Công ty có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh… nhưng nếu xét về trách nhiệm tài sản của người chủ doanh nghiệp đối với các khoản nợ của doanh nghiệp thì chỉ có hai loại:

  •  Hoặc là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp;

  •  Hoặc là chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, loại doanh nghiệp này có tư cách pháp nhân.

Trà lời: Do đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không có tài sản độc lập với chủ doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình).

1.3 Quyền lợi khi thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ được hưởng những quyền lợi sau đây:

  • Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ hoạt động độc lập và tách bạch về tài sản, đồng thời chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

  • Khi có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp được thừa nhận là chủ thể pháp lý độc lập, có khả năng tham gia vào các quan hệ kinh doanh độc lập và được pháp luật bảo vệ.

  • Giúp phân định tài sản giữa doanh nghiệp và thành viên doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể bảo vệ tài sản khỏi những khoản nợ của cá nhân các thành viên. Mỗi cá nhân có thể tự chịu trách nhiệm bằng số tài sản của mình góp vốn.

  • Tư cách pháp nhân sẽ góp phần phân biệt giữa nợ của doanh nghiệp và nợ của thành viên doanh nghiệp. Tạo sự uy tín với đối tác và khách hàng.

  • Giúp các nhà đầu tư có thể kiểm soát được rủi ro trong các khoản đầu tư của mình. Nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về phần tài sản cá nhân không liên quan gì đến doanh nghiệp, cũng không cần phải quan tâm đến hành vi và khả năng thanh toán của các thành viên khác trong doanh nghiệp từ đó tạo sự uy tín và an tâm.

  • Tư cách pháp nhân hoạt động ổn định, không gặp phả những sự thay đổi bất ngờ như thể nhân.