Các loại con dấu doanh nghiệp? Quy định về quản lý và sử dụng con dấu?

Các loại con dấu tại Việt Nam? Con dấu tương ứng với từng loại hình tổ chức? Quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu, giấy chứng nhận mẫu dấu tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, con dấu có thể xem là biểu tượng thể hiện vị trí pháp lý của tổ chức, doanh nghiệp. Việc quản lý và sử dụng con dấu phải tuân theo các qui định của pháp luật.

Bài viết này nói về việc quản lý và sử dụng con dấu hình tròn, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, không phải là con dấu hình vuông, hình oval, dấu chức danh, dấu tên …vv.

Con dấu có hình quốc huy và con dấu không có hình quốc huy:

Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. 

Con dấu gồm hai loại: có hình quốc huy và không có hình quốc huy.

Các cơ quan tổ chức và chức danh nhà nước dưới đây được dùng con dấu có hình quốc huy:

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

2. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;

3. Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ;

4. Văn phòng Chủ tịch nước;

5. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện Kiểm sát quân sự;

6. Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định;

7. Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp;

8. Cơ quan thi hành án dân sự;

9. Phòng Công chứng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

10. Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn đại diện thường trực tổ chức quốc tế liên chính phủ và Cơ quan lãnh sự (kể cả lãnh sự danh dự), Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với nước, tổ chức quốc tế tiếp nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn do luật pháp quy định;

11. Các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao : Cục Lãnh sự, Vụ Lễ tân, ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh;

12. Một số tổ chức khác do Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Các cơ quan, tổ chức được sử dụng con dấu, nhưng không có hình Quốc huy :

1. Các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

2. Các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự, Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp;

3. Các cơ quan chuyên môn và tổ chức sự nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

4. Tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các hội hữu nghị, các tổ chức hoạt động nhân đạo, hội bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức phi chính phủ khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hay cấp giấy phép hoạt động;

5. Các tổ chức tôn giáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động;

6. Các tổ chức kinh tế được quy định theo Luật Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật; các đơn vị trực thuộc, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế này;

7. Một số tổ chức khác được cơ quan có thẩm quyền thành lập cho phép.

8. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

on-dau-quan-ly-va-su-dung-con-dauon-dau-quan-ly-va-su-dung-con-dau

 Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Quy định về quản lý và sử dụng con dấu

Nguyên tắc chung:

Việc quản lý và sử dụng con dấu phải tuân theo các quy định sau:

1. Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được sử dụng một con dấụ Trong trường hợp cần có thêm con dấu cùng nội dung như con dấu thứ nhất thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thành lập và phải có ký hiệu riêng để phân biệt với con dấu thứ nhất;

“Cơ quan có thẩm quyền thành lập” được hiểu là trong trường hợp cơ quan, tổ chức có địa bàn hoạt động trên phạm vi rộng, có trụ sở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở chính, do tính chất công việc và sự cần thiết để điều hành công việc kịp thời thì cơ quan, tổ chức đó có thể đề nghị cơ quan đã thành lập hoặc cấp phép hoạt động cho phép sử dụng thêm con dấu cùng nội dung như con dấu thứ nhất.

2.Các cơ quan, tổ chức có chức năng cấp văn bằng, chứng chỉ, thẻ chứng minh nhân dân, thị thực visa có dán ảnh thì được khắc thêm dấu nổi, dấu thu nhỏ để phục vụ cho công tác, nghiệp vụ nhưng phải được cấp có thẩm quyền cho phép và nội dung con dấu phải giống như con dấu ướt mà cơ quan, tổ chức đó được phép sử dụng.

3. Mực in dấu thống nhất dùng màu đỏ.

4. Trong trường hợp bị mất con dấu, cơ quan, tổ chức phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất và cơ quan công an đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đồng thời phải thông báo huỷ bỏ con dấu bị mất.

5. Con dấu đang sử dụng bị mòn, hỏng hoặc có sự chuyển đổi về tổ chức hay đổi tên tổ chức thì phải làm thủ tục khắc lại con dấu mới và nộp lại con dấu cũ.

6. Khi cơ quan, tổ chức sử dụng con dấu chia tách, sáp nhập, giải thể, kết thúc nhiệm vụ có hiệu lực thi hành thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thu hồi con dấu và nộp lại con dấu cho cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấụ

7. Trong trường hợp tạm đình chỉ sử dụng con dấu, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định thành lập và cho phép sử dụng con dấu phải thu hồi con dấu và phải thông báo cho cơ quan công an cấp giấy phép khắc dấu và các cơ quan liên quan biết.

Thủ trưởng/giám đốc có trách nhiệm quản lý con dấu

Về nguyên tắc, Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức kinh tế có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình theo đúng chức năng và thẩm quyền được pháp luật quy định.

Lưu ý: Tại doanh nghiệp, thông thường – và theo qui định về công tác văn thư – con dấu được giao cho nhân viên phụ trách văn thư giữ. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì người chủ doanh nghiệp chính là người có trách nhiệm giữ (quản lý) và sử dụng con dấu.

Chính phủ qui định con dấu của cơ quan, tổ chức Nhà nước phải được giao cho nhân viên văn thư giữ và đóng dấu tại cơ quan, tổ chức.  Điều này có nghĩa là con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ. Trường hợp thật cần thiết để giải quyết công việc ở xa trụ sở cơ quan thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó có thể mang con dấu đi theo và phải chịu trách nhiệm về việc mang con dấu ra khỏi cơ quan.

Nhân viên văn thư giữ con dấu có trách nhiệm thực hiện những quy định sau:

a) Không giao con dấu cho người khác khi chưa được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền

b) Phải tự tay đóng dấu vào các văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức;

c) Chỉ được đóng dấu vào những văn bản, giấy tờ sau khi đã có chữ ký của người có thẩm quyền;

d) Không được đóng dấu khống chỉ.

Việc sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức được quy định như sau:

– Những văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức;

– Những văn bản do văn phòng hay đơn vị ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao phải đóng dấu của văn phòng hay dấu của đơn vị đó.

Cách đóng dấu

1. Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu quy định.

2. Khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

3. Việc đóng dấu lên các phụ lục kèm theo văn bản chính do người ký văn bản quyết định và dấu được đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tên của phụ lục. 

4. Việc đóng dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản, tài liệu chuyên ngành được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành.

Thẩm quyền quy định mẫu dấu và đăng ký mẫu dấu

Bộ Công an quy định thống nhất mẫu các loại con dấu và việc khắc biểu tượng trong con dấu hoặc chữ nước ngoài trong con dấu; cấp giấy phép khắc dấu, lưu chiểu mẫu dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; quản lý hoạt động khắc dấu; kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu.

Thẩm quyền cấp giấy phép khắc dấu, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và đăng ký lưu chiểu mẫu dấu quy định như sau :

1. Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an cấp giấy phép khắc dấu, đăng ký mẫu con dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho các chức danh nhà nước, các cơ quan, tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; cấp giấy phép khắc dấu cho các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức Quốc tế liên Chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; cấp giấy phép mang con dấu vào Việt Nam sử dụng cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác không có chức năng ngoại giao hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

2. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép khắc dấu, đăng ký mẫu dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho các cơ quan, tổ chức địa phương, một số cơ quan, tổ chức Trung ương đóng tại địa phương theo phân cấp của Bộ Công an; đăng ký mẫu dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác không phải là đại diện ngoại giao đã được phép mang vào Việt Nam để sử dụng.

3. Các cơ quan nước ngoài khác và các tổ chức quốc tế phi chính phủ có đại diện tại Việt Nam muốn mang con dấu từ nước ngoài vào Việt Nam để sử dụng phải làm thủ tục đăng ký mẫu con dấu tại Bộ Công an Việt Nam.

4. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài không phải là Cơ quan đại diện ngoại giao mang con dấu từ nước ngoài vào Việt Nam sử dụng cần có văn bản gửi Bộ Công an Việt Nam nói rõ lý do, phạm vi sử dụng con dấu, kèm theo mẫu con dấu, giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, đồng thời phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng.