Các lần khám thai quan trọng mẹ nhất định không được quên

Các lần khám thai quan trọng mẹ nhất định không được quên

Khám thai giúp mẹ và bác sĩ theo dõi sự phát triển của con, đồng thời đánh giá được tình trạng sức khỏe cũng như những nguy cơ mẹ và bé đã, đang và sẽ có thể gặp phải trong quá trình mang thai. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ điểm danh cho mẹ tất tần tật các lần khám thai quan trọng, mẹ hãy ghi nhớ và đi khám đúng lịch để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!

1. Khám thai là gì?

Khám thai là cách tốt nhất giúp mẹ theo dõi sự phát triển, tình trạng sức khỏe thai nhi và những bất thường (nếu có) ở mẹ và bé để xử lý kịp thời thông qua việc thăm khám sức khỏe tổng quát, siêu âm thai và làm các xét nghiệm cần thiết ở từng giai đoạn của thai kỳ.

Qua mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ giúp mẹ chẩn đoán tình trạng, giải đáp những thắc mắc và đưa ra những tư vấn hữu ích để bảo vệ tốt nhất cho thai kỳ, bé sinh ra khỏe mạnh.

Bác sĩ sẽ giúp mẹ giải đáp những thắc mắc và đưa ra tư vấn hữu ích để bảo vệ tốt nhất cho thai kỳ qua mỗi lần khám thai

Trước khi đi khám thai mẹ cần lưu ý:

– Nên liên hệ với bệnh viện để tìm hiểu lần khám thai này mẹ sẽ khám những gì, có làm xét nghiệm không, có cần nhịn ăn không,…

– Liệt kê các triệu chứng mẹ coi là bất thường để trao đổi với bác sĩ khi đến khám.

– Chuẩn bị trước các câu hỏi để hỏi và nhờ bác sĩ tư vấn.

– Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khám thai để bác sĩ lấy làm căn cứ chẩn đoán.

– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc trang phục thoải mái.

2. Các lần khám thai quan trọng

Tuân thủ khám thai định kỳ theo các lần khám thai quan trọng sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt, hạn chế tỷ lệ thai nhi tử vong, tăng tỷ lệ vượt cạn thành công.

Khám thai định kỳ theo các lần khám thai quan trọng sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh

Dưới đây là tổng hợp các lần khám thai mẹ nhất định không được quên để có một thai kỳ khỏe mạnh.

2.1. Khám thai lần đầu tiên khi nghi ngờ mình mang thai

Khi mẹ xuất hiện một số biểu hiện của mang thai như chậm kinh, que thử thai lên 2 vạch,.. thì mẹ nên đi khám thai để biết chính xác mình có mang thai không. Đây được coi là lần khám thai đầu tiên nhất và rất quan trọng trong thai kỳ.

Ở lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ làm siêu âm với mục đích kiểm tra xem mẹ có mang thai hay không, thai đã vào tổ chưa, có làm tổ đúng vị trí không, có tim thai hay chưa.

Ngoài ra, mẹ sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm khác để xác định nguy cơ có các bệnh truyền nhiễm lây từ mẹ sang con như giang mai, HIV/AIDS, viêm gan B, C, Rubella,… Và sau cùng bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu về chế độ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cần thiết khi mang thai, các nguy cơ và biện pháp phòng tránh,…

2.2. Khám thai lần 2 khi mang thai ở tuần thứ 8

Lần khám thai thứ 2 bác sĩ vẫn sẽ thực hiện khám lâm sàng để kiểm tra sức khỏe hiện tại của mẹ thông qua đo huyết áp, đo cân nặng,…

Nếu lần đầu tiên chưa có tim thai, bác sĩ sẽ kiểm tra tim thai lại một lần nữa và làm thêm các kiểm tra khác: đo kích thước túi ối, đo chiều dài phôi thai,…

Mẹ cũng sẽ được làm xét nghiệm máu, thử nước tiểu để xem có thiếu sắt, canxi hay thiếu máu không để bác sĩ có hướng tư vấn đơn thuốc phù hợp.

2.3. Khám thai lần 3 khi mang thai ở tuần thứ 11-13

Lần khám thai này có thể nói là lần khám thai quan trọng nhất vì đây là thời điểm vàng để thực hiện sàng lọc trước sinh cho trẻ thông qua xét nghiệm Double test và siêu âm đo độ mờ da gáy, giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh liên quan đến nhiễm sắc thể.

Khám thai lần 3 rất quan trọng, giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh liên quan đến nhiễm sắc thể

2.4. Khám thai lần 4 khi mang thai ở tuần thứ 16

Nếu bỏ lỡ xét nghiệm Double test và siêu âm đo độ mờ da gáy ở lần khám thứ 3,  bác sĩ sẽ chỉ định các mẹ thực hiện xét nghiệm Triple test để sàng lọc hội chứng Down và dị tật ống thần kinh.

Tuy nhiên mẹ cần biết rằng, nếu phát hiện dị tật nặng thì việc xử lý sẽ khó khăn hơn vì thai lớn, nhưng cũng là cần thiết khi mẹ không đi khám được trong giai đoạn vàng.

Nếu lần 3 mẹ đã thực hiện Double test nhưng vẫn muốn kiểm tra thêm Triple test cho chắc chắn thì vẫn có thể thực hiện.

2.5. Khám thai định kỳ lần 5 khi mang thai ở tuần thứ 22

Tuần này bác sĩ có thể phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi thông qua việc siêu âm, từ đó đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng và rủi ro có thể xảy ra với mẹ và bé.

Một số dị tật có thể phát hiện được như: dị dạng cơ quan, hở hàm ếch, sứt môi, bất thường về tim não…

2.6. Khám thai lần 6 khi mang thai ở tuần thứ 28

Tuần thai thứ 28 mẹ có một xét nghiệm vô cùng quan trọng cần thực hiện đó là xét nghiệm dung nạp đường huyết, giúp tầm soát tiểu đường thai kỳ.

Nếu phát hiện bệnh, có thể can thiệp kịp thời bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa biến chứng của bệnh trong quá trình mang thai và sinh con.

2.7. Khám thai lần 7 khi mang thai ở tuần thứ 32

Ở mốc khám này, các dị tật thai nhi sẽ được xác định lần cuối thông qua siêu âm. Mẹ nên thực hiện siêu âm 5D có hình ảnh siêu âm sắc nét để có thể xác định dị tật một cách chính xác nhất.

Siêu âm 5D sắc nét để có thể - xác định chính xác các dị tật thai nhi

Ngoài ra, mẹ sẽ cần theo dõi doppler động mạch ở rốn, kiểm tra ngôi thai, tốc độ tăng trưởng của thai để dự đoán về quá trình chuyển dạ sắp tới.

2.8. Khám thai lần 8,9 khi mang thai ở tuần thứ 36 – 39

Quá trình mang thai của mẹ sắp đến ngày về đích. Lần khám thai ở giai đoạn này bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra ngôi thai, cân nặng thai nhi, tình trạng nước ối, tim thai,… đồng thời đưa ra dự đoán xem mẹ bầu sẽ sinh thường hay sinh mổ để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhất

2.9 Khám thai khi gặp các dấu hiệu bất thường

Nếu mẹ gặp phải các triệu chứng dưới đây thì cần nhập viện ngay để bác sĩ kiểm tra:

– Ra huyết âm đạo bất thường bất kể tuổi thai

– Đau bụng ở giai đoạn thai nhi đã phát triển lớn (đây có thể là dấu hiệu của sinh non)

– Đau bụng ở cuối thai kỳ, đau 2-3 cơn 1 tiếng và đau không ngừng (có thể là dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện ngay)

– Ra nước âm đạo.

– Trong vòng 2 giờ mà bé cử động ít hơn 10 lần.

– Đến ngày dự sinh.

Trên đây là các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu nhất định không được quên để có một thai kỳ khỏe mạnh. Mẹ hãy ghi nhớ và thực hiện đầy đủ nhé!

Hệ thống Y tế Thu Cúc có xây dựng gói thai sản trọn gói với lộ trình khám thai đầy đủ, đầy đủ hạng mục thăm khám, và đặc biệt có nhắc lịch từng mốc khám để mẹ không bỏ lỡ bất cứ lần khám thai quan trọng nào. Nếu có thắc mắc cần tư vấn, mẹ cũng có thể gọi ngay tới tổng đài để được tư vấn miễn phí.

Hi vọng những thông tin cung cấp trong bài viết, Thu Cúc TCI đã giúp mẹ có được những thông tin quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh, sẵn sàng đón bé!