Các kiến thức cơ bản – Bonsai Empire
Nội Dung Chính
Giới thiệu các kỹ thuật trồng Bonsai
Đừng cảm thấy e ngại khi nghĩ rằng Bonsai là một môn nghệ thuật đã được nghiên cứu và cải tiến qua nhiều thế kỷ.Chỉ với tuân theo một ít hướng dẫn, bạn hoàn toàn có thể học được cách trồng Bonsai mà không cần có năng khiếu đặc biệt về trồng cây. Hãy đảm bảo bạn chọn đúng giống cây và tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc cơ bản. Trong bài này tôi sẽ giải thích cách bắt đầu trồng Bonsai và giới thiệu với bạn ba kỹ thuật chính: trồng, tạo dáng và chăm sóc.
Trồng cây
Làm thế nào để tạo ra một cây Bonsai? Bước đầu tiên là có cây, có thể bằng cách mua cây phôi (cây non để bạn cắt tỉa và uốn cành) hoặc tự trồng bằng cách sử dụng kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, quan trọng là chọn một giống cây phù hợp với điều kiện của bạn. Nếu bạn muốn giữ cây trong nhà nhiều (lựa chọn của bạn sẽ hạn chế trong số những cây nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới có thể sống trong nhà) hay bạn muốn đặt Bonsai ngoài trời? Trong trường hợp thứ hai, hầu hết các cây trồng ở địa phương sẽ phát triển tốt miễn là chúng tránh ánh nắng gắt hoặc nhiệt độ quá lạnh. Một lựa chọn an toàn là chọn một cây bản địa. Với bài giới thiệu ngắn này bạn cần tự lựa chọn một cây phù hợp với mong muốn của bạn, dù là Bonsai trong nhà hay ngoài trời.
Khi chúng ta đã lựa chọn được loại cây, hãy tiếp tục với các cách để thực sự có được một cây! Một cách đơn giản là mua một cây Bonsai sẵn ở cửa hàng trực tuyến. Các cửa hàng thường có nhiều loại cây với các hình dáng và kích thước đa dạng, nhưng đều khá tốn kém. Như đã đề cập ở trên, bạn cũng có thể mua cây phôi bonsai hoặc cây giống, là những ‘vật liệu thô’ (phù hợp để tạo Bonsai) để bạn tự tạo dáng, đây là một cách tốt để có kết quả nhanh chóng.
Một cách rẻ hơn nữa chính là thu thập cây cối từ môi trường tự nhiên xung quanh bạn, nhưng nó có thể khá phức tạp và bạn phải xin phép chủ đất trước khi nhổ bất kỳ cây nào … Và nếu những lựa chọn đó nghe có vẻ không hấp dẫn với bạn, chúng tôi đã chuẩn bị một bộ dụng rất riêng để bạn tự tạo ra cây Bonsai của riêng mình, để bạn làm theo và tìm hiểu tất cả các nguyên tắc cơ bản về Bonsai.
Một phương pháp chậm, ít tốn kém hơn là tự trồng cây, bằng hạt hoặc giâm cành. Thường sẽ mất khoảng 3-5 năm để cây Bonsai của bạn có được dáng riêng, nên có thể bạn sẽ muốn làm việc này như một dự án phụ (và mua một cây phôi Bonsai để bắt đầu ngay với các kỹ thuật tạo dáng).
Các kỹ thuật canh tác
Cây giống hay cây bonsai non
Tỉa cành và quấn cành để tạo hình cho cây
Kết quả cuối cùng sau khi thay chậu
Các kỹ thuật tạo hình và tạo dáng
Giờ chúng ta đã mua hoặc trồng được một cây, hãy bắt đầu với việc tạo hình và tạo dáng cho cây. Đây là phần công việc sáng tạo trong việc phát triển Bonsai, cũng là phần việc khó. Mặc dù phải mất hàng thập kỷ để cải tiến các kỹ thuật cắt tỉa và uốn cành để giữ cây ở kích thước nhỏ, bạn có thể lĩnh hội một số kiến thức cơ bản một cách dễ dàng. Ngay bây giờ chúng ta sẽ xem một số kiến thức căn bản về cắt tỉa và uốn cành, nhưng bạn nhớ phải đọc phần “tạo dáng” để có những thông tin chi tiết hơn về những chủ đề này.
“Bonsai không phải là một cuộc đua, cũng không phải là một đích đến. Nó là một hành trình vô tận.”
Hãy bắt đầu với kỹ thuật quan trọng nhất đối với Bonsai – tỉa cành. Tỉa cành đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ cây ở kích thước nhỏ cũng như tạo hình cho chúng. Mục đích là tạo ra một cây Bonsai giống với tự nhiên nhất có thể. Mùa xuân và mùa hè là các mùa cần tỉa cành nhiều, tuy nhiên còn tùy vào loại cây của bạn. Hãy đảm bảo bạn mua được một kìm tỉa tốt khi bạn phải tỉa những cành lớn. Kìm tỉa tốt sẽ tạo ra những vết cắt nhanh liền hơn những loại kìm tỉa bình thường. Mặc dù chúng tôi không thể chỉ cho bạn cụ thể những cành nào cần tỉa để tạo dáng cây của bạn do không trực tiếp nhìn được cây của bạn, bạn có thể đọc một số ví dụ về tiến trình làm Bonsai và bắt đầu từ đó. Một số ví dụ các trường hợp cành cần được tỉa gồm có:
Nếu có hai cành ở cùng một độ cao của cây, hãy giữ một cành và bỏ cành kia.
Các cành có những chỗ khấp khuỷu không tự nhiên.
Các cành có độ lớn không đều ở phần ngọn cây.
Một kỹ thuật quan trọng khác để tạo dáng Bonsai là uốn cành. Bằng cách cuốn dây nhôm anod hóa (hoặc dây đồng ủ) một cách cẩn thận quanh các cành, ta có thể uốn và tạo hình cho chúng, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Uốn cành có thể được thực hiện quanh năm, nhưng cần đảm bảo sẽ bỏ dây uốn trước khi chúng bắt đầu đâm vào khi các cành phát triển dày lên. Tham khảo thêm trang uốn cành trong phần tạo dáng để được hướng dẫn chi tiết hơn.
Các kỹ thuật tạo dáng
Khi tưới nước, cần tưới kỹ, đảm bảo toàn bộ hệ thống rễ được thấm nước!
Chăm sóc và duy trì
Một phần thông tin quan trọng về trồng cây Bonsai là duy trì và chăm sóc. Mặc dù mỗi loại cây có những hướng dẫn chăm sóc cụ thể (hãy đảm bảo là bạn tham khảo các hướng dẫn đối với cây Bonsai của bạn!), trong phần này tôi sẽ thảo luận một số thông tin cơ bản, bắt đầu với tưới nước.
Tần suất tưới nước bắt buộc với một cây Bonsai tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm giống cây, kích thước chậu, đất và khí hậu. Tưới nước quá nhiều có thể dẫn đến thối rễ, một trong những nguyên nhân làm chết cây phổ biến nhất. Tuy nhiên, do Bonsai được trồng trong những chậu nhỏ, chúng thường nhanh hết nước. Chọn loại đất pha phù hợp và thay chậu định kỳ (trung bình hai năm một lần, để đảm bảo cây không bị chật chội trong chậu, khiến chúng khó ngấm và trữ nước) là những công việc rất quan trọng để giữ cho cây của bạn khỏe mạnh. Một nguyên tắc quan trọng với tưới nước là thường xuyên kiểm tra cây của bạn (thay vì chỉ đơn giản là tưới nước mỗi ngày một lần), và khi tưới cần làm rất cẩn thận (để đảm bảo đất ngấm được nước đúng cách).
Cuối cùng, để cây ngoài trời ở trong nhà (hoặc ngược lại) chắc chắn sẽ làm chết cây. Trước khi mua (hoặc trồng) một cây Bonsai, hãy quyết định xem bạn muốn đặt nó ở đâu! Cây cận nhiệt đới thường cần nhiều ánh sáng và nhiệt độ tương đối cao và chỉ có thể sống ngoài trời nếu bạn sống ở vùng khí hậu đủ ấm. Nhưng những cây này có thể sống tốt trong nhà. Trong trường hợp bạn thích một cây ngoài trời hơn, an toàn nhất là chọn một cây bản địa đối với môi trường của bạn. Trong trường hợp mùa đông rất lạnh, cây sẽ cần thêm một số biện pháp bảo vệ khỏi băng giá, bởi vì Bonsai được đặt trong những chậu nhỏ và nông.
Bên cạnh tưới nước và thay chậu, bón phân cũng là một việc quan trọng cần được lưu tâm. Do các cây được trồng trong chậu nhỏ với ít không gian và dưỡng chất, bón phân thường xuyên trong mùa tăng trưởng của cây là chìa khóa để giúp cây khỏe mạnh. Khi nào bón, bón bao nhiêu và bao lâu bón một lần cũng phụ thuộc vào giống cây. Nhãn hiệu hay loại phân bón (lỏng hay rắn) không ảnh hưởng nhiều, miễn là bạn bón với những lượng nhỏ hơn mức của cây bình thường.
Các kỹ thuật chăm sóc Bonsai
Tóm lại, làm thế nào để tạo ra một cây Bonsai?
Trong bài viết giới thiệu này, tôi đã giải thích ba bước trồng Bonsai: trồng cây, tạo kiểu, và chăm sóc. Mặc dù Bonsai là một nghệ thuật đã trải qua nhiều thế kỷ, bắt đầu thú vui hấp dẫn này cũng không quá khó đâu! Trang web này sẽ hỗ trợ để các bạn bắt đầu.