Các hình thức đầu tư tại Việt Nam – Casee

CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

Luật đầu tư 2014 đã khắc phục được nhiều hạn chế của Luật đầu tư 2005, một trong số đó là Luật Đầu tư 2014 không còn phân biệt giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Việc này dẫn đến quyền tự do đầu tư và hình thức đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng. Vì vậy, khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều hình thức đầu tư khác nhau để lựa chọn và dễ dàng đạt được mục đích đầu tư của mình. 

Khi đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau đây:

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật. Tuỳ vào mức độ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được chia thành:

1.1 Doanh nghiệp 100% đầu tư nước ngoài

Với doanh nghiệp này, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu toàn bộ vốn điềếu lệ. Tuy nhiên, tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp. Ví dụ:

  • Công ty niêm yết, công ty đại chúng, công ty kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về đầu tư chứng khoán.

  • Công ty nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc hai trường hợp trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

1.2 Doanh nghiệp liên doanh

Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ: thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.

2.1 Các hình thức góp vốn vào tổ chức kinh tế

  • Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

  • Góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh;

  • Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc hai hình thức trên.

2.2 Các hình thức mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế

  • Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

  • Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

  • Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

  • Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp trên.

3. Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC

Đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, về tính chất:

  • Là quan hệ đầu tư thiết lập trên cơ sở hợp đồng, các nhà đầu tư có chung vốn kinh doanh nhưng không thành lập pháp nhân mới.

  • Các chủ thể tham gia quan hệ đầu tư chỉ ràng buộc với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận mà không có sự ràng buộc về mặt tổ chức.

  • Nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện hợp đồng. Tránh được những mâu thuẫn, bất đồng trong quản lý và thực hiện dự án.

Thứ hai, về chủ thể tham gia hợp đồng bao gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, về ưu điểm, hình thức đầu tư này có một ưu điểm sau:

  • Do đặc thù của hình thức này là các bên hợp tác kinh doanh trên cơ sở cùng nhau góp vốn nên các bên cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh vì vậy mà mức độ thiệt hại cũng giảm bớt phần nào.

  • Thích hợp với các dự án cần triển khai nhanh, thời hạn đầu tư ngắn.

  • Là hình thức đầu tư không cần xây dựng cơ sở kinh doanh mới nên thủ tục đầu tư cũng đơn giản, không tốn nhiều thời gian, chi phí và sớm thu được lợi nhuận.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP

Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyển và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư. Các dạng chính của hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư bao gồm:

Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

  • Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư được quyền kinh doanh trong một thời hạn.

  • Sau thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh Doanh (BTO):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.

  • Được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

  • Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện.

Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh Doanh (BOO):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

  • Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

  • Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.

  • Được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác trong thời hạn nhất định.

  • Nhà nước thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện.

Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

  • Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định.

  • Nhà nước thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

  • Hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước.

Hợp đồng kinh doanh – Quản lý (O&M):

  • Ký giữa nhà nước và nhà đầu tư.

  • Nhà đầu tư kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.