Các giải pháp khắc phục tệ nạn xã hội trong học đường

(GD&TĐ) – Trước thực trạng vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm trong giới trẻ, bạo lực học đường… cử tri quan tâm đến các giải pháp đột phá của ngành giáo dục để góp phần giải quyết tận gốc vấn đề. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có câu trả lời rất cụ thể tới cử tri.

Cử tri hỏi:

Thực trạng vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm của giới trẻ xảy ra còn nhiều: Hành xử giang hồ, bạo lực học đường, thậm chí cướp trong học đường… Cùng với đó là sự vô cảm, mất nhân tính – vấn đề rất cấp thiết và rất khó giải quyết, cần có thời gian và sự phối hợp nhiều ngành. Riêng ngành Giáo dục, Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá để giải quyết được gốc của vấn đề.

Bộ trưởng trả lời:

Bộ GD&ĐT đang triển khai rất mạnh mẽ việc thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên để làm cho môi trường giáo dục trong lành, nơi hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên được thuận lợi.

Đánh giá thực trạng:

Công tác giáo dục đạo đức trong học sinh, sinh viên trong những năm vừa qua đã có những đổi mới, tiến bộ và thu được những kết quả tốt, nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, nhiều tấm gương trong tu dưỡng, trong hoạt động cộng đồng, có cả những tấm gương đã hy sinh thân mình vì việc nghĩa làm lay động tình người.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công đó, tình trạng bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức học sinh cũng có những diễn biến mới.

Xác định nguyên nhân:

– Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh, đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lý, muốn tự khẳng định mình và hiếu động, cho nên có những hành động không đúng như xã hội mong muốn.

– Sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường kéo theo những mặt tiêu cực tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ.

– Những hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, ngay trong gia đình, trong cộng đồng, xuất hiện tràn ngập trong phim ảnh, Internet, sách báo cũng tạo nên những khó khăn trong việc giải quyết bạo lực và giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.

– Về phía nhà trường và ngành Giáo dục: Phương pháp và nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên còn hạn chế, chưa tạo được sự lôi cuốn chủ động, chưa tạo nên xúc cảm sâu sắc cho học sinh; Giáo dục đạo đức, lối sống bằng nêu những tấm gương tốt của những người xung quanh, của thầy, cô giáo và trong xã hội chưa được nhiều;

Việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, sinh viên, đảm bảo môi trường an ninh cho học tập cũng như rèn luyện chưa được chặt chẽ; Việc giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu nhiều các điều kiện cần thiết để triển khai; Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã có bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Giải pháp khắc phục:

Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Từ thay đổi trong cách thi dẫn đến thay đổi cách học, cách dạy trong nhà trường. Những đổi mới bước đầu của ngành đã có kết quả trong việc tạo lập cái “sáng”, cái “trong” và đẩy lùi “tiêu cực” trong ngành, trong nhà trường và trong xã hội.

Để giải quyết những vấn đề trên, ngành GD – ĐT trước hết đã chủ động thực hiện đổi mới nội dung phương pháp dạy, học và thi cử nói chung với tất cả các môn và nói riêng với môn liên quan đến giáo dục đạo đức, giáo dục công dân; Đề ra nhiệm vụ tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên trong các hoạt động giáo dục, trong đó kết hợp tốt việc “dạy người” thông qua “dạy chữ”, “dạy nghề”.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp:

– Chỉ đạo lồng ghép cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường để lôi cuốn, thuyết phục học sinh, sinh viên.

Việc này được triển khai đồng thời trên 2 hướng: Tôn vinh những tấm gương sáng trong ngành, đồng thời xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai rất mạnh mẽ việc thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên để làm cho môi trường giáo dục trong lành, nơi hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên được thuận lợi.

– Tiếp tục triển khai việc giảm tải, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Từ thay đổi trong cách thi dẫn đến thay đổi cách học, cách dạy trong nhà trường.

Ví dụ: Bài thi văn tốt nghiệp THPT năm nay, khi chấm, rất nhiều bài thi mực nhòe nước mắt của người viết và nước mắt của cả thày cô giáo, tạo nên sự lay động không chỉ cho học sinh, cho cả các thầy cô giáo và người lớn. Đây không còn chỉ là bài thi, đây là một bài học bổ ích. Những đổi mới bước đầu của ngành đã có kết quả trong việc tạo lập cái “sáng”, cái “trong” và đẩy lùi “tiêu cực” trong ngành, trong nhà trường và trong xã hội.

– Chỉ đạo tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp. Bộ đã ban hành và có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp hàng năm, phù hơp với từng lứa tuổi, từng cấp học và các địa phương, theo từng chủ đề và thời gian, để giúp cho việc học văn hóa cũng như việc rèn luyện sức khỏe và hình thành nhân cách của các cháu phối hợp đồng bộ với nhau.

– Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Trung ương Đoàn, Hội phụ nữ Việt Nam đã tiến hành ký kết các văn kiện phối hợp triển khai xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực nhằm phát huy tổng hợp nguồn lực sức mạnh của nhà trường, của xã hội, của các tổ chức chính trị, đoàn thể để chăm lo hoạt động của nhà trường cũng như việc học, việc rèn luyện của học sinh.

Hiện nay, trên 7.000 di tích đã được giao cho ngành giáo dục để học sinh cùng các thầy cô giáo chăm sóc các di tích, qua đó tìm hiểu, học tập, sưu tầm, giới thiệu với các du khách, với những người thăm quê, thăm trường, thăm di tích. Việc này nhằm tạo nên sự hiểu biết và lòng yêu mến, biết ơn đối với cha ông, đối với quê hương, trên cơ sở đó là đối với đất nước.

Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Văn hóa cũng đã triển khai theo ngành dọc, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc miễn và giảm các vé khi học sinh vào các bảo tàng, di tích tham quan, học tập, tạo thuận lợi cho việc đổi mới việc dạy văn, dạy sử, các môn khoa học, xã hội và nhân văn.

Sự phối hợp của Bộ GD&ĐT cùng với ngành Văn hóa trong việc triển khai dạy hát dân ca có những kết quả rất tốt góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa và bồi đắp tình cảm của học sinh.

Với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nội dung phối hợp tập trung vào việc tổ chức các hoạt động tập thể để hình thành nhân cách, lối sống, thế giới quan của học sinh, sinh viên thông qua nhiều hoạt động, rõ nhất là hoạt động thanh niên tình nguyện đã có trong nhiều năm và có những kết quả rất tốt.

Với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp để triển khai ở các nhà trường, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc việc đảm bảo “3 đủ” cho các em: đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở để cho các cháu đi học; Triển khai việc chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng người có công với nước, hoàn cảnh khó khăn để thể hiện lòng kính trọng biết ơn và chia sẻ giúp đỡ khó khăn.

– Bộ GD&ĐT đã ký kết với Bộ Công an Thông tư phối hợp phòng, chống ma túy, đảm bảo an ninh trong nhà trường và ngoài nhà trường giúp học sinh tránh bị người khác đánh, bị trấn lột và hạn chế học sinh đánh nhau.

– Bộ GD&ĐT cùng với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải cũng đã ký kết quy chế phối hợp để triển khai việc đảm bảo an toàn tính mạng của các cháu trong quá trình đi học, nhất là đối với học sinh ở bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông.

– Với các Hội Khoa học, Bộ GD&ĐT đã ký kết quy chế phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử, Hội nhà văn, Hội Toán học, Hội Vật lý và nhiều hội khác để triển khai việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học các môn khoa học này.

Đồng thời thông qua việc dạy, việc học, thi cử để góp phần bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho học sinh, sinh viên để vừa nâng cao đạo đức cũng như vừa đẩy lùi bạo lực học đường.

PV ghi