Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nỗ lực tìm kiếm thị trường

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nỗ lực tìm kiếm thị trường

Năm 2022, cùng với sự bất ổn của tình hình thế giới, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của tỉnh có nhiều biến động. Trong đó, thị phần xuất khẩu sang khu vực châu Âu bị giảm sút dẫn tới giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 290,983 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ. Do đó, để nâng cao giá trị cho nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu nông sản của tỉnh đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước và lợi thế từ các hiệp định thương mại được ký kết để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nỗ lực tìm kiếm thị trườngCông nhân Công ty CP Chế biến và xuất khẩu nông sản Việt (TP Thanh Hóa) trong ca sản xuất. Ảnh: Lê Hòa

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 40 DN tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản, như dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá… Hàng hóa nông sản của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang thị trường truyền thống, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, một số nước khu vực EU. Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam đã nhận định, do lạm phát tăng cao và kéo dài cùng với đó là sở thích cũng như thói quen của người tiêu dùng thay đổi, không đầu tư nhiều vào những sản phẩm có giá trị cao như trước mà chỉ chú trọng những sản phẩm ở mức giá trung bình. Đồng thời, xuất khẩu nông sản đã chững lại từ quý IV năm 2022 và có xu hướng kéo dài sang năm 2023 nên lượng đơn hàng sẽ giảm sâu, thậm chí một số DN sẽ không có đơn hàng. Trước nhịp phát triển của thị trường và nhận định của cơ quan chuyên môn, các DN trên địa bàn tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, cho biết: Trước những khó khăn của thị trường, để trụ vững và bảo đảm doanh thu, ổn định việc làm cho người lao động, DN phải linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ với những đối tác truyền thống, công ty đã nỗ lực đa dạng hóa mặt hàng, chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu hàng chế biến sâu và đẩy mạnh xuất khẩu online qua nền tảng công nghệ số. Theo đó, đơn vị đã thiết lập được gian hàng trên nền tảng Alibaba.com nhằm tìm kiếm khách hàng mới, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa. Nhờ đó, hiện nay Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt đã có số lượng đơn hàng ổn định đến hết quý I-2023, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động.

Là đơn vị có thâm niên trong chế biến xuất khẩu ớt, ngô ngọt đóng hộp, Nhà máy Chế biến nông sản Hoàng Giang, xã Hoàng Giang (Nông Cống) chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của tình hình kinh tế, các đơn hàng giảm sút, việc tìm kiếm đối tác trở thành vấn đề nan giải. Anh Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc nhà máy, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng ký được hợp đồng với một số công ty gia công những sản phẩm nông sản chế biến để xuất đi thị trường châu Âu. Mặc dù chưa xuất trực tiếp sang thị trường các nước mà phải qua công ty bạn, nhưng đó cũng là hướng để đơn vị tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiện nay, bên cạnh kết nối với các đối tác truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh quảng bá về năng lực sản xuất, các mặt hàng tiêu biểu trên nền tảng số”.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nỗ lực tìm kiếm thị trườngCông nhân Nhà máy Chế biến nông sản Hoàng Giang (Nông Cống) trong ca sản xuất.

Theo đánh giá của Phòng Chế biến và Thương mại nông sản, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa, thời điểm cuối năm 2022, nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu về các mặt hàng nông sản có xu hướng giảm dần và có thể kéo dài sang năm 2023. Do đó, để hỗ trợ các DN của tỉnh, đơn vị sẽ thường xuyên tổng hợp và cập nhật thông tin về thị trường nông sản xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cơ quan Trung ương để nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời thông tin đến DN, đơn vị sản xuất, chế biến những cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Được biết, để hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là DN xuất khẩu nông sản, gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu và hỗ trợ các DN xuất khẩu đầu tư kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật của những thị trường khó tính. Đồng thời, định hướng cho các DN tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài và ảnh: Lê Thanh