Các cô gái, đừng chọn người mê nhậu!
Bạn trẻ uống bia trong khu vực làng đại học Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh tư liệu
Đó là ý kiến của bạn đọc Long Phạm (longphamgreen@…) khi đọc bài viết Bạn trẻ nhậu… trên từng cây số.
Bạn đọc Long Pham viết: Các cô gái lưu ý, sau đây là kinh nghiệm “xương máu” của tôi và nhiều người khác. Các cô khi quen bạn trai và có ý định đi đến hôn nhân thì đừng nên chọn những người mê nhậu (chứ không có ý nói đến người biết nhậu). Còn tốt hơn nữa, các cô chọn những người không thích nhậu càng tốt, thậm chí là ghét nhậu luôn.
Bởi vì ta đừng có quan niệm rằng, cưới nhau về thì anh ta sẽ biết lo hoặc mình sẽ khuyên được anh ấy bỏ nhậu.
Cơ hội thuyết phục được anh ta là rất ít, chỉ khoảng 5% thôi, vì thế đừng tự tin mà chọn anh ta.
Bởi vì ai cũng biết hậu quả của rượu bia gây ra là thế nào, mà người ta lại mê nhậu nghĩa là người đó chẳng có, hoặc chẳng còn lý trí tinh thần và sức lực để lo cho vợ con đâu.
Bản thân họ còn không coi trọng sức khỏe của mình nữa mà có thể lo cho ai được.
Bạn đọc Long Phạm (longphamgreen@…) cũng đã chỉ ra những điểm vô lý của chuyện nhậu nhẹt.
“Có hai lý do mà tôi thấy vô lý nhất. Đó là “nhậu vào cho mở tấm lòng”, tức là “rượu vào lời ra” theo kiểu phải uống rượu thì mới nói thẳng, nói thật. Tôi từng chứng kiến tình huống như vậy và vừa nghĩ vừa cười: Chẳng lẽ hồi đó tới giờ lúc các ông tỉnh táo thì các ông đều đối xử với nhau giả dối à?
“Đọc các thông tin cảnh báo về tác hại của bia rượu đối với sức khỏe của người lạm dụng bia rượu và là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, mất trật tự an toàn xã hội thì hãi hùng quá.
Nhưng khi đã cầm ly bia, rượu lên rồi lại không cưỡng lại được cảm giác hưng phấn, ảo giác mê hoặc do bia rượu đem đến, tha hồ mà nốc, bi kịch là ở chỗ đó, đúng là ma men, trong đó có bản thân tôi.”
Cũng bởi tâm lý ấy mà nhiều người khi có mâu thuẫn hay xích mích gì với nhau nhưng lúc tỉnh táo thì không chịu giải bày mà phải “mời” nhau vào bàn nhậu nhằm “nói hết nỗi lòng”. Có người thì tự xử một mình: “Để tao uống rượu vào rồi gặp nó nói chuyện phải trái”. Kết quả là cảnh “tay bắt tay” thì ít mà ẩu đả thì nhiều.
Lý do thứ hai cũng là lý do muôn thuở với quan niệm hết sức sai lầm “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Phải nhậu thì mình mới “chuẩn men”. Ai mà không nhậu hoặc không biết nhậu thì sẽ bị cho là “đồ quỷ sứ à?”. Ừ thì, các ông chê người ta như vậy thì các ông cứ cho vợ hay con gái của mình đi du lịch vài ngày với “cái đồ quỷ sứ” đó đi rồi biết.
Cùng quan điểm, bạn đọc Hoàng Vinh chia sẻ: “Rượu đang là thảm họa cho đàn ông Việt Nam, thảm họa cho đất nước. Hãy mau mau dừng lại khi còn kịp. Không có một lí lẽ nào biện minh cho thảm họa rượu hiện nay. Nhiều người bạn tôi, tuổi trên 60, đã từ cõi chết trở về nhờ đoạn tuyệt với bia rượu. Cũng nhiều người khác thân tàn ma dại, đáng trách mà cũng đáng thương vì không nghe lời khẩn cầu này.
Nâng cao ý thức bản thân, hay phải chờ nhà nước có biện pháp?
Bạn đọc Hue (hue1950@…) bày tỏ: Tác hại của rượu bia quá lớn. Bao nhiêu cảnh tan cửa, nát nhà, chém giết dã man, bao nhiêu tai nạn giao thông…
Bạn đọc Hue đặt câu hỏi: Tại sao nhà nước không có biện pháp gì hiệu quả để giảm bớt, chẳng hạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá thật cao lên có được không?
Bạn đọc Văn (cuong.v.phan@…) phân tích: Bia rượu hủy hoại xã hội ghê gớm. Chính phủ cần những biện pháp mạnh hơn nữa để giảm tiêu thụ bia rượu thông qua thuế, xử phạt người say xỉn. Đồng ý là biện pháp nào cũng có tính hai mặt, có sự đánh đổi, có những lợi ích không đo đếm được, nhưng xã hội lành mạnh là vô giá.
Bạn đọc Nguyễn Phong Minh Tú (dalatmotchieuanhnhoem@…) bày tỏ: Cốt yếu là phải tăng ý thức cho người dân làm sao bỏ được cái suy nghĩ nam vô tửu như kỳ vô phong, đàn ông không uống rượu là không chuẩn men đi. Mà toàn thấy đi nhậu là thi uống rượu chứ đâu có phải là thưởng thức rượu. Xả stress đâu không thấy chỉ toàn là bệnh gan và mỡ máu thôi.
Đem cái văn hóa “dzô dzô” này ra hội nhập quốc tế ư?
‘Dzô zô’ không tạo ra của cải vật chất, không cải thiện cuộc sống, không làm cho con người văn minh hơn đâu các bạn bợm nhé.
Tôi là phụ nữ, nhưng tôi hy vọng đàn ông Việt có thể đứng lên trình bày 1 bài thuyết trình cho hẳn hoi tử tế, lịch lãm, thân thiện, thơm tho thay mùi rượu, can đảm, trung thực thay vì hùng hục lùng sục phong độ và bản lĩnh bên đĩa mực và vại bia.
Tôi hy vọng đàn ông Việt sẽ thực sự tự đọc một cuốn sách thay vì hóng hớt; sẽ trân trọng một tình bạn chân thành thay vì mấy lần “dzô” cân đo tửu lượng, sẽ thôi “ọe ọe” một đống khó ngửi thối tha; sẽ nói được tiếng Anh thay vì chỉ lạch cạch cốc bia, ly rượu.
Nhé!
* Là người trẻ, bạn có thường xuyên nhậu nhẹt? Có phải nhậu mới được việc? Theo bạn, nhậu nhẹt đem lại những điều gì cho cuộc sống của bạn? Hãy chia sẻ những suy nghĩ, câu chuyện của bạn cùng TTO qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.