Các chức danh phổ biến trong một công ty
Chức danh công ty là các chức danh được trao cho các quan chức của công ty và tổ chức để cho thấy những nhiệm vụ và trách nhiệm họ có trong tổ chức. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các chức danh phổ biến trong một công ty nhé.
Các chức danh phổ biến trong một công ty
Loại hình doanh nghiệp
Các chức danh quản lý
Công ty Cổ phần
- Chủ tịch Hội đồng quản trị
- Thành viên Hội đồng quản trị
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ Công ty.
Công ty TNHH 1 thành viên
- Chủ tịch công ty
- Thành viên Hội đồng thành viên
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ Công ty.
Công ty TNHH 2 thành viên
- Chủ tịch Hội đồng thành viên
- Thành viên Hội đồng thành viên
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ Công ty.
Công ty hợp danh
- Thành viên hợp danh
- Chủ tịch Hội đồng thành viên
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ Công ty.
Doanh nghiệp tư nhân
- Chủ doanh nghiệp tư nhân
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ Công ty.
1. Các chức danh trong công ty cổ phần
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức quản lý Công ty Cổ phần bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; Giám đốc (Tổng giám đốc); đối với công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.
Đại hội đồng cổ đông
Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết (bao gồm cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết), là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cổ đông là tổ chức có quyền cử một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền thực hiện các quyền cổ đông của mình theo quy định của pháp luật; trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo uỷ quyền được cử thì phải xác định cụ thể số cổ phần và số phiếu bầu của mỗi người đại diện.
Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Hội đồng quản trị có không ít hơn ba thành viên, không quá mười một thành viên, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác, chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá năm năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Ban kiểm soát
Đối với công ty cổ phần có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát.
Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác; nhiệm kỳ của Ban kiểm soát không quá năm năm; thành viên Ban kiểm soát có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.
2. Các chức danh trong công ty TNHH
Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên gồm các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức chỉ định người đại diện theo uỷ quyền tham gia Hội đồng thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
Tổng giám đốc hoặc Giám đốc
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.
Công ty tnhh có từ 30 thành viên trở lên phải có ban kiểm soát, nếu ít hơn 10 thành viên có thể thành lập ban kiểm soát phù hợp với mô hình công ty.
3. Các chức danh trong công ty tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân: Là chủ sở hữu DN
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.
Người quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ Công ty.
Các chức danh CEO, CFO, CMO, CLO, CCO, COO
1. CEO (Chief Executive Officer) – Giám đốc điều hành
CEO có chức vụ điều hành cao nhất đối với toàn bộ hoạt động của một công ty; tập đoàn hoặc tổ chức… Họ chính là người dẫn đầu, đưa mọi hoạt động đi theo đúng kế hoạch mà Hội đồng Quản trị đã đề ra. Không chỉ giữ sự ổn định, CEO sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh.
Chức danh CEO không chỉ đại diện cho điều hành; mà còn am hiểu rất nhiều lĩnh vực khác nhau vì họ phải giải quyết nhiều vấn đề đôi khi không liên quan đến kinh doanh. CEO là Tổng giám đốc và có thể kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đôi khi, Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể là hai người khác nhau. Tuy tách biệt nhưng họ có quan hệ mật thiết khi cùng quản lý công ty.
2. CFO (Chief Financial Officer) – Giám đốc tài chính
CFO trực tiếp quản lý tài chính bằng việc nghiên cứu, phân tích các kế hoạch tài chính. Từ đó, họ đưa ra biện pháp khai thác; sử dụng nguồn vốn hiệu quả cũng như cảnh báo các nguy cơ trong tương lai. Họ chịu trách nhiệm tất cả hoạt động tài chính, đảm bảo cho mọi hoạt động hiệu quả.
CFO đảm nhận 4 vai trò chính: “Steward”: giữ gìn tài sản bằng việc quản lý rủi ro và đảm bảo sổ sách, giấy tờ chính xác; “Operator”: đảm bảo cho hoạt động tài chính bình ổn và hiệu quả; “Strategist”: đưa ra chiến lược phát triển hoặc gia tăng hiệu quả tại từng thời điểm; “Catalyst”: dự đoán đầu tư cũng như lường trước nguy cơ. Tại một công ty nhỏ, nếu không có CFO thì CEO hoặc kế toán trưởng kiêm nhiệm vị trí này.
3. CMO (Chief Marketing Officer) – Giám đốc Marketing
CMO có hiểu biết và kiến thức sâu rộng về tiếp thị – truyền thông và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác để kịp thời tư vấn cho CEO. Họ có năng lực chuyên môn lẫn năng lực quản lý nhằm xử lý công việc; phân tích thị trường; phân công nhân viên làm việc hiệu quả.
CMO phải thấu hiểu thị trường, tâm lý khách hàng; cũng như đối thủ. Vai trò chính là phát triển sản phẩm; đa dạng kênh tiếp thị; nghiên cứu thị trường; chăm sóc khách hàng; phát triển kênh phân phối; quan hệ công chúng; quản trị bán hàng;… CMO là cầu nối giữa bộ phận marketing với các bộ phận sản xuất; công nghệ thông tin; tài chính;… của doanh nghiệp.
4. CLO (Chief Legal Officer) – Giám đốc pháp chế
CLO giúp công ty giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý bằng cách tư vấn cho CEO bất kỳ vấn đề pháp lý nào công ty phải đối mặt. Họ cập nhật thường xuyên những thay đổi mới nhất của luật pháp có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp hay không. CLO tổ chức các chương trình đào tạo dành cho người lao động; về các vấn đề pháp lý có liên quan tới công việc của mình.
CLO phải nhận thức và tuân thủ các vấn đề về pháp lý, không vi phạm pháp luật; đồng thời đưa ra các phương án khắc phục đối với rắc rối gặp phải. Họ vừa là người đại diện pháp lý của doanh nghiệp trong trường hợp xảy ra các vấn đề liên quan đến pháp luật; cũng như đóng vai trò giám sát các luật sư nội bộ.
5. CCO (Chief Commercial Officer) – Giám đốc thương mại
So với CEO hay CFO, chức danh CCO chỉ vị trí Giám đốc thương mại chắc chắc sẽ rất xa lạ với rất nhiều người. Vậy giám đốc thương mại là ai; vị trí này có vai trò như thế nào trong hoạt động của công ty? CCO là người trực tiếp chịu trách nhiệm về chiến lược thương mại và sự phát triển của một doanh nghiệp.
Các hoạt động của họ thường liên quan đến các lĩnh vực tiếp thị; bán hàng và phát triển các loại hình sản phẩm; dịch vụ khách hàng. Vị trí này đòi hỏi sự tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực liên quan, đặc biệt là marketing tiếp thị; giới thiệu sản phẩm nhằm thúc đẩy doanh số bán ra của sản phẩm hay dịch vụ của công ty.
6. COO (Chief Operations Officer) – Giám đốc vận hành
Nếu CEO là người đứng đầu đảm bảo cho hoạt động của công ty diễn ra theo đúng chiến lược đã đề ra thì COO là người thực hiện nhiệm vụ đó. Họ trực tiếp làm việc với các lãnh đạo cao cấp khác như: CFO, CMO… và báo cáo với CEO về tất cả các vấn đề trong việc phát triển kinh doanh của công ty.
Nếu CEO là Tổng giám đốc thì COO tương đương với chức vụ Phó Tổng giám đốc. Nếu CEO là “cái đầu” thì COO sẽ là “cánh tay phải đắc lực” để giúp CEO thực hiện các chính sách, kế hoạch ra thực tế. Tùy vào quy mô tổ chức mà các công ty có hoặc không có vị trí COO. Với những công ty, tập đoàn lớn thì vị trí COO rất quan trọng, để hỗ trợ và giảm tải công việc cho CEO.