Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới – Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy - Ảnh 1.

Hình ảnh cuộc sống thường nhật gần đây của thổ dân Korowai được công bố vào tháng 10-2018 – Ảnh: Maxim Russkikh

Chúng tôi không ăn thịt người. Chúng tôi ăn thịt khakhua.

Thổ dân Korowai

New Guinea (Tân Ghi Nê) trên Thái Bình Dương là đảo lớn thứ hai trên thế giới sau Greenland (Đan Mạch). Về chính trị, New Guinea được chia làm đôi. Nửa phía tây gồm hai tỉnh Papua và Tây Papua thuộc Indonesia. Nửa phía đông là quốc gia Papua New Guinea.

Bộ tộc Korowai cư trú trên nửa đảo phía tây thuộc Indonesia. Bộ tộc này từng nổi tiếng về tục ăn thịt người. Họ gọi người phương Tây là “laleo” (nghĩa là “ma quỷ”) vì người phương Tây có nước da tái nhợt.

Người giết “khakhua” nổi tiếng nhất

Người phương Tây đầu tiên vào rừng sâu tiếp xúc thành công với bộ tộc Korowai là nhà báo người Úc Paul Raffaele.

Năm 2006, chiếc thuyền độc mộc có bốn tay chèo đưa ông và hướng dẫn viên Kornelius Kembaren vượt sông Ndeiram Kabur. Kornelius người gốc đảo Sumatra đã có quá trình 13 năm giao tiếp với thổ dân Korowai.

Paul Raffaele đã ngủ tám đêm với các thổ dân để tìm hiểu tục ăn thịt người.

Đối với bộ tộc Korowai, cái chết có thể hiểu được nếu ai đó ngã từ trên chòi xuống đất hoặc chết trong lúc đánh nhau. Nhưng đối với cái chết do nhiễm trùng, vì không có kiến thức y học nên họ xem đó là cái chết bí ẩn và thủ phạm là “khakhua” – phù thủy đến từ địa ngục.

Người Korowai tin rằng khakhua mang hình hài đàn ông, giả dạng người thân hay bạn bè, chờ ban đêm nạn nhân ngủ sẽ nhập vào thân thể rồi dùng ma thuật ăn dần bên trong cơ thể và thay vào đó bằng tro bếp để nạn nhân vẫn tưởng cơ thể nguyên vẹn.

Cuối cùng khakhua giết chết nạn nhân bằng một mũi tên ma thuật vào tim. Chính vì vậy, họ tin rằng ăn thịt người chết là ăn thịt khakhua để trả thù. Nạn nhân trong lúc hấp hối thều thào tên ai, người đó cũng bị xem là khakhua.

Nếu có thổ dân giết người, gia đình nạn nhân được phép tìm giết thổ dân đó. Trẻ em dưới 13 tuổi không tham gia tập tục này vì dễ bị ma quỷ nhập.

Trong chuyến đi, Paul Raffaele đã gặp hai anh em thổ dân Kilikili và Bailom. Kilikili là người giết khakhua nổi tiếng nhất bộ tộc. Kilikili cho biết đã xử 23 khakhua. Họ lấy cho xem sọ đầu của khakhua mới nhất là Bunop – bạn của họ.

Trước khi chết, một ông anh họ nói Bunop là khakhua đã ăn gan ruột ông.

Hai anh em bèn trói gô Bunop dẫn ra suối bắn tên giết chết. Paul Raffaele đã hỏi họ ăn thịt người vì lý do gì, họ trả lời: “Chúng tôi không ăn thịt người. Chúng tôi ăn thịt khakhua”. Trong ý thức của họ, dù đó là người thân trong gia đình họ vẫn không xem đó là con người mà là khakhua.

Bailom lý giải: “Trả thù là một phần văn hóa của chúng tôi. Khi khakhua ăn con người, con người sẽ ăn lại khakhua. Tôi không cảm thấy buồn vì đã giết Bunop dù đó là bạn tôi”.

Trả lời tạp chí Vice (Canada) vào cuối năm 2014, Paul Raffaele cho biết ông không biết thổ dân Korowai có còn ăn thịt khakhua nữa hay không vì nhiều năm rồi ông không quay lại chốn cũ.

Ông có hỏi thăm Kornelius và người này cho biết vẫn còn số ít thổ dân ở khu vực xa xôi hẻo lánh giữ tập tục này.

Trong khi đó, các nhà nhân loại học nhận xét tập tục này không còn vì thật ra trên thực tế, ăn thịt khakhua không phải là nghi lễ chính thức của bộ tộc Korowai mà chỉ là truyền thống dân gian. Họ không giết và ăn thịt người lạ đặt chân lên vùng đất của họ.

Nói chung, Korowai là bộ tộc sống hòa bình. Nếu có ẩu đả chỉ liên quan đến phù thủy khakhua.

Nhà nhân loại học Mỹ Rupert Stasch cho rằng thổ dân Korowai hiện nay đã bỏ tục ăn thịt người vì hai yếu tố. Một phần do họ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với bên ngoài và phần khác trong nội bộ bộ tộc cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau về khakhua.

Ngoài tục ăn thịt người trong quá khứ, bộ tộc Korowai còn nổi tiếng về làm nhà trên cây. Họ làm nhà bằng tre, lợp lá ở độ cao từ 10-40m để tránh muỗi mòng, côn trùng, thú dữ và mặt đất ẩm ướt.

Nhà có thể ở được từ 3-5 năm. Xung quanh nhà họ phát trống cây cối để có thể thấy kẻ thù từ xa. Mỗi nhà chứa khoảng 10 người. Nam giới và phụ nữ ở nhà riêng.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy - Ảnh 3.

Nhà của bộ tộc Korowai (ảnh chụp năm 2010) – Ảnh: JIMMY NELSON

Lập khu định cư cho thổ dân

Bộ tộc Korowai còn được gọi là bộ tộc Kolufo, sống săn bắt, hái lượm trong rừng sâu ít được khai phá nhất thế giới. Họ sống theo từng nhóm nhỏ từ 10-20 người.

Tỉ lệ tử vong trong bộ tộc rất cao vì họ không có kiến thức y học và không có thuốc gia truyền nào để chữa trị vết thương hoặc chữa bệnh. Số thổ dân sống thọ rất hiếm.

Nhà nhiếp ảnh Maxim Russkikh người Nga từng trải qua 15 ngày tìm kiếm các cộng đồng dân tộc sống biệt lập tại Tây Papua. Tháng 10-2018, Maxim Russkikh đã công bố hình ảnh về cuộc sống đời thường của thổ dân Korowai.

Ông kể: “Thổ dân Korowai là những người đi săn thiện chiến. Đôi khi họ vắng nhà nhiều ngày để đi săn chuột, heo rừng, chim, cá. Mồi đánh bắt chủ yếu là bột cọ sago và chuối. Các thổ dân phải chia sẻ những gì săn bắt được”.

Các nhà nhân loại học phát hiện bộ tộc Korowai lần đầu vào tháng 3-1974. Theo số liệu năm 2010, bộ tộc Korowai còn 2.868 người. Cách đây 30 năm, bộ tộc sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Trong thập niên 1980, thổ dân đã tiếp xúc với các nhà truyền giáo Tin Lành người Hà Lan. Khác với Brazil hay Peru, Chính phủ Indonesia muốn bộ tộc Korowai từ bỏ lối sống biệt lập nên đã lập khu định cư cho các thổ dân theo đạo. Số thổ dân này đương nhiên sống tách rời khỏi tập tục truyền thống.

Nhà nhiếp ảnh Maxim Russkikh nhận xét: “Bộ tộc Korowai đã sống thành công trong môi trường rừng nhiệt đới khắc nghiệt trong hàng ngàn năm và bảo tồn được văn hóa truyền thống. Còn bây giờ văn hóa của họ biến mất từng ngày”.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 5: Bộ tộc ăn thịt phù thủy - Ảnh 4.

Các thổ dân Korowai được chữa bệnh tại khu định cư – Ảnh: christiannews.net

Các bộ tộc sống biệt lập ở Indonesia

Trong những năm qua, 40 bộ tộc sống biệt lập đã được phát hiện tại tỉnh Tây Papua (Indonesia). Nhiều bộ tộc đã tiếp xúc với bên ngoài nhưng một số vẫn còn sống biệt lập.

Theo tổ chức phi chính phủ Survival International, khó có thông tin chính xác về lối sống và dân số của các bộ tộc sống biệt lập ở Tây Papua.

Lý do vì chính quyền hạn chế tiếp cận nên không đủ thông tin, vả lại cũng không có đường vào khu vực biệt lập của các bộ tộc trong khi bản đồ chưa thể hiện đầy đủ.

Tổ chức này ghi nhận tại Tây Papua, nói chung các dân tộc bản địa bị đối xử như hạng người dơ bẩn, lạc hậu. Indonesia cũng không có cơ quan chuyên trách bảo vệ dân bản địa như Quỹ Thổ dân quốc gia (FUNAI) ở Brazil.

Kỳ tới: Chính sách “cấm tiếp xúc”