Cá măng và những món ngon từ loài cá “giang hồ” này

Cá măng còn được gọi là cá măng sữa (Milkfish), đây là một loại cá biển sinh sống tại nhiều nơi trên Thế Giới. Tại Việt Nam, chúng được ngư dân khai thác tại khu vực vùng biển Miền Bắc và Miền Nam. Cá măng có thể nuôi bắt trong môi trường ao dưới điều kiện thích hợp. 

Cá măng khi trưởng thành có kích thước trung bình là 1 mét, nặng khoảng 4kg-5kg. Từ đây, ta đã có thể hình dung được loại cá này có hình dạng thon dài cùng với cạnh bên hẹp. Cá măng có phần đầu hơi nhọn, đôi mắt đen láy dễ dàng để nhận biết.

Cá măng và những món ngon từ loài cá giang hồ này - Ảnh 1.

Cá măng có bộ vảy màu trắng bạc khá đẹp. Đặc biệt, khi nấu chín rồi, vảy cá vẫn cứ dán chặt vào thân. Phải dùng đũa nạo thì vảy mới chịu bung ra. Loài cá măng “giang hồ” lắm, đâu cũng là quê hương. Nói cách khác, đây là loài cá mà “sổ tạm trú” ghi khá nhiều nơi ở. Nước mặn, nước lợ, nước ngọt, nước gì cá măng sống cũng tốt. Khi thì ở đầm, hồ, sông, suối; lúc thì ở ao, kênh, mương, rạch. Hứng lên thì kéo nhau ra biển vẫy vùng.

Cá măng bơi rất khỏe, săn toàn mồi tươi ngon (là những con cá nhỏ hơn) nên thịt khá săn chắc. Đặc biệt, thịt cá không có vị tanh, lành tính, ngọt thơm, đậm đà nên luôn là phương thuốc chuyên trị “đắng miệng” mỗi khi ốm đau, trái gió trở trời.

Cá măng và những món ngon từ loài cá giang hồ này - Ảnh 2.

Cá măng kho ngọt TRẦN CAO DUYÊN

Làng Sa Huỳnh của mình (TX Đức Phổ, Quảng Ngãi) những năm 1970 – 1980 đời sống rất khó khăn. Nhiều gia đình mướt mồ hôi chạy ăn từng bữa. Mẹ hay nói ăn bữa trưa lo bữa tối. Khổ miết rồi cũng quen nên mình cho đó là bình thường. Chỉ không bình thường là những ngày trong nhà có người đau ốm. Ốm đau thì đắng miệng, ăn không được cơm, nhất là cơm độn củ. Mẹ nghĩ tới cá măng. Cá măng kho ngọt thì có đắng miệng cho mấy ăn cơm cũng được vài chén. Hễ ăn được cơm là mau bớt bệnh.

Nhớ hồi đó cá măng ngoài chợ rất hiếm. Mấy bà nội trợ hay nói nếu có cũng… đứng ngó thôi vì cá măng mắc lắm. Nhưng nhà mình có hẳn một “kho” cá măng. Mình có ông cậu ruột làm muối. Những đường mương nhỏ dẫn nước biển vô ruộng muối luôn có cá măng. Cậu không nuôi cá giống. Cậu nói đó là cá từ cửa biển theo con nước tràn vô, sinh con đẻ cháu đông lắm. Chưa kể cậu còn có cái ao cá măng tự nhiên phía sau nhà.