Ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” vinh danh nghề giáo thời 4.0

 

Ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” được mở đầu bằng lời tự sự rất gần gũi “Gặp lại em cô gái ngày xưa”. Vậy nguồn cảm hứng và lý do nào đã thôi thúc ông sáng tác ca khúc này?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Cảm hứng sáng tác ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” đến với tôi rất tình cờ, và bối cảnh giống trong lời mở đầu của bài hát. Cô giáo “trẻ” ở đây, có lẽ chỉ là trẻ so với tôi thôi, tên là Đỗ Hải Hòa, giáo viên trường THCS Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Cô nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp quận, năm 2013 từng được giải Nhất cuộc thi E-Learning thiết kế bài giảng trực tuyến môn Toán, và được Bộ Giáo dục&Đào tạo tặng Bằng khen. Cảm xúc khi được gặp lại người quen cũ ấy đã giúp tôi “lẩy” ra những ca từ đầu tiên cho bài hát.

Một điều đặc biệt khác là thời điểm sáng tác ca khúc này (năm 2018), ngành giáo dục đang có nhiều bết bát liên quan đến gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La; nạn bạo lực học đường… ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của nghề giáo. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Mỗi chúng ta từ khi sinh ra tới lớn lên vẫn luôn phải học tập không ngừng. Ngành giáo dục với những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp trồng người thiết nghĩ vẫn cần được tôn vinh, trân trọng. Đấy chính là động lực thôi thúc giúp “Tự hào cô giáo trẻ” ra đời.

Ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” vinh danh nghề giáo thời 4.0 - ảnh 1

Nhà báo Tào Khánh Hưng trao đổi với ca sĩ trẻ Thanh Thanh khi thu âm ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” Ảnh: NVCC

 

Được biết, ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” từng đạt giải Ba (cuộc thi không có giải Nhất) của cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Ông cho rằng, điều đặc biệt nào của ca khúc được giám khảo đánh giá cao như vậy?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Vốn dĩ bài hát này sáng tác không phải để dự thi mà hoàn toàn là cảm hứng, cảm xúc rất riêng. Ca khúc cũng như một câu chuyện kể chứ không phải điều gì bác học hóa: “Gặp lại em cô bé ngày xưa/ Giờ đây em đã là cô giáo/ Ươm nhân tài bao thế hệ tương lai/ Thăng hoa của trò lấp lánh bài giảng của em”. 4 câu mở đầu nhẹ nhàng, gần gũi nhưng đã khái quát tình cảm, cảm xúc của người gặp lại, và giá trị nhân văn cao cả của nghề giáo viên.

Nhưng như vậy dường như chưa đủ. Điều đặc khiến “Tự hào cô giáo trẻ” ấn tượng và khác với nhiều ca khúc cùng gửi đi dự thi chính ở cái mới được đưa vào. Ấy là công nghệ 4.0 trong giảng dạy: “Bài giảng của em đong đầy cảm xúc/ Hình ảnh trực quan tương tác các em thơ…”. Đó cũng chính là hình ảnh đẹp của cô giáo trên bục giảng. Họ là những bông hoa tươi thắm đại diện cho tất cả những người Phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước; những phụ nữ có tri thức luôn năng động, sáng tạo đảm việc nước, giỏi việc nhà xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Có lẽ chính sự dung dị nhưng mới mẻ ấy đã giúp “Tự hào cô giáo trẻ” vượt qua mấy trăm ca khúc dự thi trên cả nước, vinh dự đạt giải Ba trong số 10 tác phẩm được trao giải (cuộc thi không có giải Nhất). Sau đó, ca khúc được nhiều ca sĩ, cô giáo biểu diễn và dựng làm clip, chia sẻ tại nhiều sự kiện.

Ông có thể chia sẻ thêm về sức lan tỏa của ca khúc “Tự hào cô giáo trẻ” trong cộng đồng như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Ngay khi ca khúc hoàn thành, tôi có gửi cho cô giáo Hải Hòa nghe. Cô rất xúc động và kể rằng cô ấy đã nghe đi nghe lại ca khúc ấy 8 lần trong một buổi sáng, khi ngồi soạn giáo án.

Lần đầu tiên ca khúc được hát ngoài phòng thu có lẽ tại Kon Tum (Gia Lai) cũng trong dịp 20/11. Năm 2021, ca sĩ Trần Thanh Thanh – người thu âm bài hát đã trình diễn lại trong dịp Khai giảng tại trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghĩa Lộ (Yên Bái) năm 2021. Trước đó, năm 2019, các thầy cô giáo trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) hát trong dịp khai giảng năm học; đồng thời dàn dựng biểu diễn để đi thi dịp kỷ niệm 65 năm ngành giáo dục Thủ đô và đạt giải Nhất.

Sau khi nhận giải, cô giáo Nguyễn Thị Liên – người thể hiện ca khúc này đã nhắn tin cho tôi bày tỏ cảm xúc: “Cảm ơn nhà báo – nhạc sĩ Tào Khánh Hưng đã sáng tác bài hát về nghề giáo, thêm một lần nữa cho cô trò chúng em được tỏa sáng trên sân khấu. Đó là niềm vui, niềm tự hào không hẳn chỉ có người sáng tác mà còn là kỷ niệm, là dấu ấn cho người thể hiện ca khúc. Một lần nữa cảm ơn anh thật nhiều”.

Ngoài việc sáng tác lấy cảm hứng từ hình ảnh cô giáo Hải Hoà, hẳn ông cũng có nhiều ấn tượng, tình cảm với nghề giáo? 

Nhà báo Tào Khánh Hưng: Tôi sinh ra trong một gia đình có bố, chị và em gái đều làm nhà giáo. Hơn ai hết, những hình ảnh “Miệt mài đêm đêm chong đèn soạn giáo án/ Say với nghề thắp lửa những yêu thương/ Yêu mái trường xây mộng đẹp quê hương” luôn in sâu trong tiềm thức. Và tôi luôn thầm biết ơn những trang sách đầu đời là lời dạy bảo của cha, mẹ cùng với những tri thức mà thầy cô đã dạy cho tôi lớn lên và trưởng thành. Vì vậy, mỗi khi ca khúc được vang lên, được người nghe, nhất là các thầy cô giáo đón nhận… với tôi vô cùng xúc động, tự hào. Đó cũng chính là lời chúc tôi muốn gửi gắm tới các thầy cô giáo trên cả nước, những người không biết mệt mỏi “chèo đò”, đưa các thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức và trưởng thành.

Xin cảm ơn nhà báo Tào Khánh Hưng!