CVT và AT: hộp số nào tốt hơn?
CVT tiết kiệm nhiên liệu hơn AT nhờ tối ưu tỷ số truyền, nhưng lại tốn kém chi phí bảo dưỡng hơn.
Khi hộp số AT xuất hiện giải phóng chân côn, cuộc tranh luận nổi lên là số tự động hay số sàn tiết kiệm nhiên liệu hơn. Giờ đây, khi CVT ngày càng phổ biến, giới tài xế lại tiếp tục đặt câu hỏi vậy AT và CVT cái nào hiệu quả hơn. Thực tế, cả AT và CVT đều là số tự động, nhưng AT là số tự động có cấp, tức là các bánh răng của các trục thứ cấp và sơ cấp sẽ liên kết với nhau ở các vị trí khác nhau, tạo nên các cấp số. Trong khi đó, CVT lại không có bánh răng liên kết, mà sử dụng dây đai cùng các puli để thay đổi tỷ số truyền. Vì không cần bánh răng, nên CVT có thể tạo ra vô số tỷ số truyền, tạo nên hộp số “vô cấp”, hoặc chính xác là “vô số cấp”.
Vậy AT và CVT có những ưu, nhược điểm nào?
Ưu điểm hộp số AT
– AT quen thuộc bởi xuất hiện đã lâu, độ tin cậy vì thế cũng cao. Cũng vì quen thuộc nên thợ cơ khí dễ bắt bệnh và sửa chữa.
– AT có sức kéo bền bỉ, có thể chịu được tải trọng tới cả tấn.
– Với công nghệ hiện đại ngày nay, các khớp bánh răng hoạt động trong hộp số sẽ trơn tru và hoạt động nhanh hơn, giúp khả năng chuyển số nhanh chóng.
Nhược điểm của AT
– Tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn: vì cố định một số tỷ số truyền nên AT sẽ không tối ưu như CVT, bởi vậy khả năng tiết kiệm nhiên liệu sẽ không bằng.
– Bảo dưỡng tốn kém hơn: dầu hộp số cần thay định kỳ, AT cũng có nhiều chi tiết cần bảo dưỡng.
Ưu điểm của hộp số CVT
– Hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu: Hộp số CVT giúp xe tiết kiệm nhiên liệu đáng kể khi tối ưu tỷ số truyền.
– Lượng khí thải thấp hơn: nhờ tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí thải vì vậy cũng thấp hơn.
– Hoạt động như hộp số tự động: Sẽ không có điểm khác biệt khi lái xe trang bị CVT hay hộp số tự động, chỉ cần lên xe, cài số và đi.
– Không sang số: Hộp số tự động khi chuyển số sẽ thay đổi vòng tua, trong khi hộp số CVT ít ảnh hưởng đến vòng tua giúp khả năng tăng tốc mượt mà hơn.
Nhược điểm của hộp số CVT
– Độ tin cậy chưa được chứng minh: CVT dù sao cũng vẫn khá mới mẻ so với AT, bởi vậy vẫn cần nhiều thời gian để chứng minh chất lượng, độ bền bỉ.
– Cảm giác lái khác lạ: Đối với một số người, lái một chiếc xe với hộp số CVT giống như lái một chiếc xe golf nhàm chán. Tài xế không cảm thấy được chiếc xe sang số, thay đổi vòng tua.
– Không được trang bị trên tất cả xe hơi: xe tải, bán tải và một số xe to không thể trang bị hộp số CVT, tương tự như xe thể thao, xe cơ bắp và nhiều dòng xe sedan, xe sang cỡ lớn. Lý do CVT được thiết kế chủ yếu cho các loại xe sử dụng động cơ có dung tích nhỏ với ít mã lực và mô-men xoắn.
– Dây đai nhanh mòn: Dây đai bên trong hộp số CVT chịu rất nhiều lực và có thể nhanh mòn. Điều này khiến dây cuối cùng bị đứt, làm hỏng bộ phận truyền động, dẫn đến phải thay thế tất cả bộ truyền động.
– Chi phí sửa chữa đắt hơn: Việc sửa chữa CVT mất nhiều thời gian hơn so với hộp số tự động, bởi ít thợ sửa chữa có tay nghề trong sửa chữa hộp số CVT, ngoài ra độ phức tạp lớn hơn khiến thời gian sửa chữa tăng lên và chi phí sẽ đắt hơn.
Minh Quân (theo Bumper)