CỘNG ĐỒNG CHUNG TAY CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dự báo đến năm 2017 Việt Nam mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Tuy nhiên, vào năm 2011 tỷ lệ người trên 65 tuổi ở nước ta đã đạt 7%; tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã đạt 10%. Đến năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%. Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á.

Tuổi thọ cao là thành tựu

Số người cao tuổi tăng, vì vậy nhiều vấn đề đặt ra để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số đó là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi. Người cao tuổi thường mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, khớp… Cùng với việc chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, nguy cơ khuyết tật cũng rất cao, thường gặp nhất là khuyết tật về mất thị lực và thính lực.

Có thể nói rằng, người cao tuổi phải đối mặt với gánh nặng về sức khỏe nhưng việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại đang gặp hạn chế và có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của nhiều người cao tuổi  trên địa bàn tỉnh ta còn rất khó khăn, điều này ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc và điều trị sức khỏe người cao tuổi.

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 67.000 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chế độ, chính sách hướng đến người cao tuổi như trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở; cấp thẻ bảo hiểm y tế; thành lập các CLB Người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi… Tuy nhiên, đời sống người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn gặp nhiều khó khăn. Hơn ¾ số lượng người cao tuổi hiện đang sống ở nông thôn. Hầu hết họ đều phụ thuộc vào con cái và có mức thu nhập thấp so với mặt bằng xã hội. Việc mưu sinh, xoay xở tìm nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống luôn là mối quan tâm thường ngày của đại đa số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Ở một số huyện như huyện Hướng Hóa, Đakrông, số lượng người cao tuổi là lao động chính trong gia đình chiếm hơn 60%.

Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được chăm sóc đặc biệt. Đa phần người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng sức khỏe giảm sút; mắc các bệnh mãn tính; mang nặng hậu quả chiến tranh và là nạn nhân của chất độc màu da cam…Một bộ phận không nhỏ người cao tuổi hiện nay sống trong tình trạng đơn thân, không nơi nương tựa. Và họ rất cần được chăm sóc y tế, tham gia các hoạt động TDTT để rèn luyện sức khỏe.

Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi

Để giải quyết được những thách thức kể trên từ năm 2011, tỉnh Quảng Trị đã được Tổng cục Dân số-KHHGĐ triển khai thực hiện mô hình “Tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Đây cũng là năm đầu triển khai thí điểm mô hình tại 6 xã thuộc địa bàn thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong. Năm 2014, ngân sách địa phương hỗ trợ mở rộng thêm 6 xã thuộc địa bàn các huyện Cam Lộ, Đakrông và Gio Linh.

Trong khuôn khổ hoạt động của mô hình đã thành lập được 24 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”. Các địa phương cũng đã xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi. Đến nay, hơn 100 tình nguyện viên đã được tập huấn, trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tư vấn và chăm sóc người cao tuổi định kỳ tại gia đình. Các đội tình nguyện viên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của người cao tuổi, các hoạt động chăm sóc để báo cáo về trạm y tế.

Các hoạt động thiết thực của mô hình đã góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Đã 4 năm nay đều đặn cụ Nguyễn Lương Sáu, phường Đông Lương, TP. Đông Hà (Quảng Trị) gắn bó với các buổi sinh hoạt của Chi hội người cao tuổi khu phố nơi ông sinh sống. Từ khi tham gia vào câu lạc bộ, ông thấy mình trẻ khỏe và cởi bỏ hoàn toàn suy nghĩ tuổi già là tuổi vô ích. Thông qua các buổi họp, ông và nhiều người bạn trong câu lạc bộ không chỉ được tìm hiểu về các chính sách mới của Đảng, Nhà nước mà còn được cung cấp thêm nhiều thông tin về phòng chống dịch bệnh như tiểu đường, hô hấp, tăng huyết áp. Đây là hoạt động thường xuyên được cán bộ dân số phối hợp với trạm y tế, Hội người cao tuổi tổ chức trong khuôn khổ của mô hình Tư vấn chăm sóc người cao tuổi  dựa vào cộng đồng của tỉnh.

Bà Lê Thị Hải Lộc – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Đông Hà cho rằng, để đảm bảo chăm sóc tốt người cao tuổi, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về già hóa dân số, về cách thức chuẩn bị cho tuổi già và vấn đề của người cao tuổi. Đồng thời, tạo điều kiện để người cao tuổi tự phát huy nội lực, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội… để có một tuổi già tích cực, góp phần an sinh xã hội. Đồng thời, người cao tuổi cũng là một lực lượng tuyên truyền viên kêu gọi con cháu không sinh con thứ 3, thực hiện chính sách Dân số/KHHGĐ để từ đó xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2015 ngành dân số đã chọn thông điệp “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” làm chủ đề cho Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12. Đây là thông điệp nhân văn, huy động toàn bộ cộng đồng chăm sóc Người cao tuổi. Đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành bởi người cao tuổi không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Vì vậy, toàn xã hội hãy cam kết đảm bảo cho người cao tuổi  có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của người cao tuổi trong xã hội, để tận dụng được vốn sống phong phú, những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi để đóng góp cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Hơn nữa, việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Cộng đồng hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và thực sự phát huy được sức mạnh của những “cây cao bóng cả”.

Nguồn: dohquangtri.gov.vn