CÓ THỂ CHỦ ĐỘNG DỰ PHÒNG SINH NON?

CÓ THỂ CHỦ ĐỘNG DỰ PHÒNG SINH NON?

Không hẳn là hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, hiệu quả của sự chủ động sẽ càng cao khi gia đình bầu biết được kiến thức cơ bản & cần thiết về sinh non, dọa sinh non, phối hợp cách dự phòng với BS Sản khoa…

Điều quan trọng nhất là tuân thủ lịch khám thai định kỳ đầy đủ để có một sự theo dõi chặt chẽ về những diễn tiến của thai kỳ. Từ đó, BS và gia đình phối hợp tốt trong xử trí kịp thời, an toàn, hiệu quả cho hai mẹ con khi có phát sinh không mong muốn.

Trên 50% các trường hợp chuyển dạ sinh non không biết được lý do.

Tuy vậy, vẫn có một số yếu tố có thể gây sinh non: do thai kỳ (vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng), do mẹ (có bệnh lý nguy cơ như cao huyết áp, viêm ruột thừa, hở eo tử cung, tiền căn sinh non hoặc lao động nặng nhọc quá sức, ăn uống kém dinh dưỡng…) và do nhau (nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau)

SINH NON được ĐỊNH NGHĨA NHƯ THẾ NÀO?

Sinh non được định nghĩa là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 28 đến 37 tuần (tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Bản thân mẹ bầu nên biết các DẤU HIỆU giúp CHẨN ĐOÁN SỚM CHUYỂN DẠ SINH NON:

– Trì nặng bụng hoặc đau bụng

– Ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung

– Đau thắt lưng, đau quặn bụng có thể kèm tiêu chảy

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Khi đó, gia đình bầu cần phải XỬ TRÍ như thế nào và LÀM GÌ khi có DẤU HIỆU DỌA SINH NON?

Nếu có thể liên lạc ngay với BS chuyên khoa, bạn có thể trao đổi nhanh xin ý kiến BS về giải pháp xử trí hợp lý nhất trong từng tình huống.

Hoặc đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế có điều trị ngoại trú… để mẹ bầu được nằm nghỉ tại giường tuyệt đối giúp tử cung bớt gò. Bác sĩ sẽ kết hợp điều trị, xử trí bằng thuốc giảm cơn gò tử cung và các loại thuốc hỗ trợ, kích thích trưởng thành phổi cho thai nhi…tùy trường hợp cụ thể.

Đồng thời mẹ bầu cần được chăm sóc với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, hợp vệ sinh, an toàn…

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Nỗi lo tiếp theo trong trường hợp này là liệu rằng TRẺ SINH NON SẼ NHƯ THẾ NÀO?

– Trẻ nhẹ cân

– Trẻ dễ bị suy hô hấp và tử vong do phổi chưa trưởng thành. Về sau, trẻ cũng dễ mắc các bệnh hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản…

– Trẻ chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, trong trường hợp xấu, trẻ sẽ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như: tim bẩm sinh, mù, điếc, câm…

– Ngoài ra, khi lớn lên trẻ thường bị những di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng…

Do vậy, các mẹ bầu hãy thật chú ý đến việc chăm sóc và theo dõi thai. Bác sĩ Sản khoa Phương Châu chia sẻ những LỜI KHUYÊN để DỰ PHÒNG SINH NON:

– Đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ dưỡng chất

– Tập thể dục nhẹ không có hại, tuy nhiên cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những thai phụ có nguy cơ cao

– Không nên hút thuốc lá hay uống rượu khi mang thai

– Cần kiêng giao hợp đối với những thai kỳ có nguy cơ sinh non (vì cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm)

– Khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời

– Cần được khám và điều trị thích hợp khi có khí hư âm đạo (vì đây có thể là nguyên nhân của sanh non và vỡ ối sớm)

Dọa sinh non và sinh non là điều không mong muốn, do vậy, mỗi gia đình bầu nên chú trọng việc kiểm tra thai kỳ thường xuyên theo chỉ định của BS Sản khoa.

Vì một thai kỳ khỏe, vượt cạn an toàn, mẹ tròn con vuông, mẹ bầu Phương Châu nhé!