CHUYỆN CÒI XƯƠNG & NHỮNG TRUYỀN THUYẾT (P.1) | Thư Viện Sức Khỏe

By Victoria Healthcare 10 Tháng 5 2021

[Chuyện còi xương và những truyền thuyết]

Truyền thuyết số 1:

Bé sơ sinh vặn mình và hay giật mình là thiếu canxi.

Đây là một “truyền thuyết” không đúng. Vặn mình là biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi mới sinh ra, não của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ chưa kiểm soát được tay chân và thân mình, khiến cho những bộ phận đó cử động “vô tổ chức” hay “không kiểm soát”. Vì thế, cha mẹ rất lo lắng không biết trẻ có khó chịu gì không?! Và khi đưa trẻ đi khám định kỳ, phụ huynh thường được bác sĩ kê cho vài loại thuốc canxi hay vitamin D với chẩn đoán “thiếu canxi”. Những thuốc này là thừa đối với trẻ, ngoại trừ trường hợp bé bú mẹ hoàn toàn thì cần bổ sung vitamin D vì sữa mẹ không cung cấp đủ lượng vitamin D cho nhu cầu hằng ngày của trẻ.

Chính vì não của trẻ phát triển dần dần theo hướng kiểm soát từ đầu đến chân nên đến khoảng 4 tháng tuổi, đa số trẻ sẽ kiểm soát được thân mình, thành ra trẻ có thể sẽ lẫy (lật) và hết vặn vẹo mình. Đôi khi hiện tượng vặn mình này còn được gán cho một số vấn đề khác như mọc lông ở lưng (hay dân gian còn gọi là mọc lông đẹn) chẳng hạn.

Nói về sự phát triển não bộ của trẻ, chiều hướng phát triển của não ở mọi trẻ là tương đương giống nhau. Điều đó nghĩa là về mặt vận động thì não trẻ sẽ phát triển dần dần (giống như trái cây chín dần) theo hướng kiểm soát từ trên đầu xuống dưới chân. Vì vậy, những kiểm soát đầu tiên của trẻ sẽ là kiểm soát cổ: trẻ sẽ nhấc đầu lên khi bế tư thế đứng, rồi đến kiểm soát lưng và thân mình: trẻ sẽ lẫy, rồi đến mông, đùi, chân: trẻ sẽ đẹp trường, co chân lên để gặm ngón chân, ngồi, chống chân đứng lên…Đồng thời những cử động tinh vi cũng sẽ được hoàn thiện hơn: trẻ sẽ cầm nắm được, với tay ra chụp vật trước mặt một cách chính xác, đưa ngón tay vào miệng mút một cách thiện nghệ, rồi khoảng 1 tuổi là có thể dùng ngón tay bốc nhặt những vật rất nhỏ như hạt đất, hay con kiến, v.v.

Tuy nhiên, giống như những trái cây trên cành chín không đều nhau, không có trẻ nào phát triển giống trẻ nào. Do đó, có trẻ sẽ đạt được kỹ năng này sớm hơn trẻ khác, nhưng kỹ năng khác lại đạt được trễ hơn bé khác. Vì thế, việc trẻ biết ngồi hay đứng lên trễ hơn trẻ khác cũng không có nghĩa là trẻ đó bị thiếu canxi hay vitamin D. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ từng giai đoạn phát triển và đánh giá sự phát triển não cửa trẻ một cách toàn diện chứ không hẳn dựa vào một triệu chứng đơn lẻ nào để “phán quyết” được. (Để hiểu thêm về sự phát triển của trẻ, bạn có thể đọc về “Khám bệnh định kỳ”.)

Sự phát triển não bộ của em bé (hay con người) là một điều kỳ diệu. Càng quan sát và nhận xét, bạn sẽ càng phát hiện nhiều điều thú vị. Do đó, cha mẹ hãy dành thời gian quan sát những phát triển về vận động, nhận thức, ngôn ngữ…của trẻ và giúp trẻ phát triển tốt nhất bằng những biện pháp thật đơn giản nhưng hiệu quả: đối xử với trẻ bằng tình yêu thương (cho trẻ bú sữa mẹ là một cách tốt), trò chuyện với trẻ từ lúc trẻ vừa chào đời, mỉm cười với trẻ, tập cho trẻ vận động bằng cách đề đồ vật cho trẻ với chụp, đừng ngăn cản khi trẻ dùng tay đập món đồ chơi nào đó và tránh đối xử với trẻ bằng “bạo lực” (tuyệt đối không bao giờ ép ăn).

“Truyền thuyết” số 2:

“Rụng tóc vành khăn” là do thiếu canxi hay còi xương

VHC. RUNG TOC VANH KHAN

Tôi không rõ “truyền thuyết” này đến từ đâu, có lẽ do sự truyền miệng của người này đến người khác, rồi từ người khác đến người kia, rồi từ người kia đến người kìa…mà không ai tò mò thắc mắc đặt câu hỏi rồi tìm câu trả lời (hay suy luận). Tôi chỉ nghĩ, giá như người lớn còn được óc tò mò như em bé nhỉ? Như thế, các bé nhỏ sẽ không phải uống canxi và vitamin D dài dài vì những “chẩn đoán” như thế bởi việc rụng tóc của trẻ so sinh thực ra chỉ là một biểu hiện sinh lý hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển của trẻ.

Lúc mới sinh, tóc của bé đang ở giai đoạn tăng sinh (mọc tóc). Sau một thời gian ngắn, một phần do sự thay đổi các nội tiết tố (hormone) mà bé nhận từ mẹ trong bào thai, tóc của bé chuyển sang giai đoạn rụng tóc. Các bà mẹ sau khi sinh em bé cũng có thể bị rụng tóc vì những lý do tương tự. Theo lý luận bình thường thì chỗ nào trên đầu cọ xát nhiều thì chỗ đó sẽ rụng tóc nhiều. Vậy ở bé nhũ nhi từ 0-6 tháng, chỗ nào trên đầu sẽ được cọ xát nhiều nhất? Và khi nằm bé có để yên cái đầu không, hay luôn ngọ ngoạy quay qua quay lại?

Từ đó, ta có thể suy luận được phần sau đầu sẽ rụng tóc nhiều nhất và hình dạng chỗ rụng tóc hẳn nhiên sẽ rụng nhiều nhất ở sau giữa đầu rồi nhỏ dần sang hai bên (hay còn được dân gian gọi là “rụng tóc vành khăn”). Tình trạng rụng tóc này ở trẻ sơ sinh sẽ thấy rõ nhất lúc khoảng 3-6 tháng tuổi. Từ 6 tháng đến 1 tuổi, đa số các bé sẽ dần dần ngồi nhiều hơn, lật úp và trườn bò nhiều hơn, vì vậy đến khoảng 6-12 tháng tuổi thì đa số các bé sẽ bớt thấy rụng tóc “hình vành khăn” (cũng có khi trễ hơn).

Do đó, dù có đủ canxi, đến giai đoạn 3-6 tháng trẻ cũng sẽ rụng tóc và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cả.

Bs. Nguyễn Trí Đoàn – Trích ” Để con được ốm”

Xem phần 2: Chuyện còi xương và những truyền thuyết (P.2)