CHỦ NỢ LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA MÌNH KHI DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN – Luật Phúc Cầu

Hai năm vừa qua, làn sóng đại dịch Covid -19 kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bối cảnh này đã đẩy các công ty rơi vào tình thế hết sức khó khăn: rất nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động; thậm chí là việc đóng cửa, phá sản đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Khi đó, quyền lợi của Chủ Nợ trong doanh nghiệp bị phá sản cũng bị ảnh hưởng, không ít người đã bị mất trắng khoản tiền đầu tư – kinh doanh của mình. Vậy, các chủ nợ cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình trong khi Doanh nghiệp bị phá sản? Các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo thực hiện quyền lợi đó như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ đem đến cho Quý khách hàng câu trả lời cho vấn đề nói trên.

  • Cơ sở pháp lý: Luật phá sản 2014

1. Phá sản doanh nghiệp là gì?

Theo cách hiểu thông thường, phá sản là tình trạng của chủ thể bị vỡ nợ và không còn đủ khả năng để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

Còn dưới góc độ pháp lý, theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Trong đó:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. (Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014)

+ Tài sản xử lý để trả nợ cho các chủ nợ khi phá sản là toàn bộ tài sản doanh nghiệp bao gồm: tài sản sở hữu, quyền sử dụng tài sản, tiền, khoản phải thu, khoản đầu tư, các khoản góp vốn của chủ sở hữu còn thiếu trong cam kết vốn góp DN.

Như vậy, Chỉ khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mới được coi là phá sản.

2. Phân loại chủ nợ

Theo quy định của Luật phá sản 2014, tại khoản 3, 4 và 5 của Điều 4 đã phân chia ra làm 03 loại chủ nợ gồm có: chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần. Cụ thể:

– Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

– Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

– Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp phá sản, nếu doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ trả lương của mình cho người lao động, trả chậm lương sau 03 tháng tính từ khi đến hạn thanh toán thì những người lao động cũng được xem là chủ nợ của doanh nghiệp đó.

3. Đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chỉ được Tòa án xem xét giải quyết trên cơ sở có Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo Điều 5, Luật Phá sản 2014 có quy định:

3.1. Đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần;

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;

  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên và cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông đều trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng;.

  • Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.

⏩⏩ Như vậy, Chủ nợ có bảo đảm không thuộc đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

3.2. Đối tượng có nghĩa vụ mở thủ tục phá sản

Theo khoản 3, 4 Điều 5 Luật Phá sản 2014, các đối tượng có nghĩa vụ mở thủ tục phá sản bao gồm:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã.

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Một số nguyên tắc thanh toán khoản nợ khi doanh nghiệp phá sản

  • Một là, việc thanh toán nợ mang tính tập thể

Các chủ nợ của doanh nghiệp đó đều có quyền, cơ hội tham gia vào quá trình đòi nợ và được thanh toán nợ dựa trên tính tập thể của thủ tục thanh toán nợ. Tuy nhiên, việc đòi nợ của các chủ nợ không thể diễn ra một cách tuỳ tiện. Việc đòi nợ cần phải tuân theo quy định của Luật Phá sản. Pháp luật phá sản đã quy định một thủ tục nhằm đảm bảo sự đồng đều về quyền cho các chủ nợ.

  • Hai là, Các khoản nợ được thanh toán dựa trên số tài sản doanh nghiệp đang có

Tùy vào tình trạng tài chính của doanh nghiệp hiện có mà chủ nợ có thể sẽ được thanh toán một phần hoặc được thanh toán toàn bộ số tiền mà chủ nợ đã cho doanh nghiệp đó nợ. Nghĩa vụ thanh toán nợ của doanh nghiệp cũng sẽ chấm dứt sau khi doanh nghiệp đã dùng toàn bộ tài sản còn lại của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo quy định của pháp luật, pháp nhân sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm với tài sản mà pháp nhân đang có, sau khi thanh toán hết bằng toàn bộ tài sản, tư cách pháp nhân chấm dứt thì doanh nghiệp cũng phá sản.

Đối với doanh nghiệp tư nhân hay thành viên công ty hợp danh, chủ nợ chỉ có thể được thanh toán nợ khi thấy chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh còn tài sản. Quy định này nhằm loại trừ tình trạng các doanh nghiệp này lợi dụng quy định của Luật Phá sản để phá sản doanh nghiệp, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

  • Ba là, Việc thanh toán khoản nợ chỉ được tiến hành khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Trong mọi trường hợp, cần phải có sự đồng ý của Toà án thì mới có thể thanh toán nợ trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản. Sau khi có quyết định của Toà án, việc thanh toán nợ của doanh nghiệp sẽ do tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện. Doanh nghiệp cũng có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình.

5. Thứ tự ưu tiên thanh toán nợ khi doanh nghiệp bị phá sản

          Thứ nhất, Xử lý khoản nợ có bảo đảm

Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật phá sản, Thẩm phán xem xét và xử lý nợ có đảm bảo theo Điều 53 luật này cụ thể như sau:

  • Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;

  • Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;

  • Trường hợp (i) giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu (ii) giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thứ hai, thanh toán các khoản nợ còn lại

Thứ tự thanh toán nợ và thanh lý tài sản theo thủ tục phá sản được quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014. Cụ thể:

Đối với trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

  • Chi phí phá sản (1)

  • Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; (2)

  • Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; (3)

  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ;

Như vậy, theo nguyên tắc thanh toán đã đề cập tại mục 4, trường hợp đã thanh toán xong theo thứ tự các khoản nợ (1),(2),(3) mà vẫn còn tài sản để chia thì sẽ tiếp tục trả cho các khoản nợ còn lại cho tới hết; tuy nhiên số tiền còn lại mà không đủ để trả lại hết các khoản nợ thì phải chia đều cho các khoản nợ còn lại theo tỷ lệ của khoản nợ. Còn nếu khi thanh toán xong các khoản trên mà không còn tài sản để thanh toán nợ không bảo đảm hoặc nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ, vậy các khoản này sẽ không được thanh toán nữa.

Ví dụ: Chị K cho bà A mượn 500.000.000 đồng để mở doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng. Sau một thời gian hoạt động doanh nghiệp bà A lâm vào tình trạng phá sản. Chị K cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ?

  • Đầu tiên, cần xét chị K có thuộc đối tượng nộp đơn yêu cầu phá sản ?

Chị K cho bà A mượn 500.000.000 nhưng không có tài sản gì để bảo đảm nên khoản nợ này được xem là nợ không có bảo đảm.

Căn cứ Khoản 1, Điều 5 Luật phá sản 2014, chị K có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

  • Thứ hai, Làm sao để có tên trong danh sách chủ nợ ?

Căn cứ Điểm d, Khoản 3, Điều 28 Luật phá sản, thì trong đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản kèm theo danh sách chủ nợ. Khi đó, bà K nên ghi rõ tên, địa chỉ, khoản nợ là bao nhiêu, có bảo đảm hay không v..v..

Sau đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn gửi giấy đòi nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải lập danh sách chủ nợ, thu thập tài liệu liên quan đến khoản nợ và niêm yết công khai danh sách chủ nợ. (Căn cứ Khoản 1, Điều 67 Luật phá sản 2014).

Khi đó, bà K mới chính thức có tên trong danh sách chủ nợ.

  • Thứ ba, Về thứ tự ưu tiên thanh toán.

Vì là chủ nợ không có bảo đảm, nên bà K sẽ được thanh toán theo thứ tự, sau các khoản thanh toán khác.

6. Chủ nợ cần phải làm gì để bảo vệ lợi ích của mình khi Doanh nghiệp bị phá sản?

Thứ nhất, nếu chủ nợ muốn lấy lại khoản tiền của mình thông qua việc khởi kiện đến Tòa án thì cần cân nhắc những điểm sau:

Trong một vụ kiện thông thường, Tòa án và cơ quan thi hành án thường giải quyết vụ việc theo thứ tự, tức ai có yêu cầu trước sẽ được giải quyết trước.

⏩⏩ Vì vậy, nếu đơn khởi kiện được nộp chậm trễ thì những chủ nợ khác sẽ có được bản án và nắm giữ tài sản của con nợ trước. Điều này sẽ rất rủi ro.

Giải pháp:

Trong trường hợp này, việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ là một giải pháp hiệu quả. Sau khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ quyết định tạm đình chỉ các vụ việc có khả năng ảnh hưởng đến tài sản của con nợ, bất kể vụ việc đó đang được giải quyết ở giai đoạn tranh tụng hay thi hành án.

Sau đó, nếu yêu cầu mở thủ tục phá sản được thụ lý và Tòa án chính thức mở thủ tục phá sản, những vụ việc này sẽ được chuyển và nhập vào để giải quyết trong cùng một vụ việc phá sản. Do đó, việc nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản sẽ ngăn chặn hiệu quả các chủ nợ khác lấy tài sản của con nợ và buộc họ phải tiếp tục cạnh tranh trong cùng một thủ tục tố tụng.

Thêm vào đó, nếu việc phá sản đi đến giai đoạn thanh lý tài sản, các chủ nợ không có bảo đảm sẽ có vị trí ưu tiên thanh toán như nhau, vì vậy ngay cả khi là chủ nợ cuối cùng thực hiện hành động pháp lý đối với con nợ, người này vẫn có thể được nhận một phần tài sản.

Thứ hai: Trong quá trình giải quyết phá sản của doanh nghiệp mà phát sinh tranh chấp về tài sản trước khi có Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Tòa án đang giải quyết vụ việc phá sản phải xem xét tách phần tài sản đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản thì Tòa án Nhân dân giải quyết phá sản xử lý tài sản như sau:

  • Trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được nhập vào tài sản của doanh nghiệp;

  • Sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản trước đó.

Tóm lại, nếu chủ nợ có tranh chấp với Doanh nghiệp trong khoảng thời gian Doanh nghiệp này đang giải quyết phá sản thì Tòa sẽ tách phần tài sản tranh chấp để giải quyết riêng. Sau khi tranh chấp trên có bản án, Tòa án giải quyết phá sản cho Doanh nghiệp sẽ xem xét thời điểm bản án có hiệu lực để xử lý tài sản tranh chấp trên.

Việc thanh toán khoản nợ chỉ được tiến hành khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Trên đây là các quy định pháp lý liên quan đến việc chủ nợ cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình khi doanh nghiệp phá sản. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ [email protected] hoặc liên hệ 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.