CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvà Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân và dành tất cả tình thương yêu cho dân tộc Việt Nam. Suốt cả cuộc đời, Người đã không sống cho riêng mình mà sống vì dân, vì nước. Người là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ chúng ta học tập và noi theo. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “chăm lo đời sống Nhân dân” càng có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân: Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. “Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”. Trước lúc đi xa, Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân:

 

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng

xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), năm 1954.  Ảnh tư liệu.

 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, một cách rất nhất quán về đạo đức. Người để lại cho chúng ta nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, cao nhất, cốt lõi là chí công vô tư, tức là nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Điểm xuất phát tiến đến chí công vô tư là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”, làm cán bộ, đảng viên là phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.  Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức không chỉ ở những việc lớn, mà phải quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, từ cái ăn, cái mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh. Phải biết tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong  Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân: Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Người nói: “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân. Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hàng ngày của Nhân dân; cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Bản thân Người luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Cả cuộc đời khiêm tốn, giản dị, trong sáng, mẫu mực hết lòng hết sức phục vụ nhân dân của Bác đã chứng minh điều đó. Người chỉ rõ, tham nhũng là tội ác với dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào.

 

Những biểu hiện trái với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải đấu tranh loại bỏ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao. Có nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên đã luôn nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với Nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe Nhân dân; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của Nhân dân. Song bên cạnh đó vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện thoái hóa biến chất về đạo đức, có lối sống thực dụng, không chú trọng quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân đã làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng cần phải lên án và đấu tranh loại bỏ như: “Không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Tham ô, tham nhũng. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân. Để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Làm cán bộ, đảng viên theo Bác là phải “chí công vô tư”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu miệng thì luôn nói là vì tập thể, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho tập thể nhưng thực tế thì lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt của công, thu vén, củng cố cho quyền lực, lợi ích cá nhân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi mà không quan tâm gì đến đời sống của người khác; thậm chí thờ ơ tới mức vô cảm trước nỗi khổ, khó khăn, bức xúc của Nhân dân… miễn sao đạt được mục đích cá nhân của mình. “Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính”. “Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”. “ Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân.”  Tất cả những biểu hiện đó đều là trái với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng cần phải lên án và kiên quyết đấu tranh loại bỏ.

 

Giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân Một là, tăng cường quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chăm lo đời sống nhân dân. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “chăm lo đời sống nhân dân” tại chi bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó thực hiện đúng các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với quần chúng, nhân dân và mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị và cá nhân một cách thiết thực, hiệu quả. Bám sát chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, phát huy, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong việc chăm lo đời sống nhân dân. Hai là, tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong chăm lo đời sống nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy định về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”. Từng cán bộ, đảng viên nói đi đôi với làm, tự giác thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm gương để người khác noi theo; “Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân”; phải hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia – dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, trước hết là trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác, nhất là “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Mỗi đảng viên ở từng vị trí công tác, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải luôn và trước hết nghĩ về lợi ích của nhân dân, của tập thể và luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của từng thành viên trong cơ quan, đơn vị; phải thực hiện đúng và đủ các chế độ, chính sách đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật. Ba là, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh. Từng cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, cần nghiêm khắc với bản thân, thường xuyên thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); thường xuyên tự đánh giá, kiểm điểm bản thân, lấy việc chăm lo đời sống nhân dân, mà trực tiếp trong tập thể cơ quan, đơn vị là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của mình; thực sự gương mẫu trong lời nói và việc làm, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp có thẩm quyền tổ chức đột xuất hoặc định kỳ lấy ý kiến đánh giá của toàn thể các thành viên trong cơ quan, đơn vị đối với tập thể cấp ủy, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó. Tiến hành tổng hợp, phân tích đánh giá nắm bắt tình hình thực tế; tiến hành kiểm tra, thanh tra, đấu tranh với các hiện tượng thoái hoá, biến chất; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể tham nhũng, tiêu cực, thực hiện không đúng các chế độ, chính sách đối với quần chúng, nhân dân và trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, lựa chọn những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong chăm lo đời sống nhân dân; nêu gương người tốt, việc tốt hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân để tuyên truyền nhằm lan tỏa trong cộng đồng hoặc cơ quan, đơn vị. Tóm lại, thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân trong năm 2019 chính là góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo TW, “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” – Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị năm 2019.

2. Đảng cộng sản Việt nam, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.

3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2016), “Phát biểu về công tác dân vận” tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XII do Ban Dân vận Trung ương tổ chức. 

 

 

Ths. Phạm Mạnh Cường Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu