C&B chuyên sâu
Chuyên viên C&B, họ là ai trong phòng Nhân sự?
Phòng nhân sự là bộ phận quan trọng trong một công ty với vai trò thu hút và phát huy tối đa nguồn nhân lực, đảm bảo sự gắn bó lâu dài của nhân viên với doanh nghiệp. Trong đó, chuyên viên C&B được coi là người nắm cán cân thu nhập của mọi nhân viên, do đó vị trí này đóng vai trò quan trọng và có tiếng nói trong doanh nghiệp.
Vậy C&B, là những ai?
C&B là một bộ phận thuộc phòng Nhân sự.
Cấu trúc cơ bản của một phòng nhân sự bao gồm:
1. Tuyển dụng (R: Recruitment)
- Hành chính
3. Đào tạo và phát triển (T&D: Training & Development)
4. Chế độ trả lương và phúc lợi (C&B: Compensation & Benefit)
Như vậy, chuyên viên C&B là những người thực hiện chính sách tiền lương và phúc lợi của bộ phận nào đó hoặc của cả công ty.
Có những công ty lớn, tách riêng mảng C&B ( 01 người phụ trách lương khối kinh doanh; 01 người phụ trách lương khối sản xuất; 01 người phụ trách lương khối gián tiếp và ban lãnh đạo…)
Nhưng ở mô hình các công ty nhỏ thì C&B là người tính lương toàn công ty (bao gồm tất cả các bộ phận)
Vậy học về C&B các bạn cần những kiến thức gì?
Phần 1: Tản mạn về kiến thức sơ đẳng của Luật, pháp lý:
- Kiến thức về Luật, pháp lý (Luật ở đây là các Luật lao động, bảo hiểm xã hội, luật BHYT, Luật Doanh nghiệp, Luật về các lĩnh vực liên quan đến công ty…). Kiến thức ở đây là các bạn phải đào sâu tìm hiểu, hiểu ngọn nguồn gốc rễ, hiểu bản chất vấn đề và hiểu theo ma trận – từ văn bản này dẫn chiếu tới văn bản khác. Ví dụ: Luật lao động thì quy định là chấm dứt thử việc không cần báo trước, nhưng tại Nghị định 05/CP thì NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ biết về kết quả làm thử, trước 03 ngày….Như vậy nếu đọc luật không hết, hoặc không biết những văn bản dẫn chiếu thì giống như đọc sách Y “đau bụng uống nhân sâm…..tắc tử”. Ví dụ trong Luật, tại điều 4 có dẫn chiếu lại điều 3 hoặc dẫn chiếu tới điều khoản nào đó tại văn bản luật này hoặc văn bản khác, khi đọc các bạn sẽ phải đọc cả văn bản dẫn chiếu, điều khoản dẫn chiếu đó thì chúng ta mới hiểu được bản chất vấn đề, hiểu được tổng quát.
Tra cứu văn bản Luật, thông thường các bạn nên tra tại các trang của quốc gia, các thành phố lớn, ví dụ: Cổng thông tin điện tử quốc gia, BHXH TP Hà Nội, BHXH TP HCM….còn các trang Web có thể có nội dung tương tự nhưng đôi lúc tại các trang Web đó dẫn văn bản thiếu hoặc chưa đúng. Khi tra cứu văn bản Luật, các bạn cần lưu ý thời gian ban hành, hiệu lực ban hành, ngày hết hiệu lực, văn bản đã được công bố hay chỉ là dự thảo?………….
Nghiên cứu Luật, các bạn cần chú ý thống kê so sánh sự khác và giống nhau của các quy định, và đặc biệt là cách vận dụng quy định của Luật vào doanh nghiệp nhưng phải phù hợp và có thể linh hoạt trong mọi tình huống.
Hiểu sâu sắc về Luật là để vận dụng, căn cứ vào ngôn ngữ văn bản luật để xây dựng chính sách cho công ty xây dựng hành lang pháp lý cho công ty…
Có nhiều bạn, cứ cho rằng mình đã nắm chắc về Luật lao động, luật bảo hiểm….nhưng các bạn thực chất mới chỉ hiểu thẳng vấn đề, nghĩa là: Luật quy định thế nào thì hiểu như vậy, nhưng trên thực tế, chưa chắc đã phải như vậy.
Ví dụ đơn giản: Luôn quy định về chấm dứt hợp đồng lao động là 30 hoặc 45 ngày. Nhưng không hề biết là công ty có thể vận dụng linh hoạt những điều mà Pháp luật không quy định rõ ràng. Ví dụ: Có thể quy định số ngày thông báo trước thay vì 30 là 40, thay vì 45 là 60….thậm chí có những vị trí đặc thù mất nhiều chi phí, nhiều thời gian và đặc thù nghề có thể quy định báo trước vài tháng. Vì bản chất của Hợp đồng là sự thỏa thuận, và thỏa thuận phù hợp với hoạt động và tính chất cũng như quy định của công ty.
Luật quy định “báo trước ÍT NHẤT 30 ngày” , vậy công ty có thể quy định và thỏa thuận với Người lao động ngay từ đầu là với vị trí này báo trước 40 ngày….bởi Luật quy định cái “ít nhất”, còn công ty không sử dụng “ít nhất” mà có thể “nhiều hơn”….Trong Luật không có điều khoản cấm, trong quy định xử phạt hành chính cũng không có điều luật cấm về vấn đề này.
Như vậy, kết luận lại, người làm nhân sự nói chung là người giỏi về ngôn từ, biến đổi linh hoạt và cần đặt câu dùng từ đúng nơi đúng chỗ thì mới tạo được giá trị văn bản pháp lý phù hợp cho công ty.
Cũng bàn về chữ “ít nhất”, tại sao 99% công ty trả lương ngày Lễ tết theo cái “ít nhất” mà Luật quy định. Làm thêm ngày nghỉ ít nhất 200%. Nếu công ty trả 200% thì thực chất là tiền làm thêm là 100%, còn 100% kia là bản chất ngày đó các bạn có đi làm nên hưởng 100%. (nếu như nghỉ mà được hưởng 200% là khoản công ty trả 200%) nhưng có đi làm thì đương nhiên ngày đó là ngày làm việc: hưởng 100%, còn công ty trả phần làm thêm là 100%. Vậy những công ty “trên luật” là những công ty trả lương làm thêm ngày nghỉ là 300% (trong đó 100% là bản chất ngày đi làm, 200% còn lại là tiền làm thêm).
Sẽ luôn dùng cái “ít nhất” về chế độ người lao động, và dùng cái “nhiều hơn” về quy định và chế tài.
Luật, Pháp lý còn cả một kho kiến thức khổng lồ mà tích lũy dần mới hiểu sâu và hiểu rộng. Trên đây chỉ là “tản mạn” vài vấn đề cơ bản, sơ đẳng….cùng chia sẻ….