CẢM XÚC XUÂN: Phiên chợ Tết cuối năm | Thời sự

>> CẢM XÚC XUÂN: Đụng lợn ngày Tết

Ngoài trời gió mùa đông bắc thổi mạnh, từng cơn gió rít lên như tiếng rít điếu cày của bố tôi. Gió kèm theo mưa phùn làm cho tiết trời càng trở nên lạnh giá. Hôm nay là 28 Tết, trong buồng mẹ tôi đang chuẩn bị một gánh hàng để mang ra chợ bán, đôi quang gánh đã chất đầy nào là thóc, nào là ngô, còn thêm vài cân đỗ xanh, vài cân lạc, thế mà tôi vẫn còn nghe thấy mẹ tôi thở dài: “Bán hết từng này không biết có đủ tiền mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới không”, vẻ lo lắng hiện rõ trên nét mặt của mẹ.

Ngày ấy, được theo mẹ đi chợ là niềm mong mỏi không chỉ của tôi mà của cả đám con nít cùng trang lứa - Ảnh minh họa.

Ngày ấy, được theo mẹ đi chợ là niềm mong mỏi không chỉ của tôi mà của cả đám con nít cùng trang lứa – Ảnh minh họa.

Hôm ấy, tôi được mẹ cho đi chợ để mua đồ mới, chả phải nói cũng biết là tôi sướng biết chừng nào, vì ngày ấy, được đi chợ Tết là niềm khao khát chẳng phải của riêng tôi mà là của cả đám con nít cùng trang lứa. Người lớn sợ Tết bao nhiêu thì đám con nít chúng tôi lại háo hức mong ngóng Tết đến bấy nhiêu, vì chỉ có Tết chúng tôi mới được đi chơi, được theo mẹ đi chợ, được ăn nhiều món ngon mà ngày thường không bao giờ có.

Từ nhà tôi đến chợ cũng chừng 5-6 cây số, băng qua mấy cánh đồng. Vào mùa này, lúa mới cấy xong chưa kịp bén rễ mới, thỉnh thoảng có cơn gió Bấc thổi qua là những cây mạ mới cấy lại nằm rạp xuống mặt nước. Trên mặt ruộng, những con Gọng Vó với những cái chân dài và nhỏ xíu chạy phăng phăng trên mặt nước hệt như những nhà ảo thuật thực thụ.

Từng cơn gió thổi, kèm theo mưa phùn, khiến tôi vừa đi tôi vừa run cầm cập, môi tím tái, hai hàm răng va vào nhau phát ra những tiếng đều đặn như tiếng gảy đàn. Mẹ bảo tôi xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau để tạo ra hơi ấm rồi áp tay vào má để xua đi cái rét cứ táp vào mặt.

Phiên chợ giáp Tết thường đông đúc hơn những ngày thường - Ảnh minh họa.

Phiên chợ giáp Tết thường đông đúc hơn những ngày thường – Ảnh minh họa.

Quẩy trên vai một gánh hàng nặng trĩu mà mẹ tôi đi phăng phăng như chạy. Chốc chốc tôi lại bị tụt lại phía sau và phải chạy mới đuổi kịp mẹ. Những lúc như thế, mẹ quay lại giục tôi: “Đi nhanh lên không trưa chợ bây giờ”.

Sau hơn nửa tiếng lẽo đẽo chạy theo mẹ, cuối cùng, tôi cũng được nhìn thấy chợ. Chợ hôm nay đông lạ thường, phải khó khăn lắm mẹ tôi mới tìm được một chỗ trống để đặt đôi quang gánh đầy hàng xuống bán.

Đặt gánh hàng xuống đất, mẹ tôi đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Ngày ấy tôi cứ thắc mắc là trời thì rét thế mà sao mẹ lại đổ mồ hôi. Lớn lên một chút tôi mới hiểu vì sao mẹ lại đổ mồ hôi giữa tiết trời lạnh giá như thế.

>> CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm

Những dụng cụ hàng ngày cũng được bày bán ở phiên chợ Tết - Ảnh minh họa.

Những dụng cụ hàng ngày cũng được bày bán ở phiên chợ Tết – Ảnh minh họa.

– Gớm, bác gánh gì mà nhiều thứ thế, không để nhà ăn Tết mà mang hết đi bán à? Bà bác bên cạnh hỏi mẹ tôi.

– Vâng, nay là phiên chợ cuối, nhà còn ít đồ không dùng đến em mang bán để mua quẩn áo mới cho các cháu mặc Tết bác ạ. Mẹ tôi trả lời.

– Tết với nhất khổ thế cơ chứ, trăm thứ việc phải tiêu… Bà bác thở dài rồi quay sang nhìn gánh hàng của mình mới chỉ vơi đi phân nửa.

– Chợ hôm nay đông quá bác nhỉ.

– Vâng, Tết mà bác.

Hai người phụ nữ chả quen biết nhau, thế mà nói chuyện cứ như đã thân quen từ trước vậy. Những câu chuyện giữa họ cũng chỉ xoay quanh việc sắm sửa cho mấy ngày Tết, nhưng trên khuôn mặt luôn lộ rõ vẻ âu lo.

Hồi ấy chưa cấm pháo, nên đám con nít chúng tôi khoái nhất là cái món pháo nổ này - Ảnh minh họa.

Hồi ấy chưa cấm pháo, nên đám con nít chúng tôi khoái nhất là cái món pháo nổ này – Ảnh minh họa.

Cũng vì chợ đông mà chả mấy chốc mẹ tôi đã bán hết gánh hàng. Gửi đôi quang gánh ở một hàng quán bên đường, mẹ dắt tôi vào trong chợ.

Ngày ấy, chợ ở quê tôi đơn sơ lắm, những ki ốt trong chợ chỉ là những túp lều được dựng bằng cây, mái lợp bằng rạ, bốn xung quanh trống hoắc, cứ có cơn gió mạnh thổi qua là như muốn hất tung cả mái đi vậy. Vì là chợ phiên, nên hàng hóa chẳng ai để lại chợ, cứ đến ngày họp chợ thì người bán lại chở hàng đến bày bán, tan chợ còn thừa thì lại chở về nhà.

Những mặt hàng bày bán ở chợ phiên quê tôi chủ yếu là những thứ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, khi thì một vài mớ rau, lúc thì một vài nải chuối, khi thì con cá mớ tôm, gần như tất cả đều là cây trồng vật nuôi của từng gia đình đem bán. Hoặc là con dao, cái cày, cái cuốc… những vật dụng cần thiết trong lao động nông nghiệp.

Vì là phiên chợ Tết nên không thể thiếu được những hàng bán hoa đào, quất cảnh...để phục vụ người dân trang hoàng nhà cửa đón Tết - Ảnh minh họa.

Vì là phiên chợ Tết nên không thể thiếu được những hàng bán hoa đào, quất cảnh… để phục vụ người dân trang hoàng nhà cửa đón Tết – Ảnh minh họa.

Hôm nay vì là gần Tết, nên chợ có cơ man nào là đồ. Ngoài những đồ thiết yếu hàng ngày ra thì còn có những mặt hàng phục vụ cho người dân trang trí nhà cửa như tranh, ảnh, hoành phi, câu đối Tết, hoa đòa, quất cảnh… và đặc biệt là không thể thiếu được những hàng bán pháo nổ (ngày ấy chưa cấm pháo nên được buôn bán công khai), đám con nít chúng tôi thì lại thích nhất cái món này. 

Mẹ dắt tôi vào khu bán đồ ăn, mua cho tôi một cái bánh Rắn, loại bánh được làm từ bột gạo, bên trong có nhân thịt và hành được gói bằng lá chuối, ăn rất ngon. Mẹ cũng không quên mua thêm vài cái để về làm quà cho các anh chị em tôi ở nhà. Xong mẹ lại dắt tôi sang một hàng bán quần áo mới cho tôi chọn một bộ mà tôi thích để mặc Tết. Vì được đi theo nên tôi được lựa chọn, còn các anh chị em ở nhà thì mẹ tự mua. Chả vì thế mà ai cũng thích được đi theo mẹ.

Ngày xưa được theo mẹ đi chợ Tết là chúng tôi sung sướng lắm, nó như là một món quà vô giá vậy. Ấy vậy mà bây giờ đám con nít ở nhà có cho chúng cũng chẳng thèm đi theo. Với tôi, đã tròn 20 năm kể từ ngày tôi theo anh trai vào miền Nam lập nghiệp, cũng là ngần ấy năm, tôi chưa một lần về quê đúng dịp Tết để được thử cái cảm xúc của một thời tuổi thơ nghèo khó, được theo mẹ đi chợ Tết ngày nào. Có lẽ nó chỉ còn trong ký ức!

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email [email protected].

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.