CẢM XÚC XUÂN: Chợ Tết quê tôi | Thời sự

>> CẢM XÚC XUÂN: Màu hoa trên giàn giáo công trình

Ly cà phê nóng, làn khói bốc lên như thảnh thơi, mềm mại, quyến rũ hơn hẳn dịp đại hàn. Mùi hương trầm như quyện lại đặc hơn, đậm hơn, thơm sâu hơn, thành cái mùi quen mà lạ, lạ mà quen, mà có người gọi đó là mùi Tết.

Kéo cao chiếc cổ áo chắn bớt gió, kề miệng sâu hơn vào cốc cà phê nhấm sâu một ngụm. Nhìn dòng người tấp nập trôi trên đường phố, những ký ức về Tết của ngày xưa chợt chầm chậm hiện về.

Trẻ con ngày xưa thích Tết vì nhiều nhẽ lắm. Tết đến được ăn ngon, mặc quần áo đẹp, được nghỉ học, thả sức vui chơi, được tiền mừng tuổi… Tết rất vui. Háo hức và thích nhất là được đi chợ Tết, được ngắm, được mua những thứ mà một năm mới có một lần, ở cái chợ huyện của một vùng quê ven biển đồng bằng Bắc Bộ. 

Chợ quê ngày Tết luôn đông vui, nhộn nhịp

Chợ quê ngày Tết luôn đông vui, nhộn nhịp. Nguồn: Internet

Giáp Tết tôi hay được gọi đi chợ cùng chị lớn. Ở quê, nhà tôi phi nông nghiệp, chỉ có hơn mười thước chân màu để tăng gia. Mấy anh chị em chăm chỉ trồng rau, trồng khoai trên mảnh ruộng con con ấy, để gần Tết gánh rau, gánh khoai đi chợ bán, mua về những thứ cần dùng.

Sáng sớm, khi mắt hãy còn cay xè vì ngái ngủ, tôi đã bị thúc dậy, mắt nhắm mắt mở ăn bát cơm nóng với ít rươi kho rồi theo chị sang nhà chú Ngoãn mượn xe cải tiến, chất rau, khoai lang, cả rau khoai lang bán cho người nuôi lợn lên xe.

Từ chiều hôm trước, mấy anh chị em đã chặt rau về rửa, xếp mớ tinh tươm. Những mớ cải ngọt xanh xanh, trăng trắng, mớ cải đắng còn nguyên vị hăng hăng, những củ khoai lang tím lịm, chắc nịch chất gọn lên xe. Chị lớn cầm càng, tôi đẩy đằng sau, xe lăn lọc cọc, khấp khểnh trên đường làng hướng về phía chợ huyện.

Chỉ đẩy tầm chục phút là người tôi nóng bừng, rịn rịn mồ hôi, còn chị tôi thì má ửng đỏ, mồ hôi bết cả mấy sợi tóc mai xõa xuống trán, cho dù gió lạnh vẫn hun hút thổi xuyên qua cánh đồng giờ còn trơ những gốc rạ trắng xám, bàng bạc im lìm trong làn sương mỏng sáng mùa đông.

Chân chớm mỏi thì xe cũng lăn bánh lên phần đường nhựa, thêm một ít vòng xe lăn thì đến chợ Đôi. Tên chợ là tên gọi tắt của thôn Cựu Đôi, dân gian quen gọi là chợ Đôi, nằm ở phía sau ngôi đình rất to và bề thế.

>> CẢM XÚC XUÂN: Xa nhà, lại nhớ Tết quê xưa!

Gần Tết nên mới sớm mà khá đông người, tiếng xôn xao nói cười mua bán, người thì vội vàng xì xụp bát canh cua trong quán nhỏ, người thì thư thả nhả khói thuốc lào rồi bàn hàng ra mặc sức bán mua.

Chợ Tết khác hẳn những phiên chợ thường ngày, có quầy bán pháo, bán rượu, chuối xanh, bưởi vàng, quýt đỏ làm đồ cúng, chỗ bán hoa dơn đỏ thắm, hoa cúc vàng tươi.

Món ăn ngày Tết.

Món ăn ngày Tết. Nguồn: Internet

Quầy bánh rán được tấm cót quây xung quanh, lửa đỏ than hồng, chảo mỡ sôi sùng sục, những chiếc bánh rán vàng ươm lấm tấm chấm vừng đen, giòn tan, béo ngậy cứ được xếp lần lượt trên tấm phên bằng tre cật nâu bóng, tỏa mùi thơm nhức mũi.

Những quầy bán thúng mủng, dần, sàng, chổi rơm, đồ ăn trầu, lá dong, lá chuối cũng tấp nập hơn hẳn ngày thường.

Chỗ bán hoa đào, cây quất là đông nhất, người ta xúm xít hỏi han người vừa mới mua được cành đào như ý, về giá tiền, về dáng với màu hoa…

Chị tôi nhờ chú Khoát – bạn của bố xếp cho một khoảng để bày rau với khoai lang ra bán. Còn tôi thì được tự do tung tăng chơi khắp chợ. Lúc thì lượn lờ ở hàng giò chả, nhìn những khoang giò vừa vớt xong treo lủng lẳng, những khoanh chả vàng rộm, thơm phức chỉ nhìn thôi cũng ứa nước miếng. Lúc thì vòng sang hàng bánh đa, bánh đa tết nướng là loại có pha đường vào bột, nướng lên vừa thơm vừa ngọt. Lại bán kèm cả cùi dừa, những miếng cùi dừa trắng ngà, ngầy ngậy, kẹp cùng bánh đa nướng ăn thì ngon phải biết.

“Mẹ mắng em cũng chẳng chừa

Nết em vẫn giữ cùi dừa bánh đa”.

Bao nhiêu thứ ngon lành nữa, táo chín thơm, quýt ngọt… Ông nặn tò he với đủ hình thù xinh đẹp, xanh đỏ. Nào hình cầu thủ đội bóng Thể Công, hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… bao nhiêu nhân vật cổ tích cứ nhoang nhoáng hiện ra sau cái véo, vuốt, vắt, vặn, bóp, dính, nặn… thoăn thoắt của bàn tay ông già nặn tò he tóc bạc.

Quầy bán pháo với những băng pháo dài, đỏ quấn vòng tròn như băng đạn. Bánh pháo tép nho nhỏ xinh xinh, thi thoảng ông chủ quầy lại đốt chơi một quả, tiếng nổ đẹt đùng, xác pháo hồng tươi văng ra, mùi khói thuốc pháo ấm sực cả mũi…

Quần áo, giày dép cũng được bày ra, treo lên, đủ các loại, đủ sắc màu, người hỏi, người mời, kẻ bán người mua, tiếng mặc cả, tiếng cười vui cứ rộn rã dọc theo các dẫy quầy quần áo, sang đến cả khu bán đồ sống, đồ tươi như chỗ bán rươi, bán cá, gà, vịt ngan ngỗng…

Chợ cứ ngày một đông thêm, đi lại là phải rẽ người ra mà đi. Âm thanh cũng ồn ã, sống động hơn khi có mấy quầy quay sổ xố, vui chơi có thưởng nổi lên. Cái vòng quay xanh đỏ có tấm gỗ như cái cối xay, quay tròn, khi cái kim nhọn dừng lại, chỉ vào ô nào thì ô đó trúng thưởng. Phần thưởng là phích nước, chậu nhôm, lọ hoa, pháo… nhiều thứ lắm. Người chơi, người xem cứ chen vai thích cánh, ầm ầm, ồ ồ mỗi khi vòng quay dừng lại.

Số tiền mẹ cho đi chợ cứ nóng giẫy lên trong túi, bao nhiêu thứ muốn mua, bao nhiêu thứ cái miệng muốn mua ăn. Cái đầu thì muốn dẫn cái chân đến cửa hàng phía ngoài chợ có đề hiệu sách nhân dân. Ở đấy có nhiều truyện, nhiều sách thỏa sức mà chọn cho cái sự ham đọc của tôi.

Thật là một cuộc đấu tranh nội bộ của tư tưởng. Thế rồi tôi nuốt nước bọt, bước vào hiệu sách mua mất gần hết số tiền mẹ cho. Rồi chạy ra khoe chị với suy nghĩ rằng sách còn đọc được mãi, mấy thứ kia chỉ ăn cái hết luôn.

May sao chị tôi cũng bán hết được xe rau, hai chị em vui vẻ dẫn nhau ra quầy bánh rán. Trời cũng ngả trưa, chiếc bánh rán sao mà thơm béo và ngọt đến thế, nhất là phần nhân đỗ xanh vàng tơi ngọt lịm. Ăn xong làm cốc nước trắng thôi mà tỉnh hết cả người.

Ấy thế mà đã ba chục năm trôi qua rồi… Chợ Tết bây giờ liệu còn có chút gì giống chợ Tết ngày xưa?

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email [email protected].

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Từ khóa

  • CẢM XÚC XUÂN

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.