CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRONG BÀI THI THPTQG

Để giải đáp những băn khoăn đó, các em có thể tham khảo cách làm bài như sau:

I. Khái niệm nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc làm sáng tỏ cái đúng – sai, tốt – xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào trong đời sống.

II. Phân loại

Thông thường sẽ có hai loại chính: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện tượng xã hội. Ngoài ra còn có nghị luận về một vấn đề xã hội rút ra trong tác phẩm văn học.

III. Các thao tác lập luận

Trong đoạn văn nghị luận 200 chữ thường sử dụng các thao tác lập luận sau:

– Thao tác lập luận giải thích.

– Thao tác lập luận phân tích.

– Thao tác lập luận chứng minh.

– Thao tác lập luận bình luận.

– Thao tác lập luận so sánh.

– Thao tác lập luận bác bỏ.

IV. Cách làm bài

1. Phân loại d ạng đề nghị luận : Có thể chia làm ba dạng

– Dạng 1: Nghị luận về một câu nói, ý kiến,tư tưởng trong phần ngữ liệu đọc hiểu  Đọc hiểu tích hợp nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

– Dạng 2:  Nghị luận về một hiện tượng đời sống  được đề cập đến trong phần đọc hiểu Đọc hiểu tích hợp về một hiện tượng đời sống, xã hội.

– Dạng 3: Nghị luận về một thông điệp, ý nghĩa rút ra, gợi ra trong phần đọc hiểu Đọc hiểu tích hợp nghị luận về một thông điệp, ý nghĩa gợi ra từ phần đọc hiểu.

2. Cách nhận biết các dạng đề

Nhận biết các dạng, kiểu đề để từ đó biết cách triển khai vấn đề, lập dàn ý sao cho phù hợp.

– Dạng 1: Là một câu nói, y kiến, tư tưởng giống như một câu danh ngôn hoặc một câu nói, ý kiến, tư tưởng có nội dung giống với nội dung trong ngữ liệu phần Đọc hiểu.

– Dạng 2: Thường đề phần nghị luận xã hội sẽ có các từ khóa như: hôm nay, hiện nay, ở Việt Nam,…

– Dạng 3: Đề yêu cầu rút ra thông điệp, ý nghĩa trong ngữ liệu phần đọc hiểu  (thường là đoạn thơ, bài thơ hoặc đoạn trích, đoạn văn, bài văn).

3. Cách làm dạng đề cụ thể

a. Dạng 1: Đọc hiểu tích hợp nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

    Các ý triển khai:

* Giải thích: Từ ngữ, ý kiến.

* Phân tích, chứng minh

 – Tại sao ý lại như vậy?

 – Dẫn chứng làm rõ.

* Bình luận

– Bàn luận mở rộng, lật ngược vấn đề nghị luận.

– Vấn đề đó đang diễn ra trong xã hội như thế nào?

* Bài học và liên hệ bản thân

– Từ đó, rút ra bài học cho bản thân và mọi người.

– Hành động thực tế.

– Kết thúc vấn đề bằng câu thơ, châm ngôn, khẩu hiệu, danh ngôn tạo ấn tượng.

Ví dụ:

Đề bài: Viết đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần đọc hiểu: “Cách tốt nhất thích ứng với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình”.

Hướng dẫn viết:

1. Hình thức: Đúng yêu cầu của một đoạn văn. Đủ số từ quy định; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng làm sáng tỏ cho chủ đề.

2. Nội dung: Làm sáng tỏ các nội dung sau:

* Giải thích:

– Thực tế là gì? Thực tế là trạng thái của những điều thực sự tồn tại – hiện thực.

– “Chấp nhận thực tế”: là biết chấp nhận hiện thực, chấp nhận tình trạng hiện tại và sống hòa hợp với nó; “tin vào chính mình” là tin tưởng khả năng, sự lựa chọn của bản thân.

*  Phân tích, chứng minh

– Vì cuộc sống luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ không thể biết trước, không ngoại trừ những điều không như mong muốn có thể xảy đến với chúng ta. Như khi không thể v ượt qua những khó khăn, nghịch cảnh, khả năng của bản thân có giới hạn, … thì nên chấp nhận hiện tại, sống hòa hợp với nó. Tại sao vậy? Vì khi ta chấp nhận hiện tại ta sẽ cảm thấy dễ chịu, đầu óc cũng đủ tỉnh táo để tìm ra giải pháp tốt nhất.

– Và hãy “tin vào chính mình”, tin vào nghị lực, tài năng, lòng can đảm, sức mạnh và sự tự tin đều tiềm ẩn bên trong con người và sẽ có đủ khả năng vượt qua những khó khăn ấy. Đó là cách tốt nhất để vực lại chính mình.

*  Bình luận

– Nếu không “chấp nhận hiện thực và tin vào chính mình” thì sau những vấp ngã, lỗi lầm ta sẽ dễ trách móc bản thân, như “ giá như…”, “ nếu biết trước thì…”.  Những việc làm ấy không những vô nghĩa, mà ngược lại còn khiến cho ta dễ rơi vào tuyệt vọng, căng thẳng, giày vò bản thân. Không chỉ vậy, không biết “ chấp nhận hiện thực” còn tạo nên lối sống thiếu thực tế, tạo thói quen đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, thiếu trách nhiệm với hành động, lời nói của bản thân.

– Và cũng cần hiểu chấp nhận thực tế không phải là buông xuôi.

*  Bài học và liên hệ bản thân

– Vì vậy, hãy biết “chấp nhận thực tế và tin vào chính mình” để mình luôn vui vẻ, hạnh phúc và trưởng thành.

b. Dạng 2: Đọc hiểu nghị luận tích hợp về một hiện tượng xã hội.

   Dạng  đề về hiện tượng tiêu cực: Các ý triển khai:

* Giải thích (nếu có)

* Thực trạng: Vấn đề đó đang diễn ra như thế nào?

* Nguyên nhân do đâu và hậu quả để lại?

* Giải pháp thiết thực và bài học

* Liên hệ bản thân.

   Dạng  đề về hiện tượng tích cực: Các ý triển khai:

* Giải thích (nếu có)

* Phân tích, chứng minh

* Bình luận

* Bài học và liên hệ bản thân.

Ví dụ:

Đề bài: Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu, anh/chị  hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.

Hướng dẫn

1. Hình thức: Đúng yêu cầu của một đoạn văn. Đủ số từ quy định; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng làm sáng tỏ cho chủ đề.

2. Nội dung: Làm sáng tỏ các nội dung sau:

* Giải thích

– Thực phẩm bẩn là những thực phẩm có chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.

* Thực trạng

– Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày: thịt có chất tạo nạc, ra có thuốc trừ sâu; làm đỏ ruốc bằng hóa chất… Tuy là vấn đề không còn mới mẻ, lạ lẫm với bất cứ người nào nhưng ngày càng ở mức độ báo động cao, gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe  cho con người.

* Nguyên nhân và hậu quả

– Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số doanh nghiệp, nhà sản xuất quá quan tâm đến lợi nhuận, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Người tiêu dùng thiếu hiểu biết, ham của rẻ mà tạo cơ hội cho thực phẩm bẩn tràn lan. Một phần do các cơ quan có thẩm quyền quản lí thực phẩm còn lỏng lẻo.

– Hậu quả là sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng trực tiếp bị đe dọa khi sử dụng thực phẩm bẩn hàng ngày. Gây tâm lí hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn cho xã hội.

* Giải pháp

– Cần có những biện pháp khắc phục vấn nạn thực phẩm bẩn: nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng, hướng người tiêu dùng đến với thực phẩm sạch. Cần đưa ra những  biện pháp xử lí mạnh, nghiêm minh đối với những cơ sở, người sản xuất thực phẩm bẩn.

* Bài học và liên hệ với bản thân

– Tuy nhiên, giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn không phải một sớm một chiều mà rất cần sự chung tay góp sức từ mỗi người. Mỗi người hãy tự học cách trở thành người tiêu dùng khôn ngoan để bảo vệ bản thân. Và có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.

c. Dạng 3: Đọc hiểu tích hợp nghị luận về thông điệp, ý nghĩa rút ra, gợi ra trong phần đọc hiểu

   Các ý triển khai:

* Nêu vấn đề, tóm tắt  nội dung câu chuyện

* Giải thích, phân tích, chứng minh

* Bình luận

* Bài học và liên hệ bản thân.

Ví dụ:

Đề bài:  

“Trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi, người mẹ xách giỏ vào bếp. Đón chị là đứa con trai đang háo hức mách mẹ những gì mà em nó đã làm: “Mẹ ơi,lúc bố đang gọi điện thoại, con đang chơi ngoài sân thì em lấy bút chì màu viết lên tường, chỗ mới sơn trong phòng ấy. Con đã nói nhưng em không nghe”. Người mẹ rên rỉ: “Trời ơi!”,buông giỏ và bước qua phòng, nơi cậu con trai út đang trốn. Đứa bé run lên vì sợ. Trong khoảng mười phút, người mẹ giáo huấn con về công sức, tiền bạc và khoản chi phí vì trò chơi không đúng chỗ của con. Càng la mắng, chị càng giận và lao đến chỗ thằng bé đang sợ sệt lấy thân mình che tác phẩm của nó. Khi nhìn thấy dòng chữ “Con yêu mẹ” được viết nắn nót trên tường, viền bằng một trái tim nguệch ngoạc nhưng rất ngộ nghĩnh, dễ thương, đôi mắt người mẹ nhòa đi”.
                     ( Theo “Hạt giống tâm hồn”-NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh,2011,tr.42-43)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩa của bản thân về ý nghĩa của câu chuyện được gợi ra trong phần đọc hiểu.

Hướng dẫn

1. Hình thức: Đúng yêu cầu của một đoạn văn. Đủ số từ quy định; diễn đạt mạch lạc, rõ ràng làm sáng tỏ cho chủ đề.

2. Nội dung: Làm sáng tỏ các nội dung sau:

* Tóm tắt và nêu vấn đề

– Trong câu chuyện, vì người mẹ vội vã, thiếu toàn diện khi nhìn nhận một vấn đề mà dẫn đến la mắng, trách nhầm con mình.

– Từ câu chuyện rút ra thông điệp ý nghĩa: Khi nhìn nhận, đánh giá một vấn đề nào đó cũng cần cẩn thận, toàn diện và khách quan để không gây ra những hậu việc đáng tiếc

* Phân tích, chứng minh

– Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là đối với con trẻ. Cậu con út trong câu chuyện, đơn giản chỉ muốn thể hiện tình cảm của mình dành cho mẹ, mong làm mẹ vui. Nhưng cậu còn quá nhỏ để nhận thức được: Tình cảm chân thành cũng cẩn thể hiện đúng lúc, đúng chỗ.

– Về phần người mẹ, bà đã quá vội vàng kết luận khi chưa nhìn ra mọi mặt vấn đề đã giận dữ và dạy cho con mình một bài học. Kết quả, khi vỡ lẽ, bà đã hối hận vì hành động của mình.

* Bình luận

– Dù cuộc sống vội vã, có quá nhiều thứ để lo toan nhưng cha mẹ nên chăng cũng cần dành nhiều thời gian quan tâm và để hiểu hơn về con cái.

– Khi đánh giá, nhận xét một vấn đề nào đó cần cẩn thận tìm hiểu mọi mặt rồi đưa ra kết luận.

– Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhất là đối với con trẻ. Vậy nên, chúng ta cũng cần có cái nhìn cảm thông thay vì vội vàng giận dữ, truy cứu đến cùng.

Nguyễn Thu Lý – Tổ Văn