CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Khi thành lập doanh nghiệp, bạn bắt buộc phải hiểu rõ về loại hình doanh nghiệp mà mình sẽ thành lập. Việc lựa chọn nào hình doanh nghiệp nào phụ thuộc vào: Mục tiêu kinh doanh, tiềm lực tài chính, số lượng thành viên sáng lập,… Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, hiện nay tại Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp chủ yếu sau: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.

1. Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Về quản lý doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

* Ưu điểm: Với mô hình gọn nhẹ và dề quản lý. Tài sản của chủ doanh nghiệp không phải chuyển giao quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

* Nhược điểm: Doanh nghiệp không được huy động vốn từ bên ngoài do không được phát hành chứng khoán.

2. Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

– Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Cũng giống như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Nhưng có điểm khác ở chỗ, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty hợp danh bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

Thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung công ty, có quyền nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty. Bên cạnh đó, một trong những nghĩa vụ quan trọng của thành viên hợp danh đó là liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty.

Thành viên góp vốn được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp.

* Ưu điểm: Đối với công ty hợp danh thì số lượng thành viên ít nên dễ dàng trong việc quản lý.

* Nhược điểm: Các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm bằng  toàn bộ tài sản của mình.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:

– Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;

– Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không được quyền phát hành cổ phần.

Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

* Ưu điểm: Các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn mình đã góp vào công ty. Có thể kiểm soát được việc phát sinh thêm thành viên mới vì theo quy định khi thành viên muốn chuyển nhượng vốn góp phải chào bán cho các thành viên hiện hữu trước tiên (tức được quyền ưu tiên mua).

* Nhược điểm: Công ty không được huy động vốn từ bên ngoài do không được phát hành cổ phần.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Cũng tương tự như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cũng có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không được quyền phát hành cổ phần.

Về cơ cấu tổ chức quản lý công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

– Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

– Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

* Ưu điểm: do cơ cấu do 1 tổ chức hay cá nhân là chủ sở hữu nên có quyền tự quyết về hoạt động kinh doanh và cơ cấu của công ty cũng dễ dàng kiểm soát và quản lý.

* Nhược điểm: Công ty không được huy động vốn từ bên ngoài do không được phát hành cổ phần.

5. Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác

 

Giống với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng có một điểm đặc biệt hơn là được phép huy động vồn ngoài công ty do được phát hành cổ phần.

Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc/ Tổng giám đốc công ty, Ban kiểm soát.

* Ưu điểm: Ưu điểm của loại hình công ty cổ phần chính nằm ở cơ cấu về vốn được linh hoạt và khả năng huy động vốn cao; số lượng thành viên lớn.

 * Nhược điểm: Nhược điểm của loại hình công ty cổ phần là khi không giới hạn số lượng cổ đông tham gia vào công ty sẽ dẫn tới khó khăn trong việc quản lý và điều hành rất dễ dẫn đến các vấn đề phát sinh giữa các cổ đông.

* Bảng so sánh sơ lược các loại hình doanh nghiệp:

TIÊU CHÍ SO SÁNH

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

CÔNG TY TNHH

CÔNG TY HỢP DANH

CÔNG TY CỔ PHẦN

Bản chất

Doanh nghiệp 1 chủ

Công ty đối nhân

Công ty đối nhân

Công ty đối vốn

Thành viên

Là 1 cá nhân

Có thể là cá nhân hoặc tổ chức

Cá nhân, tổ chức

Cá nhân, tổ chức

Số lượng thành viên

01

Tối đa 50

Ít nhất là 2 người

Không bị giới hạn

Ít nhất là 3

Không bị giới hạn

Tư cách pháp nhân

Không

Giới hạn trách nhiệm

Vô hạn

Hữu hạn

Vô hạn với thành viên hợp danh, Hữu hạn với thành viên góp vốn

Hữu hạn

Cơ cấu tổ chức

Đơn giản

Không phức tạp

Không phức tạp

Phức tạp

Quyền phát hành chứng khoán

Không

Không

Không

Khả năng bị thâu tóm

Không thể

Khó

Rất khó

Có thể

 

________________________________________

Công ty Luật TNHH Ánh Kim với đội ngũ Luật sư và Chuyên gia pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm. Chúng tôi tự hào vì những năm qua đã mang lại sự thành công cho nhiều khách hàng trong nhiều lĩnh vực…

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật TNHH Ánh Kim chúng tôi theo:

Địa chỉ: 86 Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 035.815.1993