Buồn, vui nghề làm quạt giấy

Một tín hiệu vui cho người dân làm nghề quạt ở làng Nam là hiện nay, ngành du lịch phát triển hơn nên đầu ra cho những chiếc quạt giấy mang đậm dấu ấn nông thôn xưa cũng khả quan hơn. Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cũng được quan tâm hơn xưa. Trong mạch chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung, bà Nguyễn Thị Thu – hai thợ làm quạt giấy lành nghề của Làng Nam hồ hởi khoe, hè này hai ông bà được cán bộ Bảo tàng Nghệ An về tận nơi mời về hướng dẫn cho các em học sinh làm quạt giấy. Mục đích là giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm những làng nghề thủ công truyền thống của xứ Nghệ. “Vợ chồng tôi cũng bận rộn nhưng thấy chương trình “em làm quạt giấy truyền thống” rất có ý nghĩa. Qua đó, góp phần giáo dục các em biết trân quý và gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời mà cha ông ta để lại nên hai vợ chồng nhận lời tham gia”, bà Thu chia sẻ.

Trong chương trình trải nghiệm ngoài việc giới thiệu quy trình làm quạt giấy truyền thống, ông Trung và bà Thu còn mang theo khung nan và giấy làm quạt để các cháu nhỏ thực hành. Phần thi trang trí quạt được nhiều học sinh ưa thích vì thể hiện sự sáng tạo và năng khiếu nghệ thuật của các em. Sau khi hoàn thành các em học sinh còn có phần tự thuyết trình giới thiệu về ý tưởng trình bày của các đội, nhóm. “1 lớp trải nghiệm như vậy có khoảng 100 cháu, các cháu sáng tạo lắm, cắt giấy nhiều màu sắc hoặc vẽ hình ngôi sao, cờ tổ quốc lên quạt rất đẹp, phết hồ cũng rất nhanh và đều”, bà Thu cho hay.

Có lẽ với người làm nghề truyền thống không gì vui bằng nghề được thế hệ con cháu đón nhận, yêu thích. Như Cụ Phạm Đình Tân năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn lưu luyến với nghề quạt giấy. Cụ Tân cho biết nghề làm quạt, cứ cha truyền con nối, thế hệ sau nối tiếp, gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên. Bản thân cụ chính thức làm nghề quạt từ năm 20 tuổi đến nay tuổi đã cao nhưng thỉnh thoảng vẫn làm quạt, vừa vui, vừa giữ nghề. Cụ bảo trải qua thời gian, nghề làm quạt của làng Nam đã dần mai một bởi sự du nhập của công nghệ hiện đại nhưng điều những người như cụ mong mỏi là thế hệ sau có thể không theo nghề nhưng phải biết làm nghề cha ông để lại. Bởi vậy, gia đình có 7 người con, 13 cháu nội, ngoại, 17 đứa chắt, trong đó không có nhiều người theo nghề nhưng hầu như đều biết làm nghề. Em Nguyễn Thị Phương Mai (SN 2006) – cháu ngoại cụ Tân đang là học lớp 10 cho biết: “Em biết làm quạt từ năm lớp 5, thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, không phải đi học, em vẫn ở nhà giúp bố mẹ làm nghề. Mùa hè, em vẫn hay mang quạt tới lớp, quạt còn dùng trong các dịp lễ hay biểu diễn văn hoá, văn nghệ…”.