Buồn cười như phim zombie Việt
“Cù lao xác sống” (khởi chiếu đầu tháng 9-2022) được xem là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên khai thác đề tài zombie (xác sống). Không bị yêu cầu cắt bớt hay chỉnh sửa, phim được giữ trọn vẹn nội dung. Thế nên khi khán giả chê phim dở như một thảm họa điện ảnh, ekip sản xuất hết đường đổ lỗi cho ải kiểm duyệt như rất nhiều phim kinh dị trước đây.
Zombie là đề tài quen thuộc của điện ảnh thế giới. Xuất phát từ Mỹ và châu Âu thập niên 30 của thế kỷ trước, phim zombie đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới với hàng loạt tác phẩm bom tấn, luôn được coi là “món khoái khẩu” của thể loại kinh dị. Nhưng ở Việt Nam, đây là đề tài chưa ai dám dấn thân kể từ thất bại của bộ phim “Rừng xác sống” – đạo diễn Lê Văn Kiệt.
Năm 2014, chỉ mới nhá hàng, phim đã bị Cục Điện ảnh cấm chiếu. Chuyện phim xoay quanh vụ mất tích bí ẩn của hai người nước ngoài sau chuyến khám phá một khu rừng hoang sơ ở Việt Nam. Thời điểm đó, cơ quan kiểm duyệt khó chấp nhận những cánh rừng ở Việt Nam bị biến thành nơi rùng rợn, đầy ám ảnh với muôn vàn thây ma khát máu và giết người không ghê tay.
Cảnh trong phim “Cù lao xác sống”.
Năm 2019, trong một lần giao lưu tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thừng khuyên một bạn sinh viên từ bỏ ý định viết kịch bản phim zombie. Bởi độ bạo lực, máu me bắt buộc của dòng phim này khiến nó khó có cửa ra rạp. Vì thế nhiều năm liền, đề tài này chỉ được xuất hiện ở một số phim ngắn, trong đó nổi bật nhất là “Một ngày” (dài 15 phút) của đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức. Tham gia Tiệc phim trực tuyến YxineFF, bộ phim gây ngạc nhiên cho giám khảo bởi cách thể hiện sáng tạo, độc đáo.
Do “Rừng xác sống” không được ra rạp nên mãi đến năm nay, khi “Cù lao xác sống” vượt qua ải kiểm duyệt, nó trở thành bộ phim zombie đầu tiên trên màn bạc Việt. Khỏi phải nói giới chuyên môn lẫn công chúng nức lòng và mong ngóng như thế nào. Bởi đây được coi như “phát súng” mở đường để các dự án phim zombie “made in Việt Nam” có cơ hội ra đời, dù “cũ người” nhưng “mới ta”.
Trong ngày họp báo, nhà sản xuất Nhất Trung không giấu giếm tham vọng về việc tạo nên một “vũ trụ xác sống” từ sau bộ phim này: “Khi bắt tay làm dự án “Cù lao xác sống” với đạo diễn Nguyễn Thành Nam, tôi cũng rất đắn đo vì phim cần sự đầu tư rất lớn về mặt hóa trang và nhân sự. Tôi không muốn làm một bộ phim zombie hời hợt. Tôi muốn mọi người nhìn thấy phim Việt mình có những dự án chỉn chu, hoành tráng về đề tài thảm họa”.
Nhưng chưa kịp vui mừng khi phim Việt có bước dấn thân với đề tài mới thì khán giả đã thất vọng ê chề. Nhiều người ví “Cù lao xác sống” không khác gì nồi lẩu thập cẩm khó nuốt: vừa kinh dị, vừa hài, vừa mùi mẫn… “Cù lao xác sống” kể về thầy thuốc Công (Huỳnh Đông đóng) dẫn người cha già và con gái nhỏ chạy trốn khỏi bầy xác sống đang điên cuồng tấn công người trên một cù lao miền Tây. Nếu không may bị zombie cắn, những người bình thường cũng hóa thành thây ma. Trên hành trình đấu tranh sinh tồn, gia đình anh được những người xa lạ tận tình giúp đỡ. Từ đây, phim nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn về tình làng nghĩa xóm, tình vợ chồng, ruột thịt…
Ý tưởng có vẻ tốt và bầy zombie đậm chất miền Tây ít nhiều khá lạ lẫm so với phim nước ngoài cùng dòng. Nhưng tất tật những điều đó không cứu nổi bộ phim quá dở. Phim dính vô số “hạt sạn” do kịch bản lỏng lẻo, lan man, phi lý. Người dân miền Tây hồn hậu bỗng nhiên biến thành zombie mà không hề có một nguyên nhân cụ thể nào. Nội dung phim chỉ hé lộ chung chung: “Nghe đâu ở thượng nguồn Mê Kông”. Rất nhiều nhân vật xuất hiện nhưng không ai được khai thác đến nơi đến chốn mà chỉ làm loãng cốt truyện. Ngay cả vai diễn của Huỳnh Đông – nhân vật chính – cũng quá ít đất diễn. Hài hước hơn nữa, bị zombie tấn công nhưng các nhân vật trong phim vẫn bình thản, vui đùa đến mức vô lý. Thậm chí có người còn mở radio, ca vọng cổ cho lũ thây ma nghe…
Ai từng là fan của phim zombie nước ngoài, hẳn không khỏi kêu trời trước tạo hình của zombie “made in Việt Nam”. Hóa trang thây ma vô cùng sơ sài. Nhìn họ không khác gì con zombie ngớ ngẩn, ngốc nghếch, đi đứng với tốc độ rùa bò. Mỗi lần bầy thây ma xuất hiện, thay vì sợ hãi, khán giả lại ôm bụng cười bò vì bộ dạng uể oải, phản ứng ngu ngốc của chúng. Chỉ cần dùng tay không cũng dễ dàng hạ được.
Và như chưa đủ đô, biên kịch còn chèn vô mấy đoạn siêu phi lý như: người thường ngồi trên nóc nhà hỏi bọn zombie ăn sáng chưa hoặc lấy nhãn ném không cho zombie ngủ (?). Không khí kinh dị mà phim cố công gây dựng ở 10 phút đầu tan thành mây khói bởi những mảng hài lố của hai nhân vật đồng tính do Xuân Nghị, La Thành thủ vai. Ra khỏi rạp, nhiều người ngao ngán không hiểu đây là phim kinh dị hay phim hài?
Tạo hình của bầy zombie trong “Cù lao xác sống” cẩu thả và ngớ ngẩn đến mức buồn cười.
Một đạo diễn quốc tế nổi tiếng từng nói rằng: “Với dòng phim zombie, việc xử lý tạo hình thây ma và các câu chuyện xung quanh tuyến nhân vật chính diện phải là ưu tiên hàng đầu. Là những xác sống vô hồn, ngoại hình của chúng cần phải gây được ấn tượng thị giác mạnh mẽ để bù đắp khoảng trống trong việc khai thác tâm lý phản diện. Ngược lại, chiều sâu tâm lý và mối quan hệ vây quanh tuyến nhân vật chính cần phải được khai thác khéo léo, lồng ghép những triết lý nhân văn phù hợp”. Tiếc thay “Cù lao xác sống” đều không làm được cả hai điều trên.
Lâu nay, phim kinh dị Việt nào mà bị chê tơi bời, thể nào nhà sản xuất lẫn đạo diễn cũng hét toáng lên: phim tôi vốn hay, do bên kiểm duyệt cắt bớt hoặc bắt sửa chữa nên mới thảm như thế. Quả vậy, để qua ải kiểm duyệt, nhiều bộ phim kinh dị buộc phải thêm thắt để giải thích các hiện tượng vô hình, ma quái. Có phim biến tất cả thành giấc mơ, hoặc do con người đứng sau gây nên. Thành ra phim bị kiểu đầu voi đuôi chuột với cách giải quyết vấn đề khiên cưỡng. “Đoạt hồn”, “Cô hầu gái”… đều bị đi theo lối mòn này. Số phim bị cắt khiến nội dung rối rắm, chắp vá thì có thể kể đến “Thất sơn tâm linh”, “Ngủ với hồn ma”, “Ám ảnh”…
Nhưng theo đạo diễn Charlie Nguyễn, phim hay hoặc dở đều phụ thuộc vào tài năng nhà làm phim chứ đừng lấy lưỡi kéo kiểm duyệt ra làm nơi đổ tội. “Hành lang kiểm duyệt là thử thách thú vị mà tôi không hề khó chịu. Ngược lại, tôi nhận thấy kiểm duyệt buộc đạo diễn lẫn biên kịch phải động não, tìm tòi hơn để vượt qua cửa ải đó. Chúng ta không nên tư duy theo kiểu: Kiểm duyệt làm hỏng tác phẩm của mình. Nếu như bít cửa này, chúng ta sẽ tìm cửa khác. Cái nào không được phép truyền tải thì mình buộc phải sáng tạo, suy nghĩ để vẫn diễn đạt được điều đó mà không vấp phải vùng cấm. Thông thường, nhờ kiểm duyệt mà bộ phim của tôi hay hơn, sáng tạo hơn” – anh chia sẻ.
Từ năm 2015, việc dán nhãn giới hạn độ tuổi cho phim khiến thể loại kinh dị dễ thở hơn rất nhiều. Nhiều dự án phim kinh đị nối đuôi nhau ra rạp. Nội trong năm 2022, đã có hàng loạt tác phẩm kinh dị ra mắt (như “Chuyện ma gần nhà”, “Rừng thế mạng”, “Vô diện sát nhân”, “Người lắng nghe: Lời thì thầm”…) và còn xếp hàng ra rạp sắp tới là “Ma Đói: Mật Mã 45” của Lương Đình Dũng, “Mười” – phần hai, “Đảo độc đắc”… Dù còn non kém, nhưng phải thừa nhận rằng phim kinh dị Việt vẫn hút khán giả bởi số lượng quá khiêm tốn.
Điều này thể hiện rõ nhất ở “Cù lao xác sống”. Bị “ném đá” và chê bai thậm tệ nhưng tác phẩm này vẫn nghiễm nhiên cán mốc 11 tỷ chỉ vỏn vẹn sau một tuần công chiếu. Rõ ràng, thể loại kinh dị nói chung và dòng zombie nói riêng đang có sức hấp dẫn, gây tò mò cho khán giả nước nhà dù chất lượng kém. Nhưng trong tương lai, khi các dự án phim cạnh tranh khốc liệt, những bộ phim tệ hại đương nhiên sẽ không thể “một mình một cõi”.
Biết rằng cái gì mới cũng sẽ không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng khán giả không thể chấp nhận một bộ phim zombie cẩu thả, hời hợt. Nhất là trong bối cảnh việc kiểm duyệt đã rất cởi mở, tạo điều kiện cho nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Nếu đạo diễn Nguyễn Thành Nam muốn “vũ trụ xác sống” của anh tồn tại và phát triển thành công, các dự án tiếp theo phải khắc phục được những điểm trừ tai hại trong “Cù lao xác sống”. Đừng để khán giả xem phim kinh dị mà lại ôm bụng cười bò.