Bông điên điển có tác dụng gì và nấu món gì ngon?
Hàng năm, miền Tây Nam Bộ đều có một mùa nước nổi. Thứ gắn liền với mùa nước nổi không chỉ là tôm, cá, cua… mà còn là những vạt bông điên điển vàng tươi.
Nhắc đến bông điên điển là phải kể đến những món đặc sản như bánh xèo bông điên điển, canh chua bông điên điển cá linh và các món lẩu, bún, gỏi, xào… Mỗi món có một nét ngon riêng.
Ăn bông điên điển có tác dụng gì, ăn nhiều có tốt không?
Theo kinh nghiệm dân gian, bông điên điển nếu đem xào lên sẽ có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu và giúp ăn uống ngon miệng.
Ngược lại, nếu ăn sống thì chỉ nên ăn vừa đủ, nếu ăn nhiều quá sẽ bị táo bón.
Vì vậy, bà con Tây Nam Bộ thường hái bông điên điển về để xào, làm gỏi, nấu canh…
Ở một số nơi, người ta còn dùng bông điên điển hãm với nước sôi để uống như trà (giúp chống oxy hóa).
Lưu ý: Theo kinh nghiệm dân gian, nếu ăn quá nhiều bông điên điển thì sẽ bị nóng trong người.
Các món ăn ngon, bài thuốc quý từ bông điên điển
Bông điên điển còn có mặt trong nhiều món ăn làm thuốc như:
1. Giúp bổ tim
Hái 100 g bông điên điển, lặt bỏ cuống, rửa sạch rồi cho thêm chút đường phèn, đem hấp cho chín rồi ăn cái và uống nước (dùng thường xuyên).
2. Bồi bổ cho người bị tiểu đường, suy nhược, nổi mụn nhọt, táo bón
Hái 100 g bông điên điển, khuấy đều với 2 cái trứng vịt và gia vị (hành, ngò, bột ngọt, muối, tiêu, dầu ăn, nước mắm…) rồi kho lên và ăn trong bữa cơm.
3. Giúp dưỡng huyết, nhuận tràng, hợp với người kém ăn, mất ngủ
Cách dùng rất hấp dẫn, đó là bạn hãy làm bánh xèo bông điên điển với thành phần theo tỉ lệ sau: 150 g bông điên điển, 1 bịt bột bánh xèo và 200 g tôm đất tươi. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị thêm các loại rau sống và gia vị để làm nước chấm bánh xèo (như rau xà lách, rau húng quế, rau muống, muối, đường, nước mắm…).
4. Giúp an thần, nhuận tràng, cải thiện táo bón
Lấy 200 – 300 g bông điên điển rửa sạch. Sau đó, nạo 1 trái dừa khô (vừa khô tới, cơm dừa còn tương đối mềm) và trộn cùng bông điên điển, sau đó cho thêm nước tương, đem chưng cho chín và đổ ra dĩa, thưởng thức với cơm.
5. Giúp an thần, nhuận tràng, bổ dưỡng cơ thể cho người bị suy nhược, tiểu đường, cao huyết áp
Lấy bông điên điển nấu canh cùng cá rô đồng, cà chua bi, giá đậu và các loại rau, gia vị như: rau húng quế, ngò gai, me, ớt, muối, đường, bột ngọt, tiêu….
Lưu ý: Nấu chín cá rồi mới cho bông điên điển và các loại rau, gia vị vào; khi thấy bông điên điển vừa chín tới thì tắt bếp.
Các công dụng khác của cây điên điển
Ngoài hoa thì mủ cây điên điển còn được biết đến với tác dụng điều trị giời leo (giời ăn).
Để điều trị thì vào buổi sáng (lúc này mủ điên điển chảy nhiều nhất), bạn bẻ một đọt điên điển, đợi cho mủ chảy ra thì chấm gọn lên những chỗ bị giời leo. Sau khi chấm, bạn sẽ thấy hơi rát nhưng sau đó sẽ hết và chỗ ấy dần dần khô quệt lại.
Vào buổi chiều, bạn tiếp tục chấm thêm một lần nữa và ngày nào cũng vậy. Thường thì chỉ sau 2 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Ngoài mủ điên điển thì bạn cũng có thể nhai nát hạt đậu xanh rồi thoa lên. Cách này cũng rất hay.
Lưu ý
- Lá điên điển có chứa các hoạt chất có tác dụng diệt tinh trùng, tẩy xổ, làm tan máu và ngừa thai.
- Hạt điên điển có chứa các hoạt chất diệt tinh trùng và nếu dùng hạt tươi thì sẽ bị ngộ độc.
- Nhìn chung, lá, rễ và hạt điên điển cũng có công dụng làm thuốc nhưng không nổi trội (vì nó có các tác dụng phụ với độc tính nhất định nên ít được dùng).
Cây điên điển có tên khoa học là gì?
Cây điên điển có tên khoa học là Sesbania sesban.
Thường thì cây điên điển mọc hoang trên ruộng hoặc ven sông, ven ao hồ… và ra hoa rất nhiều vào mùa nước nổi.
Tư liệu tham khảo
- Điên điển (điền thanh) làm thuốc và những điều cần lưu ý, https://caythuoc.org/cong-dung-cua-cay-dien-dien.html
- Những món ngon, thuốc quý từ bông điên điển, https://suckhoedoisong.vn/nhung-mon-ngon-thuoc-quy-tu-bong-dien-dien-169120203.htm
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
Xem thêm: Hoa nhài có tác dụng gì?