Bốn năm đằng đẵng mong con của đôi vợ chồng hiếm muộn – VnExpress
Bốn năm sau ngày cưới, tổ ấm nhỏ của vợ chồng chị Hoa mới rộn ràng tiếng nói cười con trẻ nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Mong con nhiều năm, chạy chữa đông Tây y đủ cả nhưng không có kết quả, lại phải chịu nhiều điều tiếng “gái độc không con”, chị Hoa (33 tuổi, Thanh Hóa) cảm thấy áp lực bủa vây. Năm 2017, chị mổ khối u vú lành tính, tiện thuyết phục chồng cùng đi khám hiếm muộn. Bác sĩ phát hiện anh Tuấn tinh trùng yếu, tỷ lệ tinh trùng di động 1%, chỉ làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới có cơ hội có con.
“Lúc ấy kinh tế hai vợ chồng chưa vững vàng, không đủ để làm IVF nên đành trở về”, chị kể.
Vợ chồng chị tính cố gắng làm ăn, khi nào tích góp đủ tiền sẽ lên Hà Nội tìm bệnh viện tốt làm IVF. Một lần, Hoa được người thân giới thiệu đến bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám vì “có nhiều chuyên gia giỏi về lĩnh vực hiếm muộn, lại có chương trình trả góp không lãi suất” nên dù chưa tiết kiệm được bao, vợ chồng chị sốt ruột có con nên vẫn đi khám ngay.
Bác sĩ chẩn đoán chị Hoa buồng trứng đa nang, vòi tử cung trái tắc; tĩnh mạch thừng tinh trái của anh Tuấn có nhiều quai giãn, quai lớn nhất khẩu kính xấp xỉ 2,2 mm là nguyên nhân khiến họ khó có con.
Bé trai tên thân mật là Đậu Đậu là kết quả của hành trình tìm con nhiều nước mắt của vợ chồng chị Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bác sĩ Cao Tuấn Anh – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn nội tiết tố, thường gặp ở 2,2 – 26,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 44 tuổi). Bệnh gây nhiều tác động lên buồng trứng, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng. Hội chứng này không chỉ giảm khả năng sinh sản nữ mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư nội mạc tử cung…
Theo bác sĩ Tuấn Anh, tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản do chức năng tinh hoàn bị suy giảm. Đây là tình trạng giãn của đám rối các tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh, nằm phía trên tinh hoàn; xảy ra ở khoảng 40% nam giới vô sinh.
Sau khi hội chẩn chuyên khoa, nhận thấy tình trạng của hai vợ chồng đều khó có con tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo IUI, bác sĩ chỉ định anh chị làm IVF. Cuối tháng 11/2018, họ thu được 6 phôi ngày 2 và 3 phôi ngày 3. Quá trình kích trứng Hoa bị quá kích buồng trứng nên phải trì hoãn việc chuyển phôi tới đầu năm 2019.
Tháng 3/2019, Hoa chuyển phôi lần đầu và đậu thai. “Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy que thử thai 2 vạch, tôi sung sướng khôn tả. Ngày nào tôi cũng thử que cho tới khi làm xét nghiệm beta. Cảm nhận từng điều khác lạ đang thay đổi trong cơ thể khi ốm nghén, tôi thấy có con thật kỳ diệu”, chị tâm sự.
Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, thai 6 tuần tuổi bị bong màng nuôi, Hoa phải nhập viện gần nhà điều trị. Khi thai được 10 tuần, bác sĩ phát hiện thai bị phù do mắc hội chứng Hygroma kystique sau gáy – một dạng bất thường hệ bạch huyết, gây ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Hiếu – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định, nang bạch huyết lớn có thể chèn ép hoặc lấn vào các cơ quan lân cận, gây khó thở, khó nuốt. Đôi khi nang có thể bị vỡ, gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Một số trường hợp bệnh kèm theo tim bẩm sinh và có liên quan tới bất thường nhiễm sắc thể. Trường hợp của chị Hoa có phù thai, thai nhi có nguy cơ tử vong ở tuổi thai sớm. Sau khi xem xét, đánh giá những rủi ro, bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên đình chỉ thai càng sớm càng tốt, tránh việc để thai quá to có thể ảnh hưởng đến việc mang thai sau này.
“Tôi thực sự sụp đổ nên khóc suốt quãng đường dài từ Hà Nội về Thanh Hóa. Tôi còn dự định sẽ đặt tên con là Tâm Anh vì nơi đây đã đưa con đến với gia đình. Chúng tôi mong con đằng đẵng, cố gắng biết bao nhiêu mà giờ phải bỏ con…”, chị Hoa kể.
Hạnh phúc nhân đôi
Hoa mất một khoảng thời gian dài để ổn định tinh thần và sức khỏe. Đầu năm 2020, anh chị trở lại Tâm Anh chuyển phôi lần hai. May mắn, Hoa đậu thai. Rủi ro từ lần mang thai đầu khiến chị luôn lo lắng. Lần siêu âm nào Hoa cũng ám ảnh, bác sĩ khám lâu hơn một chút, chị cũng lo không biết thai xảy ra vấn đề gì.
Mang thai lần hai chị bị nghén nặng. Hoa kể trước lúc chuyển phôi chị nặng 49 kg nhưng sau 4 tháng mang thai sút còn 44 kg. May thay thai nhi phát triển khỏe mạnh. Đến tuần 38, bác sĩ siêu âm phát hiện chị bị đa ối nên chỉ định mổ lấy thai sớm. Ngày 6/11/2020, bé trai nặng 3,9 kg kháu khỉnh chào đời khiến vợ chồng chị vỡ òa hạnh phúc.
Hoa cười: “Nhiều khi ôm con trên tay mà tôi vẫn nghĩ không ngờ có một ngày được ôm con của chính mình, do mình mang nặng đẻ đau”.
Con trai Đậu Đậu của vợ chồng chị Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dự tính trở lại Tâm Anh chuyển phôi lần 3 vào năm 2024 để sinh con thứ hai, song bất ngờ chị mang thai tự nhiên và sinh một bé gái sau đúng 2 năm đón con trai đầu lòng. Niềm hạnh phúc trong căn nhà nhỏ giờ đã được nhân đôi.
Hoa tâm sự, từ lần đầu đến với Tâm Anh, vợ chồng chị đã đồng lòng theo bệnh viện và bác sĩ đến cùng. Cũng vì niềm tin ấy và sự ân cần, nhiệt tình, cảm thông của các y bác sĩ mà anh chị có được thành công. “Quá trình làm IVF ở đây không chỉ giúp tôi biến ước mơ thành hiện thực mà còn mang tới tôi nhiều người bạn. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn còn khó khăn hơn chúng tôi nhưng họ luôn kiên trì nên đã hái được trái ngọt như chúng tôi”, Hoa chia sẻ.
Trịnh Mai