Bốn bài thơ bất hủ về hoa Mai

(Cadn.com.vn) – Mai là giống hoa đặc trưng ngày Tết của phương Nam. Xuân đến, nhà nào cũng có một cành mai bày trong phòng khách. Hoa mai dân dã nhưng thiêng liêng nên dường như nhiều nhà thơ phương Nam có thơ xưng tụng hoa mai. Tết Huế, mai nở vàng trong vườn nhà, vườn chùa. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngày còn ở Huế, ngày Xuân nọ đi ra phố thấy các sư đang bán cành mai Tết, lòng xao xuyến: Huế đẹp đã đành xa xôi lắm, / bỗng gặp mai vàng nở chòng vai / có ông sư trẻ chừng muốn bán / hoa Tết vườn chùa một nhành mai. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ở Quy Nhơn lên thăm di tích thành Đồ Bàn (Chăm) đã bồi hồi trước phố cũ hoa vàng: Ai lên phố cũ hoa vàng / cung thành xe ngựa dặm đàng dư ba… Nhà thơ thầy giáo Mai Văn Hoan (Trường Quốc học) tuần sau Tết nọ, đi ngang qua một vườn nhà, thấy một cành mai dường như đã khô ai đem vứt dưới cây trứng gà, tê lạnh khẳng khiu trong rét tháng Giêng. Nhà thơ vội lấy những tờ bản thảo thơ trên tay bọc nhành mai mang về cắm vào lọ hoa trên bàn viết, tưới cho mai nước ấm. Mấy ngày sau nhành mai tươi lại, những búp mai vàng lại nhú. Và thi sĩ đã làm thơ về những bông mai hồi sinh ấy. Một lần khác thấy cây mai nhà chưa Tết đã nở, nhà thơ lo âu, thổn thức: Trong buốt lạnh nhường kia / sao hoa mai cứ nở / Để hôm nay xuân về / Mai không còn hoa nữa. Nhà thơ buồn, đứng bên gốc mai thầm ước hoa đừng rụng hoa ơi. Ai cũng biết hoa mai gốc gác ở rừng.

Mai là hoa đặc trưng ngày Tết của phương Nam.

Ở Quảng Trị có ngọn núi mọc đầy hoa mai, gọi là Non Mai. Cứ dịp Tết, khắp các phố ở Đắc Lắc, Pleiku, người ta bán rất nhiều mai rừng. Hoa mai rừng vàng tươi, thơ ngây hơn mai nhà. Sinh thời nhà thơ Xuân Hoàng cứ khăng khăng rằng người đưa mai rừng về trồng là một nhà thơ Huế: Mai nở ngày xưa trong núi xa/Chỉ thơm trong sắc lặng thinh. Và/Sẽ thơm như thế không ai biết/Trong núi như trời đất với hoa. Bỗng một ngày Xuân một khách thơ/ Gặp mai trong núi ngẩn ngơ chờ/Mai vàng đến dộ ươm nên hát/Mang giống về xuôi tự bấy giờ. Nguyễn Đình Chiểu thời trẻ, học ở Hà Khê (Kim Long) Huế, có câu thơ rất hay về hoa mai vàng: “Hữu tình thay ngọn gió đông/Cành mai nở nhụy lá tòng reo vang”…

Nhưng, bất tử nhất là bốn bài thơ về hoa mai của Mãn Giác Thiền Sư, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát và Hồ Chí Minh. Mãn Giác Thiền sư đời Lý, là thi sĩ để lại nhiều bài thơ hay nhưng có lẽ bất tử nhất là bài thơ về mùa xuân bằng chữ Hán Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh bảo mọi người), trong đó có hai câu để đời: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai. (Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa lại nở. Việc đời theo nhau trôi qua trước mắt. Tuổi già hiện đến trên mái đầu

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước nở cành mai). Mùa xuân thì vĩnh cửu, Xuân đi hoa rụng, xuân về hoa nở. Chỉ con người là càng ngày càng già nua buồn khổ. Khi tuổi già sầm sập, việc đời theo nhau hiện về trước mắt, con người mới hoang mang nhớ tiếc tuổi xuân. Nhưng nhờ có sự trường sinh của đất trời thiên nhiên bất tận, nên con người được an ủi, sẻ chia: Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai. Nhành mai trong thơ Mãn Giác Thiền Sư chính là sự tồn tại vĩnh hằng của cái đẹp, của sự giao hòa, trở thành niềm tin muôn đời cho cõi nhân sinh.

500 năm sau, ta lại gặp một nhành mai trong thơ Nguyễn Trãi (1380-1442). Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có bài thơ “Vịnh cây mai già” chiêm nghiệm lẽ đời rất sâu sắc: …Đêm có mây nào quyến nguyệt/Ngày tuy gió chẳng bay hương/Nhờ ơn vũ lộ đà no hết/Đông đổi dầu đông hãy một đường (Hoa mai càng sương tuyết càng tốt đẹp/Thời tiết có thay đổi mai vẫn giữ cốt cách của riêng mình). Nguyễn Trãi cốt cách hoa mai. Cuộc đời bao bi kịch, thăng trầm nhưng ông vẫn giữ phẩm chất, tâm hồn ngời sáng: Bui có một lòng trung mấy hiếu / Mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen (Thuật Hứng).

Thời vua Tự Đức, triều Nguyễn, Chu Thần Cao Bá Quát (1806-1855) được xưng tụng là “Thần Siêu, Thánh Quát” có những câu thơ đẹp nhất để xưng tụng hoa mai. Trong bài thơ “Tài Mai” (trồng mai), ông ao ước trồng lên núi một rừng mai, loài hoa thanh cao, để mai sau trở thành một bức tranh tuyệt tác cho người đời say ngắm. Nhắc đến hoa mai, 200 năm nay ai cũng nhớ câu thơ rất thần của Cao Bá Quát về hoa mai:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái hoa mai

(Mười năm chu du tìm gươm báu

Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai).

Ấy là phách của Chu Thần. Khí phách chỉ phục lạy cái đẹp, coi khinh cường quyền đó đã khiến ông phải “vứt bút cầm gươm”. Cao Bá Quát say đắm hoa mai, bởi hoa mai là cốt cách của quân tử, là cái đẹp ngàn đời của đất trời nước Việt.

Mùa hạ năm 1942, tại Lũng Dẻ, Việc Bắc, một năm sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, một lần lên núi chơi, Bác Hồ tức cảnh làm bài thơ tứ tuyệt chữ Hán Thướng Sơn (lên núi), trong đó xuất hiện hình ảnh một cành mai xuất hiện trong tứ thơ rất bất ngờ và xúc động: Lục nguyệt nhị thập tứ/Thướng đáo thử sơn lai/Cử đầu hồng nhật cận/Đối ngạn nhất chi mai. Nhà thơ Tố Hữu dịch: Hai mươi tư tháng sáu/Lên ngọn núi này chơi/Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai.

Đây là bài thơ đa nghĩa, thể hiện cái tình, cái chí của người viết. Bài thơ đậm chất Đường thi, như một bức tranh thủy mặc. Câu thơ tả mà cảm. Riêng về thơ, hai hình ảnh đối Ngẩng đầu mặt trời đỏ-Bên suối một nhành mai là một phát hiện bất ngờ và nhạy cảm, tạo nên chiều sâu của tứ thơ. Hình ảnh Bên suối một nhành mai cũng đẹp như Đêm qua sân trước nở cành mai của Mãn Giác Thiền Sư.

Ngô Minh