Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm việc tại tỉnh Lai Châu
Quang cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Thanh Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và đơn vị liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã báo cáo hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020-2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025. Theo đó, giai đoạn 2020-2021, công tác quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật cụ thể: Đã đẩy nhanh các ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi cho bà con Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm có tổng số 46 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có 8 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 38 nhiệm vụ cấp tỉnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng, xây dựng mô hình một số giống cây trồng, vật nuôi năng suất chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Khoai sọ Nậm Khao, dong diềng, chè PH8 và PH10, cây sơn tra, cây chuối, cây Sâm Lai Châu, Lúa Khẩu Hốc và Tả Cù, Lan kim tuyến, Lan, rau dược liệu, rau chất lượng cao….
Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng cao hiệu quả và có sự gắn bó chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và bước đầu xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản của tỉnh gắn với sản phẩm đặc trưng của từng huyện. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 80 nhãn hiệu hàng hóa được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký; 35 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 7 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản địa phương (gạo Séng Cù, gạo Tẻ râu, gạo Khẩu Ký, gạo Nếp Tan Co Giàng, chè Tam Đường, chè Tân Uyên, Miến dong Bình Lư). Các sản phẩm được gắn nhãn hiệu chứng nhận giá trị sản phẩm bán ra thị trường tăng lên 20% – 30% so với trước và thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Cùng với đó là thực hiện tốt việc hướng dẫn áp dụng và triển khai hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; kết quả này góp phần thực hiện thắng lợi công tác cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian qua…
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu cũng kiến nghị một số nội dung như: Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm xem xét hàng năm bố trí tăng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ cho tỉnh để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh; quan tâm hỗ trợ tỉnh Lai Châu thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các Chương trình khoa học công nghệ Quốc gia do Bộ quản lý; sớm hướng dẫn hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kinh phí để tỉnh Lai Châu xây dựng và thực hiện Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ bằng nguồn ngân sách trung ương cho tổ chức, cá nhân của tỉnh Lai Châu, nhằm đăng ký và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu thông thường…
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tỉnh Lai Châu và thành viên Đoàn công tác cũng tập trung vào một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất liên quan đến kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ, việc chuyển giao từ ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn; việc triển khai một số đề án, đề tài khoa học công nghệ tại tỉnh; công tác tư vấn, hướng dẫn sở hữu trí tuệ, xác định quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của địa phương nhất là các sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu…
Đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai một số đề án, dự án lĩnh vực khoa học công nghệ. Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số vấn đề như Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lai Châu triển khai thí điểm đề tài khoa học lĩnh vực nông nghiệp; quan tâm, hỗ trợ tỉnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, gắn với chế biến sâu, bảo hộ cho sản phẩm cây sâm Lai Châu, đưa cây sâm Lai Châu trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ, định hướng Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lựa chọn Lai Châu là địa phương triển khai thí điểm các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là một số sản phẩm đặc sản của tỉnh, tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; quan tâm hỗ trợ tỉnh khoa học công nghệ trong công nghiệp khai khoáng…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, những kết quả đạt được trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua. Để thúc đẩy hoạt động khoa công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng chí Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Tập trung vào việc xác lập và khai thác tài sản trí tuệ, nhất là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho thị trường quốc tế; ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cuộc cách mạng lần thứ 4 vào phát triển công nghiệp du lịch… Về công nghiệp khai khoáng, đề nghị tỉnh quan tâm đến việc đánh giá, thẩm định các công nghệ phù hợp để khai thác, chế biến các tài nguyên, nhất là với những tài nguyên có giá trị cao như đất hiếm để vừa bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị của tài nguyên. Đồng thời, sẽ tiến hành ký kết chương trình phối hợp giữa tỉnh Lai Châu và Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã trao quà cho đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã trao 50 suất quà cho 50 công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.