Bố trí mặt bằng sản xuất là gì? Chỉ tiêu và nguyên tắc

Bố trí mặt bằng sản xuất (Plant Layout) trong doanh nghiệp là quá trình tổ chức, sắp xếp và định dạng về mặt không gian máy móc thiết bị, khu vực làm việc, bộ phận phục vụ sản xuất và cung cấp dịch vụ.

Bố trí mặt bằng sản xuất là gì

Bố trí mặt bằng sản xuất trong doanh nghiệp

Khái niệm

  • Trong tiếng Anh Bố trí mặt bằng sản xuất được gọi là plant layout.
  • Bố trí mặt bằng sản xuất trong doanh nghiệp chính là quá trình tổ chức, sắp xếp và định dạng về mặt không gian máy móc thiết bị, những khu vực làm việc, các bộ phận phục vụ sản xuất và cung cấp dịch vụ.
  • Việc bố trí mặt bằng sản xuất không chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp xây dựng mới mà nó còn bao gồm những doanh nghiệp thay đổi qui mô sản xuất và thay đổi thiết kế sản phẩm thực phẩm hay qui trình công nghệ sản xuất sản phẩm mới hay thậm chí là cách bố trí hiện tại không hợp lí cần điều chỉnh lại.

Chỉ tiêu

Một cách bố trí mặt bằng tốt cần đạt được phần lớn các chỉ tiêu sau đây:

  • Tối thiểu hoá chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm
  • Loại bỏ những lãng phí hay sự di chuyển dư thừa không cần thiết giữa những bộ phận, các nhân viên
  • Thuận tiện cho việc tiếp nhận – vận chuyển nguyên vật liệu; đóng gói, dự trữ và giao hàng
  • Sử dụng không gian có hiệu quả
  • Giảm thiểu những công đoạn gây ảnh hưởng, ách tắc đến quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ
  • Tuân thủ mọi qui định về phòng chống cháy nổ, điều kiện ánh sáng, chống rung, ồn, bụi, thông gió… đảm bảo an toàn cũng như an ninh cho nhân viên khi làm việc
  • Tạo sự dễ dàng, thuận tiện cho kiểm tra và kiểm soát các hoạt động
  • Tạo điều kiện thuận lợi trong những giao dịch và liên lạc
  • Có tính linh hoạt cao để thích ứng với mọi thay đổi…

Nguyên tắc

Vì vậy sắp xếp bố trí mặt bằng sản xuất cần phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:

1. Tuân thủ qui trình công nghệ sản xuất

  • Thứ tự những bộ phận được sắp xếp theo trình tự của qui trình công nghệ sản xuất sản phẩm; và sản phẩm đi qua bộ phận nào trước thì bộ phận đó nên đặt gần kho nguyên liệu.
  • Bộ phận cuối cùng mà sản phẩm đi qua cần đặt gần kho thành phẩm như vậy sẽ làm giảm được thời gian cùng khoảng cách di chuyển. Hai bộ phận có quan hệ trực tiếp trao đổi sản phẩm lẫn nhau nên bố trí đặt cạnh nhau.
  • Để thuận lợi cho việc vận chuyển, kho nguyên liệu, kho thành phẩm thường được bố trí gần đường giao thông chính bên ngoài doanh nghiệp.

2. Đảm bảo khả năng mở rộng sản xuất

  • Qui luật phát triển thường dẫn đến sự tăng sản lượng sản xuất hoặc đa dạng hóa các sản phẩm bằng cách đưa vào sản xuất thêm sản phẩm khác, doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động thường sẽ có nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất.
  • Vì vậy ngay từ khi chọn địa điểm, bố trí mặt bằng sản xuất phải dự kiến rằng có khả năng mở rộng trong tương lai.

3. Đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất và người lao động

  • Khi bố trí mặt bằng đòi hỏi phải tính đến yếu tố về an toàn cho người lao động, cho máy móc thiết bị, đảm bảo chất lượng của sản phẩm và tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động.
  • Mọi qui định về chống ồn, bụi; chống rung, nóng, cháy nổ… phải được tuân thủ.
  • Trong thiết kế mặt bằng cần phải đảm bảo khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên, những bộ phận sinh ra nhiều khói, bụi, hơI độc, bức xạ có hại, … phải được bố trí thành khu riêng biệt, không được bố trí gần sát khu vực có dân cư.
  • Các kho chứa vật liệu dễ cháy dễ nổ cần phải bố trí xa khu vực sản xuất, phải có trang bị các thiết bị an toàn trong phòng chữa cháy nổ. Những thiết bị gây ra rung động lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến các thiết bị khác thì không nên đặt cạnh các thiết bị có giá trị lớn…

4. Tận dụng hợp lí không gian & diện tích mặt bằng

  • Sử dụng tối đa diện tích mặt bằng hiện có giúp doanh nghiệp giảm được chi phí thuê mặt bằng. Điều này, không chỉ áp dụng đối với diện tích sản xuất mà nó còn áp dụng cả đối với diện tích kho hàng.
  • Việc tận dụng tối đa diện tích không chỉ đề cập đến diện tích của mặt sàn tính theo m2 mà nó còn tính cả đến không gian hiện có. Trong nhiều nhà máy, ngày nay, đã sử dụng những giá đỡ trên cao để tận dụng diện tích của mặt bằng.

5. Đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống

  • Bố trí mặt bằng phải xét đến khả năng sự thay đổi với chi phí thấp nhất và không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất – kinh doanh.
  • Tránh hay giảm thiểu trường hợp dòng di chuyển nguyên vật liệu đi ngược chiều
  • Vận chuyển ngược chiều không những giúp làm tăng cự li vận chuyển mà còn gây ùn tắc ảnh hưởng đến hoạt động của sản xuất – kinh doanh.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị tác nghiệp; Trung tâm đào tạo từ xa; ĐH Kinh tế Quốc dân)

vietnambiz.vn