Bộ phim hoạt hình “VƯỜN NHIỆT ĐỚI”: Tuyên truyền về Sở hữu trí tuệ cho thiếu nhi – GIOI THIEU SACH, TAP CHI – CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Cục Sở hữu trí tuệ xin trân trọng giới thiệu Bộ phim hoạt hình “VƯỜN NHIỆT ĐỚI”. Đó là câu chuyện về những nhà sáng tạo thiếu nhi, là các nhân vật được nhân cách hóa từ các loại hoa quả nhiệt đới, với kịch bản hấp dẫn, dễ hiểu giúp mang lại nhận thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho lứa tuổi măng non.
Bộ phim hoạt hình “Vườn nhiệt đới” là một sản phẩm tuyên truyền của Dự án “Tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì thực hiện. Bộ phim được hoàn thành nhằm mục đích cung cấp cho các em học sinh ở độ tuổi thiếu nhi những hiểu biết ban đầu về sở hữu trí tuệ với thông điệp: việc sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ giúp ích cho cuộc sống cần được tôn vinh và việc ăn cắp kết quả sáng tạo của người khác sẽ bị xã hội lên án và bị trừng phạt.
Câu chuyện trải nghiệm thú vị của các nhân vật gần gũi, thân thiết như bạn Táo Đỏ, Lê, Na, Chuối… trong hành trình sáng chế chiếc ô tô gắn động cơ phản lực mang tên “Cơn Lốc” sẽ mang đến cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ (các khái niệm về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và những lưu ý trước khi sáng tạo ra những sản phẩm sở hữu trí tuệ). Bộ phim giúp các em học sinh thấy được mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ với cuộc sống thông qua việc liên hệ tới các vật dụng hàng ngày xung quanh các em như xe đạp, xe máy, ô tô, lò vi sóng, ti vi, tủ lạnh, chiếc bút, quyển vở hay chiếc cặp sách…, những kết quả sáng tạo và sản phẩm sở hữu trí tuệ của con người.
Bộ phim cũng nhằm giáo dục các em biêt tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, đồng thời khuyến khích việc nuôi dưỡng ý tưởng, tự tin và mạnh dạn sáng tạo của bản thân.
Bộ phim có thời lượng 15 phút, gồm 3 tập
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC VÀ GIÁO DỤC
– Yêu cầu về thiết bị: Máy tính (có thể tải Phim về máy hoặc xem trực tiếp trên môi trường Internet), loa, máy chiếu Projector, màn chiếu (hoặc TV có màn hình đủ lớn), cáp kết nối tín hiệu.
– Bố trí lớp học: Tổ chức chiếu phim trong lớp với sĩ số 45-50 học sinh; Nên sắp xếp bàn ghế theo hình chữ U hoặc theo nhóm.
– Chuẩn bị của giáo viên: kiểm tra thiết bị, xem kĩ nội dung, thiết kế kịch bản tổ chức hoạt động hỗ trợ nhận thức cho học sinh trước/trong và sau khi xem phim, dự báo các khó khăn học sinh có thể đối mặt khi xem phim, xây dựng hệ thống câu hỏi kích thích tư duy.
– Kĩ thuật chiếu phim: trước khi chiếu phim, giáo viên cần giới thiệu tóm tắt nội dung, đặt một số câu hỏi định hướng, giải đáp thắc mắc, có thể ghi lên bảng một số thuật ngữ/khái niệm khó, thống nhất nguyên tắc khi xem phim, thông báo nhiệm vụ học sinh cần thực hiện sau khi xem phim.
Những vấn đề học sinh cần nắm được sau khi xem bộ phim ”Vườn nhiệt đới”
1. Hiểu được khái niệm cơ bản về sở hữu trí tuệ (sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu) và những lưu ý trước khi sáng tạo ra các sản phẩm sở hữu trí tuệ.
2. Nắm được mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ và cuộc sống hàng ngày, có khả năng liên hệ giữa các đối tượng sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu) với các vật dụng trong cuộc sống.
3. Hiểu được vai trò của sáng tạo, lợi ích nhờ việc sở hữu và hưởng lợi từ các sản phẩm sáng tạo, qua đó, khuyến khích các em sáng tạo bằng chính ý tưởng của mình.
4. Hiểu được tác hại của việc ăn cắp kết quả sáng tạo, qua đó, giáo dục các em phải biết trân trọng những sản phẩm sáng tạo dù không phải của mình, và lên án hành vi ăn cắp kết quả sáng tạo của người khác.
5. Biết rút ra bài học cho bản thân với những việc nên làm và nên tránh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nội dung phim vừa mang tính giải trí, vừa kết hợp tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ. Do đó, tùy thuộc vào đặc điểm đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của lớp học, giáo viên cân nhắc lựa chọn phương án tổ chức hoạt động cho phù hợp. Nhằm tăng tính hiệu quả trong việc lĩnh hội và chia sẻ các thông điệp và nội dung của bộ phim, giáo viên có thể thiết kế các hoạt động bổ trợ tích hợp trong quá trình học sinh xem phim và ngoài giờ học ở trường.
XEM PHIM VÀ TẢI VỀ TẠI ĐÂY
Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Phòng Hợp tác quốc tế, Cục sở hữu trí tuệ
384-386, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội