Bố mẹ cần làm gì khi con tuổi dậy thì hỗn láo? – MarryBaby
Nội Dung Chính
Vì sao con tuổi dậy thì hỗn láo?
Để bố mẹ biết cần làm gì khi con tuổi dậy thì hỗn láo, trước hết, bố mẹ cần hiểu nguyên nhân vì sao trẻ hỗn láo ở độ tuổi này.
1. Sự thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì
Trong giai đoạn tuổi dậy thì, bộ não của con vẫn đang phát triển. Điều này có thể khiến thanh thiếu niên thích thử nghiệm nhiều cái mới; và có những hành động bốc đồng, liều lĩnh; thậm chí tỏ thái độ chống đối xã hội nhiều hơn so với trẻ nhỏ hoặc người lớn.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ trong độ tuổi dậy thì đang phát triển tính độc lập; và các con thường sẽ muốn tách bản thân mình khỏi bố mẹ để giành sự tự chủ. Để đạt mục tiêu đó, con có thể tỏ vẻ thách thức, cãi lại bố mẹ và khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy trẻ đang hỗn láo. Hầu hết, các thanh thiếu niên cũng sẽ mong muốn dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn là cha mẹ.
Trang thông tin khoa học của BBC cũng khẳng định rằng, nếu bố mẹ chỉ trích hành vi của trẻ trong độ tuổi dậy thì; con có thể phản ứng lại một cách bốc đồng, chống đối và mãnh liệt. Chính vì lẽ đó mà bố mẹ thường đau đầu không biết con hỗn láo phải làm sao.
2. Làm gì khi con tuổi dậy thì hỗn láo? Hiểu những căng thẳng và áp lực của con
Con dậy thì của bố mẹ cũng chịu rất nhiều áp lực từ những kỳ vọng trong học tập, áp lực hòa nhập và chấp nhận bản thân của con. Theo Học viện Tâm lý Trẻ em và Vị thành niên Hoa Kỳ (AACAP), một số trẻ sử dụng chất kích thích hoặc đồ uống có cồn để đối mặt với các tình huống căng thẳng, lo lắng.
Trong những lúc này, câu hỏi bố mẹ cần quan tâm chưa phải là làm gì khi con tuổi dậy thì hỗn láo, AACAP khuyến khích bố mẹ trò chuyện và hỏi thăm con về những căng thẳng con gặp phải. Đồng thời, quan sát và theo dõi những thay đổi trong hành vi và sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần) của thanh thiếu niên.
Áp lực đồng trang lứa sẽ là mối bận tâm rất lớn của con dậy thì. Đây là lứa tuổi mà con cần sự đón nhận và chấp thuận từ chính bạn bè của mình. Mong muốn hòa nhập này có thể thúc đẩy những hành vi tiêu cực khiến trẻ hỗn láo hơn. Ví dụ như ăn cắp, trốn học hoặc uống rượu. Con tuổi dậy thì có thể biết hành vi của mình là sai; nhưng con chưa biết cách chống cự sự cám dỗ để được là một phần trong nhóm bạn của mình; cũng như sợ bị đánh giá, phán xét và cô lập. Kết quả là, con có thể sẽ nhượng bộ trước áp lực đồng trang lứa.
>> Mẹ có thể quan tâm Dấu hiệu bé gái sắp có kinh nguyệt lần đầu
3. Mong đợi từ bố mẹ và môi trường xung quanh
Một Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu về Tuổi vị thành niên cho thấy, những đứa trẻ trong độ tuổi dậy có hành vi liều lĩnh, nguy hiểm nhiều hơn khi mẹ của các em mong đợi rằng con sẽ chấp nhận rủi ro và sẽ nổi loạn (“vì cái tuổi này là thế mà!”). Điều này cũng xảy ra đối với những trẻ dậy thì có kỳ vọng tiêu cực về bản thân mình.