Bộ máy quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance Apparatus) là gì? Yêu cầu và nguyên tắc thiết lập
Bộ máy quản trị doanh nghiệp (tiếng Anh: Corporate Governance Apparatus) là toàn bộ các bộ phận hợp thành và có mối liên hệ hữu cơ với nhau, được chuyên môn hóa để thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp.
Hình minh họa (Nguồn resourses.base.vn)
Bộ máy quản trị doanh nghiệp
Khái niệm
Bộ máy quản trị doanh nghiệp trong tiếng Anh là Corporate Governance Apparatus.
Bộ máy quản trị doanh nghiệp là toàn bộ các bộ phận hợp thành, có mối liên hệ hữu cơ với nhau, được chuyên môn hóa để thực hiện các chức năng quản trị nhất định, với những trách nhiệm và quyền hạn tương xứng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra của doanh nghiệp.
Các yếu tố cấu thành bộ máy quản trị doanh nghiệp bao gồm:
– Các khâu quản trị: đó là các bộ phận quản trị được hình thành để thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp, trong thực tế nó thường được tổ chức thành các phòng (bộ phận) chức năng: Kế hoạch, kĩ thuật sản xuất, nhân sự, marketing…
– Các cấp quản trị: là sự thể hiện thứ bậc trong quản trị doanh nghiệp (cấp công ty, cấp phân xưởng, ngành,…).
– Các mối liên hệ giữa các bộ phận và các cấp trong bộ máy quản trị.
Yêu cầu và nguyên tắc khi thiết lập bộ máy quản trị doanh nghiệp
Khi thiết lập bộ máy quản trị doanh nghiệp, cần chú ý một số yêu cầu sau:
– Phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ sản xuất nhất là qui mô và tính phức tạp của sản xuất. Đây là yêu cầu mang tính bắt buộc bởi bộ máy quản trị doanh nghiệp được hình thành để trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
– Phải đảm bảo tính chuyên môn hóa. Yêu cầu này đặt ra nhằm tổ chức các hoạt động quản trị theo hướng chuyên môn hóa ở từng bộ phận và ở từng cá nhân, cán bộ quản trị. Nó đảm bảo nâng cao chất lượng và năng suất quản trị.
– Phải đảm bảo tiêu chuẩn hóa. Xác định rõ ràng nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân, cũng như đề ra các qui tắc, qui định, qui trình thực hiện, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng nhiệm vụ quản trị. Tiêu chuẩn hóa phải thực hiện cho cả các công tác, cho các nhà quản trị.
– Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận và cá nhân. Để thực hiện yêu cầu này, trước hết phải các định rõ quyền hạn, quuyền lực và trách nhiệm của mỗi bộ phận, cá nhân từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong hệ thống quản trị, đồng thời phải xác định rõ các mối liên hệ về quản trị trong bộ máy.
– Bộ máy quản trị phải phù hợp với lí thuyết điều khiển hệ thống, có tính thực tiễn cao, có tính linh hoạt và tính thích nghi cao, phải đảm bảo độ tin cậy cần thiết.
Nguyên tắc thiết lập bộ máy quản trị
– Phải đảm bảo tính thống nhất trong mọi hoạt động quản trị.
– Phải đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản trị doanh nghiệp.
– Phải đảm bảo tính có thể kiểm soát được của bộ máy quản trị.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế và tổ chức quản lí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, NXB Đại học Xây dựng)