“Bộ đôi” phòng tránh ung thư cổ tử cung hiệu quả

Tiêm vắc xin ngừa HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung sớm là “bộ đôi” phối hợp giúp ngăn chặn ung thư cổ tử cung hiệu quả.

Thông tin trên được các chuyên gia của Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Ung thư cổ tử cung: Tầm soát & dự phòng” tối ngày 24/11/2022 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

tổng kết live 27112022

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những ung thư thường gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% các trường hợp ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai, chỉ sau ung thư vú. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, cả nước có hơn 9.000 ca mắc mới và hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Đáng quan ngại, phần lớn bệnh nhân đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn tiến xa.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây UTCTC, chiếm khoảng 70% các ca bệnh. Đây chính là mối lo ngại của tất cả chuyên gia Phụ khoa bởi mặc dù đã có nhiều biện pháp giúp phát hiện sớm, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn 100% nhưng vẫn còn tỷ lệ nhỏ phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến xa.

“Trong vòng 2 năm, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân UTCTC khá cao, chiếm khoảng 30-40% ca bệnh ở nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi. Có trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn hình thành, có trường hợp ung thư tại chỗ, cũng có trường hợp đáng tiếc ung thư đã tiến xa. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng tôi có tư vấn và hướng dẫn điều trị khác nhau.

Với nhóm bệnh nhân chưa đủ số con hoặc vẫn còn nguyện vọng sinh non, chúng tôi khuyến khích họ có đủ số con mong muốn trước rồi mới tiến hành điều trị triệt để. Trong trường hợp phát hiện ung thư giai đoạn tại chỗ, sau điều trị khoét chóp tử cung, chúng tôi luôn khuyến khích bệnh nhân có đủ số con càng sớm càng tốt, kết hợp tầm soát cổ tử cung định kỳ, chỉ khi nào có đủ số con mong muốn mới điều trị triệt để, không giữ cổ tử cung”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết thêm.

bác sĩ mỹ nhi

UTCTC nguy hiểm nhưng hầu hết người bị nhiễm HPV đều không biết mình mắc bệnh. TS.BS Bùi Thị Phương Nga, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, trung bình phải từ 10-15 năm UTCTC mới phát triển ở những phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường.

“Phụ nữ bị UTCTC giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Các triệu chứng chỉ biểu hiện khi ung thư đã phát triển và bắt đầu xâm lấn sang các mô, di căn sang các cơ quan lân cận như niệu quản, bàng quang, trực tràng… Lúc này, bệnh nhân thường có các triệu chứng phổ biến như chảy máu âm đạo bất thường, tiết dịch ở âm đạo bất thường, cảm thấy đau ở vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục, tổng trạng ăn uống kém, người gầy, tiên lượng tỷ lệ sống còn thấp”, tiến sĩ Bùi Thị Phương Nga chia sẻ.

bác sĩ phương nga

Với sự phát triển của y học cũng như sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, hiện nay các bất thường ở cổ tử cung đã có thể phát hiện thông qua xét nghiệm phết tế bào âm đạo cũng như các xét nghiệm HPV đặc hiệu. Ngoài ra, các kiểm tra sâu hơn như soi cổ tử cung hay điều trị can thiệp phẫu thuật cũng giúp hạn chế được những tế bào bất thường phát triển thành tế bào ung thư.

Chính vì thế, ThS.BS Kiều Lệ Biên, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo, tất cả phụ nữ ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, sau lần quan hệ đầu tiên hoặc từ 21 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục cần tầm soát UTCTC mặc dù đã tiêm vắc xin ngừa hay chưa.

“Lưu ý khi tầm soát UTCTC, trước 3 ngày không được quan hệ tình dục, không đặt thuốc, không thụt rửa âm đạo, không đặt tampon trong âm đạo. Tốt nhất nên thực hiện tầm soát sau khi sạch kinh từ 3-5 ngày”, bác sĩ Kiều Lệ Biên khuyến cáo.

bác sĩ lệ biên

Để phòng ngừa hiệu quả UTCTC, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết hiện nay chương trình quốc gia đưa ra 3 mức dự phòng. Cụ thể là, mức dự phòng 1 bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ của UTCTC như quan hệ chung thủy một vợ một chồng, sử dụng biện pháp bảo vệ hoặc tránh thai an toàn nếu đã có đủ số con mong muốn, thăm khám phụ khoa định kỳ và tiêm vắc xin ngừa UTCTC.

Mức dự phòng 2 bằng cách tầm soát UTCTC định kỳ bằng các kiểm tra PAP Smear đánh giá mặt tế bào học, hoặc xét nghiệm nhiễm virus HPV, hoặc phối hợp cả 2 xét nghiệm. Tùy vào kết quả, các bác sĩ phụ khoa sẽ có hướng dẫn tiếp theo như soi cổ tử cung, nạo kênh cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung… để việc chẩn đoán bệnh được chính xác và rõ ràng hơn.

Mức dự phòng 3 là giải quyết những tình huống đã mắc phải UTCTC, ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn và ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ.

Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:

1. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung là gì?

Em năm nay 21 tuổi và chưa lập gia đình, tuy nhiên em đã có bạn trai và quan hệ tình dục được 4 năm. Em thường xuyên bị viêm nhiễm phụ khoa do sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Năm ngoái em đi khám phụ khoa, bác sĩ bảo em bị sùi mào gà do nhiễm virus HPV và bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Em đã đốt laser nhưng bác sĩ bảo vẫn có nguy cơ bị UTCTC do đã nhiễm virus.

Mặc dù đã hơn 1 năm em không gặp tình trạng viêm nhiễm đó nữa, nhưng gần đây công việc của em nhiều áp lực, cộng với em có sử dụng lại thuốc tránh thai khẩn cấp nên vùng kín của em có cảm giác ngứa ngáy. Đến chu kỳ kinh nguyệt em thấy có mùi hôi, lâu lâu có cảm giác nhói ngoài âm đạo. Đó có phải triệu chứng của UTCTC không? (Khán giả Nguyễn Quỳnh Giao gửi câu hỏi đến chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Mặc dù đã đốt laser nhưng vẫn có nguy cơ bị UTCTC, đồng nghĩa nguy cơ tái nhiễm HPV trở lại. Trên thực tế đây là trường hợp không hiếm gặp. Khi cổ tử cung thường xuyên chịu tác động của viêm nhiễm, nguy cơ bạn sẽ bị tấn công và nhiễm HPV tuýp cao, do đó đã hết viêm nhiễm nhưng cần nên đi tầm soát UTCTC. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn khoảng thời gian kiểm tra định kỳ, mỗi 3 tháng hay 3 năm sẽ kiểm tra, tầm soát UTCTC.

Nếu bạn và bạn trai thường xuyên quan hệ tình dục, khuyến cáo cần đổi phương pháp tránh thai bởi thuốc tránh thai khẩn cấp nếu sử dụng thường xuyên có thể gây nhiều tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt.

Để khẳng định bạn có mắc phải UTCTC hay không cần thăm khám phụ khoa, thực hiện các tầm soát bằng PAP và HPV nhằm xem tế bào hiện tại có bất thường không, cổ tử cung có nhiễm HPV không và nếu nhiễm thuộc tuýp nào. Ngoài ra, cần xét nghiệm mô học để xem xét các tổn thương nếu có. Dựa vào các bằng chứng cụ thể mới có chẩn đoán chính xác.

2. Sau nhiễm virus HPV bao lâu sẽ tiến triển thành ung thư?

Nếu nhiễm virus HPV tuýp nguy cơ cao thì bao lâu sẽ trở thành ung thư? Em đang mang thai nhưng bị nhiễm HPV tuýp 31 và 45, đang chờ sinh xong sẽ sinh thiết lại, nhưng trong giai đoạn này em rất stress, cứ nghĩ đến là sợ, mong được bác sĩ tư vấn. (Khán giả Hà My gửi câu hỏi đến chương trình)

TS.BS Bùi Thị Phương Nga: Thời gian tính từ lúc nhiễm HPV đến lúc tiến triển thành ung thư có thể kéo dài khoảng 6-10 năm. Cần lưu ý, HPV có thể tự đào thải và sau đó tái nhiễm trở lại, do đó quan trọng nhất là bạn cần có kế hoạch chăm sóc và bảo vệ để thời gian diễn tiến ngắn hơn.

Không biết bạn đã làm tầm soát UTCTC hay chưa. Trường hợp bạn chỉ nhiễm HPV đơn thuần và tế bào học hoàn toàn bình thường, bạn vẫn có thể theo dõi thai kỳ, không nên quá lo lắng. Khi thăm khám, bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn và giải quyết tất cả vấn đề trong quá trình mang thai. Sau khi sinh, bạn cần kiểm tra vấn đề phụ khoa và cổ tử cung.

3. Nhiễm HPV có điều trị dứt điểm được không?

Em vừa sinh bé được 18 tháng, thời gian gần đây em bị sụt cân nhiều, tóc rụng và da xỉn màu. Em bị viêm lộ tuyến 2,2cm, đã dùng Thinprep tầm soát UTCTC thì âm tính, nhưng lại dương tính HPV 12 tuýp nguy cơ cao. Bác sĩ cho em hỏi em cần làm thêm những kiểm tra xét nghiệm gì nữa không? Trường hợp của em có điều trị dứt điểm HPV được không? (Khán giả giấu tên gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Kiều Lệ Biên: Các triệu chứng bạn nêu ra chưa thể khẳng định UTCTC, tuy nhiên, đang trong quá trình chăm sóc con nhỏ nên bạn cần xem lại dưỡng chất, có thể thăm khám tổng quát để được kiểm tra thêm. Không rõ tình trạng viêm lộ tuyến tử cung của bạn như thế nào. Nếu tình trạng viêm nhiễm đã được điều trị ổn định, bạn không cần soi cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm nhiễm chưa dứt điểm, cộng với nguy cơ tăng nhiễm virus làm tăng nguy cơ UTCTC, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định soi cổ tử cung phụ thuộc vào quá trình thăm khám.

Về vấn đề HPV có điều trị dứt điểm được không, chưa rõ bạn đã nhiễm virus HPV bao lâu, là lần đầu tiên hay như thế nào. Nếu chỉ là nhiễm HPV thoáng qua, bạn không cần lo ngại. Nếu nhiễm dai dẳng, có nhiều nguy cơ bị UTCTC. Do đó, bạn cần thăm khám để được xác định nhiễm HPV thoáng qua hay dai dẳng, dựa vào đó bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp.

4. Đã tiêm ngừa HPV có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không?

Em năm nay 23 tuổi đã tiêm ngừa HPV từ năm 19 tuổi. Bác sĩ cho em hỏi, nếu đã tiêm ngừa rồi thì có cần tầm soát UTCTC nữa không? Quy trình tầm soát giữa người đã tiêm ngừa và chưa tiêm ngừa có giống nhau không? (Khán giả Vũ Minh Ngọc gửi câu hỏi về chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Hiện nay tại Việt Nam có 3 loại vắc xin phòng HPV là vắc xin nhị giá, vắc xin tứ giá và vắc xin cửu giá. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra hơn 200 loại virus, trong khi các loại vắc xin hiện có chỉ phòng ngừa một số loại virus, do đó vẫn có nguy cơ nhiễm những loại virus mà chưa có vắc xin. Chính vì thế, đã tiêm ngừa vẫn cần thiết tầm soát UTCTC. Trường hợp của bạn đang ở độ tuổi 19 là độ tuổi hoạt động sinh dục mạnh, nguy cơ nhiễm HPV cao nên cần tầm soát sớm.

5. Xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư cổ tử cung không?

Xét nghiệm máu có phát hiện được UTCTC không bác sĩ? Em chưa quan hệ tình dục nhưng thấy bụng dưới bị đầy hơi và ra khí hư thì tầm soát bằng cách nào, có làm PAP được không? (Khán giả Ngọc Mai gửi câu hỏi đến chương trình)

TS.BS Bùi Thị Phương Nga: Xét nghiệm máu không thể tầm soát được UTCTC, UTCTC chỉ được phát hiện nhờ vào 2 xét nghiệm là xét nghiệm dịch tế bào ung thư và virus ung thư. Cả 2 loại xét nghiệm được thực hiện trên người đã quan hệ tình dục bởi cần đặt dụng cụ vào âm đạo để khảo sát cổ tử cung, do đó nếu bạn chưa quan hệ tình dục thì không thể thực hiện được.

Nguy cơ bị UTCTC ở người chưa từng quan hệ tình dục gần như bằng 0, có thể nói là cực kỳ hiếm. Do đó bạn không nên quá lo lắng và chưa cần tầm soát. Tuy nhiên, nếu bạn ra dịch tiết nhiều và bụng đầy hơi, bạn nên thăm khám để loại trừ nguy cơ bị tổn thương đường ruột.

6. Viêm cổ tử cung có phải là triệu chứng tiền ung thư cổ tử cung không?

Em bị viêm cổ tử cung giai đoạn 2 và dương tính với HPV tuýp 16. Bác sĩ cho em hỏi viêm cổ tử cung có phải triệu chứng của tiền ung thư không? HPV tuýp 16 có bao nhiêu phần trăm gây UTCTC? Và bao lâu em cần làm kiểm tra lại? (Khán giả Minh Thu gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Kiều Lệ Biên: Viêm cổ tử cung không phải là tổn thương tiền ung thư, do đó bạn không nên quá lo lắng. Về việc nhiễm virus HPV tuýp 16, không rõ bạn đã làm xét nghiệm tế bào học PAP hay chưa. Nếu chỉ đơn thuần là xét nghiệm dương tính với tuýp 16 hoặc PAP bình thường, bạn nên thực hiện thêm soi cổ tử cung. Bởi virus HPV các tuýp 16 và 18 là nguy cơ UTCTC cao nhất, chiếm trên 70% ung thư cổ tử cung nếu nhiễm dai dẳng kéo dài.

7. Sợi bọc tuyến vú ở hai bên bị thay đổi có nguy hiểm không?

Tôi năm nay 41 tuổi, không lập gia đình và cũng không quan hệ tình dục. Tôi có khám phụ khoa định kỳ, khám vùng kín, làm siêu âm vùng bụng và tuyến vú thì tất cả đều trong giới hạn bình thường, riêng tuyến vú bị thay đổi sợi bọc tuyến vú hai bên. Bác sĩ cho tôi hỏi như thế có nguy hiểm không? Tôi không lập gia đình thì chỉ khám định kỳ 1 lần/năm có được không? (Khán giả Catherine Lee gửi câu hỏi đến chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Khám phụ khoa không chỉ là đặt mỏ vịt vào âm đạo, mà còn kiểm tra xem tử cung, buồng trứng có vấn đề gì bất thường hay không. Chúng ta cần biết rằng, UTCTC, ung thư vú hay ung thư tuyến giáp có thể tầm soát được, riêng ung thư buồng trứng là không thể tầm soát. Cách duy nhất phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn sớm là thăm khám và làm siêu âm.

Thay đổi sợi bọc tuyến vú là căn bệnh lành tính, bạn không nên quá lo lắng, chỉ cần theo dõi và kiểm soát theo hướng dẫn của bác sĩ. Quy định hiện nay trong tầm soát ung thư vú là kết hợp với nhũ ảnh, tức là phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến khích mỗi 1-2 năm cần làm nhũ ảnh, siêu âm vú mỗi 6 tháng cùng lúc với thăm khám phụ khoa để tầm soát tốt căn bệnh.

Ung thư buồng trứng thường âm thầm và lặng lẽ, rất khó phát hiện cho đến khi người phụ nữ thấy bụng bự, người mệt mỏi, chán ăn, ăn uống không tiêu, đến khi thăm khám và siêu âm mới thấy có bướu buồng trứng rất lớn. Ung thư diễn tiến nhanh, do đó nếu đợi 1 năm mới khám thì có thể ung thư đã tiến xa. Do đó, chúng tôi vẫn khuyến khích người độc thân, không quan hệ tình dục vẫn nên thăm khám phụ khoa mỗi 6 tháng/lần để kiểm tra và bảo vệ sức khỏe của mình.

8. Theo dõi tình trạng ung thư cổ tử cung khi mang thai như thế nào?

Em năm nay 32 tuổi, bị CIN3 đã khoét chóp vào tháng 2/2022 và bây giờ đang có thai. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cần theo dõi thai kỳ cũng như UTCTC như thế nào? Trường hợp đã khoét chóp thì có nguy cơ bị sinh non hay phải khâu eo cổ tử cung không? (Khán giả Phạm Thanh Ngọc gửi câu hỏi về chương trình)

TS.BS Bùi Thị Phương Nga: Không biết bạn tư vấn được phép mang thai hay trong quá trình theo dõi sau khoét chóp lại mang thai. Nếu CIN3 của bạn là tổn thương ở bờ, và tổn thương không được lấy hết sau khoét chóp thì nguy cơ tái phát rất cao. Nếu tổn thương được lấy trọn thì khả năng thai kỳ của bạn hoàn toàn bình thường, tuy nhiên trong quá trình mang thai cần theo dõi mỗi 2-3 tháng/lần.

Ở mỗi lần kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá tổn thương của bạn còn hay không để theo dõi chặt chẽ thai kỳ. Tôi chưa rõ tổn thương của bạn như thế nào và được kiểm soát như thế nào. Bạn cần thăm khám với bác sĩ sản khoa để được tư vấn, đánh giá xem có cần thiết khâu eo tử cung hoặc đặt vòng nâng để giữ cổ tử cung hay không vì nguy cơ sảy thai vẫn là khá cao.

9. Bị ung thư cổ tử cung có thể có con không?

Bị UTCTC thì có thể có con được không bác sĩ? Em 39 tuổi đang có nguy cơ cao bị UTCTC, bác sĩ nói kết quả chắc chắn đến 90% rồi, chỉ đợi kết quả bệnh đến giai đoạn mấy thôi nên em khá lo lắng. (Khán giả Nguyệt Minh gửi câu hỏi đến chương trình)

ThS.BS Kiều Lệ Biên: Quan trọng nhất cần xác định UTCTC ở giai đoạn nào, là tiền ung thư, ung thư tại chỗ hay ung thư tiến xa. Tùy vào giai đoạn ung thư mà đánh giá điều trị và nhu cầu có con khác nhau. Thông thường, ở giai đoạn tiền ung thư sẽ nhẹ nhàng hơn, sau điều trị bệnh nhân vẫn có thể mang thai tự nhiên hoặc nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản nếu việc mang thai tự nhiên gặp khó khăn. Ung thư tại chỗ vẫn có thể can thiệp điều trị và mang thai được, hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của phương pháp dự trữ trứng hoặc mang thai hộ.

Tuy nhiên, nếu ung thư đã tiến xa như giai đoạn 3-4 việc điều trị cần đa mô thức, có thể kết hợp hóa trị và xạ trị, vấn đề mang thai lúc này gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, bạn cần đợi kết quả chẩn đoán chính xác, dựa vào đó bác sẽ hướng dẫn việc điều trị như thế nào là hiệu quả nhất.

Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán bệnh nhanh chóng và chính xác, áp dụng nhiều phác đồ điều trị tiến bộ nhất thế giới mang đến hiệu quả khám chữa bệnh tốt nhất.

Ngoài ra, Trung tâm Sản Phụ khoa còn liên kết chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác trong bệnh viện như Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, khoa Ung bướu, Nhi – Sơ sinh, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh… bảo vệ sức khỏe và trọn vẹn thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến: