Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bản tin




Từ viết tắt
Đọc bài viết

Tài sản “tài nguyên khoáng sản” được quy định sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Khoản 3 Điều 8 Luật khoáng sản năm 2010 đã quy định rõ ”Nhà nước nghiêm cấm hành vi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật”. Theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất, sử dụng nước, quản lý, khai thác rừng không được tự ý khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khoản 2 Điều 17 Luật khoáng sản năm 2010 quy định cụ thể ”Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản…”. Tuy nhiên, trong thực tế, còn nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền quản lý, sử dụng đất, rừng hợp pháp của mình để khai thác khoáng sản trái phép. Điển hình là hoạt động khai thác than trong vườn nhà của người dân ở các khu vực mỏ than tỉnh Quảng Ninh; khai thác quặng sắt, quặng cao lanh, khai thác nước khoáng trong diện tích đất được giao sử dụng tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên v.v… Trong thực tế, việc lợi dụng quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, một số cá nhân, tổ chức đã tiến hành khai thác khoáng sản mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền v.v…

Page Content

Về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Một số nguyên nhân của thực trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua:

ặc dù đã có sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, nhưng chưa được thường xuyên, chưa sâu rộng, nhất là đối với người dân nơi có khoáng sản. Do đó, người dân địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí cán bộ cấp xã chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của địa phương và người dân trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Khi phát hiện tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, thông thường Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để giải tỏa và duy trì lực lượng một thời gian để ổn định tình hình. Phương thức này được áp dụng từ lâu tại nhiều địa phương nhưng tỏ ra kém hiệu quả do mang nặng tính hành chính, không kịp thời nên khi lực lượng giải tỏa đến thì phần lớn lực lượng khai thác trái phép đã rút khỏi hiện trường, tẩu tán phương tiện, thiết bị. Mặt khác, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý phương tiện, thiết bị dùng để khai thác trái phép không thuộc sở hữu của người vi phạm gặp khó khăn, nhất là khi muốn phá hủy, tịch thu. Mặt khác, khi lực lượng giải tỏa rút thì hoạt động khai thác trái phép lại tái diễn ở mức độ, quy mô thậm chí lớn hơn. Điều 20 Luật khoáng sản năm 2010 quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho địa phương để thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trong đó có kinh phí xử lý, giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện.

Có một bộ phận người dân ở một số địa phương đời sống hết sức khó khăn, không có nghề ổn định cho cuộc sống nên đã coi hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông, sét gạch ngói, đá ong, đá chẻ) như là một nghề để mưu sinh. Thực tế hoạt động này đã diễn ra từ rất lâu tại nhiều địa phương trên cả nước, người dân không thể có điều kiện để thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để đề nghị cấp phép khai thác theo quy định.

Phần lớn khoáng sản bị khai thác trái phép có giá trị cao như khoáng sản kim loại, khoáng sản quý, hiếm phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, dân trí thấp. Trong khi đó lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại các địa phương rất mỏng, trung bình chỉ có từ 3-5 người ở cấp tỉnh, và 1 người (kiêm nhiệm) ở cấp huyện nên không thể kiểm soát, phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để xử lý.

Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép, tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm như đã nêu.

Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương (cấp huyện) hoặc cấp tỉnh ở vùng giáp ranh địa giới hành chính của hai, ba huyện hoặc từ hai tỉnh, thành phố trở lên khi xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông chưa chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời. Do đó, khi phát hiện hoạt động khai thác trái phép, địa phương này tiến hành đẩy đuổi thì lực lượng khai thác trái phép lại tạm lánh sang địa phương khác để đợi lực lượng giải tỏa rút thì quay trở lại khai thác.

Vì mục tiêu lợi nhuận và cái lợi trước mắt, lực lượng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng trở nên liều lĩnh, sẵn sàng chống trả, thậm chí đã gây thiệt hại tính mạng của cán bộ quản lý tài nguyên khoáng sản khi làm nhiệm vụ. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép (ăn cắp tài sản Nhà nước) chỉ là phạt tiền với mức rất thấp, không bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, chưa có hình thức đưa ra xử lý hình sự.

Tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản dạng nguyên liệu thô qua biên giới bằng nhiều đường khác nhau (đường bộ, đường biển) tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi Phía Bắc vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả cũng là nguyên nhân kích thích hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Các bài báo trên các trang báo mạng đã kịp thời phản ảnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với số lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của các báo để công khai phản hồi của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của các cấp chính quyền địa phương còn chậm làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong hoạt động khoáng sản

Luật khoáng sản quy định trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nội dung của Luật khoáng sản chưa quy định cụ thể trách nhiệm cũng như nội dung công việc mà tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện nhằm bảo vệ khoáng sản trong khai thác.

Đối với các khu vực được phép khai thác khoáng sản, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác có nhiều vấn đề phức tạp hơn, khó quản lý hơn. Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong ranh giới khu vực được phép khai thác đầu tiên là thuộc về doanh nghiệp. Vì vậy hầu hết các khu vực khai thác khoáng sản khi giao cho doanh nghiệp quản lý, tổ chức khai thác đều được doanh nghiệp chủ động trong công tác bố trí lực lượng và phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương (xã, huyện) để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ này cũng đã có nhiều doanh nghiệp làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Trong thực tế, tình trạng khi thăm dò có phát hiện mới về khoáng sản nhưng không báo cáo cơ quan nhà nước quản lý nhà nước về khoáng sản; khai thác khoáng sản đi kèm có giá trị cao hơn khoáng sản chính (VD: khai thác vàng đồng thời với khai thác cát, sỏi lòng sông; khai thác đá ốp lát, khai thác đá hoa trắng đồng thời với khai thác đá VLXDTT) mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền để cho phép trước khi thực hiện vẫn diễn ra.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để thu hồi tối đa khoáng sản có ích, giảm tổn thất khoáng sản trong quá trình khai thác cũng như thực hiện nghĩa vụ báo cáo một cách trung thực quá trình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng ”tài sản” được Nhà nước giao là khoáng sản chưa được thực hiện nghiêm túc. Chính vì vậy, Nhà nước chưa kiểm soát được thực tế sản lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm  cũng như trữ lượng khoáng sản còn lại.

Điều 63 Luật khoáng sản năm 2010 đã quy định “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập, quản lý, lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ đến khi kết thúc khai thác” đồng thời khoản 2 Điều này cũng quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm: “thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản trong khu vực được phép khai thác, sản lượng khoáng sản đã khai thác, chịu trách nhiệm về số liệu đã thống kê, kiểm kê. Kết quả thống kê, kiểm kê của năm báo cáo phải gửi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.” Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo đúng nghĩa nhằm bảo vệ tốt hơn khoáng sản chưa khai thác trong thời gian tới.

Một số nguyên nhân chủ yếu

Còn nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa nhận thức đầy đủ của vai trò, ý nghĩa công tác cắm mốc giới khu vực khai thác mỏ ngoài thực địa trước khi hoạt động để làm tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong ranh giới khu vực được phép hoạt động khoáng sản.

Còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt nghĩa vụ thông báo kế hoạch thăm dò; chương trình, kế hoạch khai thác (ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác) với các cấp chính quyền địa phương; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền xã để triển khai công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực được phép hoạt động khoang sản.

Còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thấy được trách nhiệm của doanh nghiệp khi được nhà nước giao khối tài sản (giá trị trữ lượng khoáng sản trong khu vực được phép khai thác) nên chưa làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản trong khu vực khai thác, đặc biệt là công tác giám sát, theo dõi, thống kê tổn thất khoáng sản trong quá trình khai thác; kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và trữ lượng còn lại để định kỳ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Còn nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ, thiết bị khai thác lạc hậu và thiếu đồng bộ dẫn tới hệ số thu hồi khoáng sản trong quá trình khai thác, tuyển và làm giàu quặng ở mức thấp, gây lãng phí tài nguyên. Ngoài ra việc sử dụng sản phẩm sau khai thác có mức độ chế biến không sâu, sử dụng sai mục đích của khoáng sản có tính chất lượng dụng cũng làm cho giảm giá trị và hiệu quả giá trị của khoáng sản sau khai thác.

Ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng của nhiều chủ đầu tư khi thực hiện dự án khai thác khoáng sản chưa cao. Mục tiêu chạy theo lợi nhuận, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thu hồi vốn nên nhiều doanh nghiệp khai thác đã tìm nhiều cách để trốn tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, cải tạo và nâng cấp hạ tầng cơ sở, hỗ trợ địa phương và nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

Về bảo vệ quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản được khai thác

Người dân, địa phương khu vực có khoáng sản khai thác là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ hoạt động khoáng sản. Quyền lợi của họ là được hưởng một phần từ nguồn thu hoạt động khoáng sản; được doanh nghiệp khai thác hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; được sống trong môi trường đảm bảo; được chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản… Và các quyền lợi đó cần được bảo đảm thực thi bởi các cơ chế, chính sách cụ thể như: chính sách phân phối nguồn thu từ hoạt động khoáng sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; chính sách bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng lao động địa phương; cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản…

Cơ chế, chính sách đảm bảo thực thi quyền lợi cộng đồng hiện nay được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo và quá trình thực thi chính sách còn nhiều bất cập. Nhiều cơ chế, chính sách chưa phát huy được vai trò trong quản lý cũng như điều tiết lợi ích các bên liên quan trong hoạt động khoáng sản, chưa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra. Cụ thể như: (i) Một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành chậm, chất lượng còn chưa cao và chưa đồng bộ, có những quy định chồng chéo, khó triển khai thực hiện. Vì nhiều lý do khác nhau, Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện chưa tốt các chính sách: khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, sử dụng lao động địa phương nơi có khai thác khoáng sản; cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; thu hút các nhà đầu tư và lĩnh vực xử lý chất thải trong hoạt động khoáng sản. Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ Công Thương, Xây dựng, Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT theo yêu cầu của Nghị quyết 535 chưa được thực hiện tốt ; (ii) Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được ban hành có thể nói là khá nhiều. Tuy nhiên một thực tế là rất nhiều dự án công nghiệp nói chung và dự án khai thác khoáng sản nói riêng đang tiếp tục gây ô nhiễm[1]. Công tác lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường còn nhiều bất cập. Trong nhiều trường hợp, báo cáo đánh giá tác động môi trường không phản ánh đúng bản chất của dự án và chủ dự án cũng không thể thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm đã đề xuất trong báo cáo. Nhiệm vụ ký quỹ, thực hiện phục hồi môi trường cũng đã được thực hiện nhưng nói chung còn đang hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu. Các yêu cầu phục hồi môi trường nhìn chung còn đơn giản và nặng tính vật lý, các yếu tố như chất lượng đất, nước rỉ, đa dạng sinh học chưa được xem xét đến. Việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường chưa được đặt ra một cách tích cực, kết quả đạt được rất hạn chế. Các cơ chế về ký quỹ, đặt cọc – hoàn trả, giấy phép phát thải và thị trường trao đổi quyền phát thải, một số loại hình tổ chức tín dụng về môi trường như: ngân hàng môi trường, tổ chức cho thuê tài chính về môi trường cũng hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường chậm được xây dựng và ban hành. Các quy định hiện hành về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn mặc dù đã được Chính phủ ban hành song số kinh phí thu được mới chỉ bằng 1/10 so với tổng kinh phí mà Nhà nước phải chi cho các dịch vụ thu gom và xử lý chất thải. Đã bộc lộ một số mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của Luật Bảo vệ môi trường với một số đạo luật chuyên ngành như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước v.v; chưa có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các Bộ và giữa Trung ương với địa phương. (iii) Quyền được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản của người dân được quy định trong Luật đất đai, các thông tư, nghị định hướng dẫn đền bù và hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đến nay chưa có các quy định cụ thể cho hoạt động khai thác khoáng sản – loại hình hoạt động có tính đặc thù rất cao. Hơn nữa, tổng hợp từ nhiều báo cáo nghiên cứu, một số điều khoản trong các văn bản này không quy định cụ thể hoặc đề xuất mức bồi thường thiệt hại không phù hợp và ít cập nhật so với thực tế. Mức giá đền bù khi thu hồi đất để khai thác mỏ của doanh nghiệp đối với người dân rất thấp; (iv) Các quy định hiện hành không quy định rõ ràng cụ thể về tỷ lệ lao động địa phương tối thiểu doanh nghiệp phải sử dụng, về trách nhiệm của doanh nghiệp khi trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động; (v) Cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng chủ yếu dựa trên “tinh thần tự nguyện”, “hỗ trợ” của doanh nghiệp, chưa có quy định cụ thể; (vi) Hiệu quả nguồn thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản được đánh giá là chưa cao. Ngân sách nhà nước thu được không tương xứng với mức độ khai thác, tổn hại môi trường và chi phí quản lý. Địa phương nơi có khu vực khoáng sản khai thác chịu ảnh hưởng nặng nề do hoạt động khai thác nhưng không được đầu tư đúng mức trong vấn đề thiết yếu như khắc phục ô nhiễm môi trường, nước sạch hay an sinh xã hội; (vii) Vai trò của người dân trong hoạt động khoáng sản chưa thể hiện rõ, vẫn mang tính hình thức.

  Hoạt động khoáng sản đóng vai trò quan trọng, mang lại những đóng góp, lợi ích cơ bản cho sự phát triển của nhiều địa phương, người dân khu vực khai thác, mức sống, thu nhập, cơ hội việc làm ngày càng được mở ra từ HĐKTKS; các hoạt động phát triển kinh tế đi kèm hoạt động khai thác mở ra nhiều cơ hội cho người dân; cơ sở hạ tầng khu vực khai thác được đầu tư mở rộng; nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác đã có những hỗ trợ, thực hiện các trách nhiệm xã hội đối với người dân khu vực, tuy nhiên môi trường sống của người ở những khu vực khai thác khoáng sản chưa thực sự được đảm bảo, người dân chưa thực sự được tham gia, giám sát hoạt động khoáng sản đang diễn ra, nguồn hỗ trợ, đền bù từ việc thu hồi đất đai còn thấp, chưa đáp bảo được sự phát triển bền vững trong tương lai…

Về cơ chế, chính sách bảo vệ các quyền lợi về môi trường: Hoạt động khai thác khoáng sản là hoạt động có xung đột với nhiều lĩnh vực kinh tế khác và môi trường cho các hoạt động kinh tế này cũng đòi hỏi những yêu cầu đặc thù khác nhau, trong khi chưa có những quy định đặc thù để giải quyết xung đột về môi trường giữa hoạt động khoáng sản với các hoạt động khác; Các quy định hiện hành cho thấy có sự mất cân đối giữa yêu cầu về BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản và yêu cầu cũng như cơ chế đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Trong khi, vấn đề BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản có những yêu cầu rất cụ thể về công nghệ sử dụng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện ĐTM; nộp phí môi trường; ký quỹ phục hồi môi trường… thì yêu cầu đối với việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản không có nhiều cơ chế pháp lý để ràng buộc. Ngay chính trong cơ chế quan trọng nhất là cấp phép khai thác cũng như thu thuế tài nguyên cũng chưa được xây dựng dựa trên một quan điểm tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia, khả năng khai thác là có hạn và là tài nguyên không thể tái tạo; Việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động khai thác khoáng sản còn thiếu. Hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật môi trường áp dụng riêng cho từng loại hình khai thác khoáng sản mà dùng chung với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định cho lĩnh vực công nghiệp.

  Về đề xuất các giải pháp: Làm rõ bối cảnh trong và ngoài nước và căn cứ vào các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đề xuất 05 quan điểm và 04 nhóm giải pháp nằm hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác.

Xác định 05 quan điểm: (1) Bảo đảm, thực thi quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác là trách nhiệm của nhiều chủ thể song nhà nước đóng vai trò quan trọng và đặc biệt; cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương tới chính quyền địa phương; (2) Bảo đảm, thực thi quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản khai thác là một quá trình liên tục, kéo dài trong suốt chuỗi giá trị hoạt động khai khoáng; (3) Hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về khoáng sản một cách đồng bộ, thống nhất là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác được thực thi; (4) Nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia vào hoạt động khai thác là cách thức quan trọng để quá trình thực thi, đảm bảo quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản khai thác đạt hiệu quả cao nhất; (5) Học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới về áp dụng các sáng kiến, công cụ mới trong quản trị hoạt động khoáng sản một cách chọn lọc, phù hợp với thể chế, thực tiễn của đất nước.

Đề xuất 04 nhóm giải pháp, trong mỗi nhóm giải pháp bên cạnh việc đề xuất các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, cần áp dụng một số cơ chế, công cụ quản trị mới đã và đang được các nước trên thế giới tiếp cận, áp dụng: (i) Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; (ii) Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phân phối nguồn thu từ hoạt động khoáng sản đảm bảo công bằng, hiệu quả và phát triển bền vững (iii) Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm thiểu, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ hoạt động khoáng sản tới cộng đồng, địa phương (iv) Nhóm giải pháp đảm bảo thực thi quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác.

Kiến nghị: Ban hành Văn bản hướng dẫn thực hiện Khoản 1, Điều 5 của Luật Khoáng sản 2010 về điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và bổ sung trách nhiệm cụ thể của Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng một số các công cụ, cơ chế quản trị khoáng sản hiện đại mà các nước đã và đang áp dụng nhằm đảm quyền lợi người dân, địa phương khu vực có khoáng sản khai thác. Tăng cường chia sẻ, minh bạch thông tin về hoạt động khoáng sản và tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân khu vực có khoáng sản khai thác cũng như toàn xã hội là công cụ, giải pháp hiệu quả, tối ưu nhằm đảm bảo quyền lợi người dân khu vực khai thác khoáng sản nói riêng, hiệu quả đóng góp của hoạt động khoáng sản cho sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.