Bỏ 5 triệu đồng “ẵm” ngay bằng bác sĩ loại giỏi!

Long Nguyễn – Lê Anh

  –  

Thứ hai, 02/11/2020 12:08 (GMT+7)

Chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng có thể sở hữu một tấm bằng bác sĩ hoặc dược sĩ loại giỏi chỉ sau chưa đầy hai tuần. Hoạt động mua bán, làm giả bằng cấp đang diễn ra ngày càng trắng trợn và tinh vi.

Bỏ 5 triệu đồng “ẵm” ngay bằng bác sĩ loại giỏi!
Tang vật để làm bằng bác sĩ giả do Công an Thanh Hóa thu giữ trong chuyên án G820. Ảnh: CACC

Nhộn nhịp “chợ” bằng giả

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “mua bằng giả” trên Google hoặc Facebook, hàng loạt địa chỉ sẵn sàng cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra. Ngông nghênh và công khai. Những kết quả trả về cũng đều na ná nhau, đánh vào tâm lý ưa giá rẻ, thời gian nhanh gọn. Nổi bật có thể kể tới các trang như muabangchuan…, bangthatphoithat… chuyên bằng giá rẻ, mua bằng uy tín toàn quốc,…

Tại các địa chỉ này, một “chợ” bằng nhộn nhịp với đủ loại bằng cấp, trình độ có thể làm giả, mua bán. Để quảng bá và tăng độ tin cậy, những cơ sở làm bằng giả khẳng định mức giả đưa ra đều là rẻ nhất, uy tín, chất lượng, thủ tục đơn giản, nhanh chóng,…

“Nhận làm bằng đại học, tiến sĩ, thạc sĩ, cao đẳng,… Bằng bao gồm đầy đủ bảng điểm, công chứng, giống thật 100%. Nếu làm không giống không lấy tiền” – một lời quảng cáo làm bằng giả đưa ra. Thậm chí, để tăng lượt tiếp cận, nhiều website còn lập fanpage, công khai livestream mua bán, làm bằng giả trên mạng xã hội. Chưa kể, có cơ sở làm bằng còn táo tợn gửi cả thông tin khuyến mãi làm bằng giả qua tin nhắn, zalo để chào mời.

Theo khảo sát của PV, một tấm bằng giả (đã bảo gồm cả bảng điểm và công chứng) có giá từ 3 triệu đồng tới 10 triệu đồng, tùy trình độ. Thời gian để khách hàng có tấm bằng trong tay cũng hết sức nhanh chóng, chỉ từ 5 đến 10 ngày. Đặc biệt, những tấm bằng giả này đều được các bên dịch vụ khẳng định được làm từ “phôi thật, dấu thật, đảm bảo công chứng”.

Trong vai một người cần làm bằng đại học, phóng viên đã trực tiếp liên hệ vào số điện thoại của một trang làm bằng đứng top tìm kiếm Google. Đầu dây nhanh chóng bắt máy, một giọng nữ miền Nam lanh lảnh trả lời. Sau khi biết được nhu cầu của khách hàng, người này cho biết có thể làm bằng của tất cả các trường với phôi thật, dấu thật, giá từ 5 triệu đồng.

Sau đó, người phụ nữ đề nghị tắt máy và sẽ gửi các thông tin qua zalo. Hoạt động giao dịch, trao đổi diễn ra tức thời. Theo chia sẻ, cứ mỗi tuần, cơ sở này lại làm tới hàng trăm bằng cấp giả, đảm bảo “phôi thật, dấu thật, thoải mái lưu hành”. “Bằng đại học khoảng 5 triệu. Hàng đẹp, phôi thật, dấu thật, đảm bảo lưu hành thoải mái. Giao hàng mới thu tiền” – Người phụ nữ, lấy tên Như, cho biết qua zalo.

Không những vậy, cơ sở này còn đảm bảo độ xịn bằng khẳng định chắc nịch “có thể mang công chứng được”. Tuy nhiên, để tiện cho khách, cơ sở này cho biết sẽ tặng sẵn các bản công chứng của bằng và bảng điểm.

Làm giả cả bằng bác sĩ Bằng tốt nghiệp giả trường Đại học Y Hà Nội, được mua với giá 5 triệu đồng. Ảnh: Lê AnhBằng tốt nghiệp giả trường Đại học Y Hà Nội, được mua với giá 5 triệu đồng. Ảnh: Lê Anh

Đáng chú ý, kể cả bằng bác sĩ – một trong những ngành nghề đào tạo gắt gao và cần sự nghiêm túc nhất cũng được người phụ nữ ngay tắp lự. “Chị cho em tên, ngày sinh, giới tính, trường, xếp loại, năm tốt nghiệp. Đảm bảo bằng thật, phôi thật ạ” – bên dịch vụ cho biết.

Chỉ sau vài lời thỏa thuận, việc ngã giá một tấm bằng giả đã xong xuôi. Khoảng 1 tuần sau, bằng tới tay khách hàng đầy đủ tất cả những giấy tờ như đã được thỏa thuận bao gồm 1 bằng bác sĩ y khoa, 1 bảng điểm và công chứng của cả 2 giấy tờ trên. Người giao hàng là một thanh niên trẻ không mặc đồng phục của bất cứ hãng nào, khẳng định chỉ nhận đơn thì đi giao, không biết thêm bất cứ thông tin gì.

Trên tấm bằng bác sĩ “rởm” cũng có đầy đủ tem, số hiệu, dấu và chữ ký của Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội. Bằng này còn ghi rõ “xếp loại tốt nghiệp Giỏi”, “hình thức đào tạo Chính quy” và được ký vào ngày 8.9.2018. Tuy nhiên, ở bảng điểm đi kèm, xếp loại tốt nghiệp lại chỉ ghi là “Khá”?! Lấy lý do số liệu không trùng khớp nhau, PV trả lại toàn bộ số giấy tờ trên và yêu cầu nhận hàng sau.

Ngạc nhiên hơn, dù bằng tốt nghiệp và bảng điểm có sự sai lệch thông tin nhưng các giấy tờ này vẫn được công chứng đầy đủ.

Theo đó, Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng là nơi chứng thực các bản sao này đúng với bản chính của các giấy tờ này. Tờ công chứng cũng ghi rõ được xác thực vào ngày 28.9.2020, số 064, quyển 011, cùng với đó là dấu và chữ ký của Phó Trưởng phòng Phòng Tư pháp có tên Vương Thị Bích Thủy.

Để giải đáp sự khó hiểu này, PV trực tiếp tìm tới Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) xác minh thì nhận được kết quả “ngã ngửa”.

Đại diện Phòng Tư pháp này khẳng định, không hề có việc công chứng cho các giấy tờ nêu trên, kể cả người ký tên đóng dấu cũng không phải là nhân sự của đơn vị này.

“Trong khoảng thời gian năm 2020, Phòng Tư pháp không có bất cứ ai tên là Vương Thị Bích Thủy. Như vậy, đồng nghĩa với việc đây là công chứng giả” – đại diện Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng xác nhận.

* Theo luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật LXS (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hành vi làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hiện nay có diễn biến rất tinh vi và khó phát hiện.

Nhiều loại giấy tờ có thể bị làm giả như văn bằng, chứng chỉ, giấy khám sức khỏe, giấy tờ xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cá nhân, tổ chức thực hiện việc mua bán, làm bằng giả có thể bị xử lý theo tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Triệt phá đường dây làm bằng giả tại Thanh Hóa

Ngày 29.10, công an TP.Thanh Hóa cho biết, đã thực hiện thành công chuyên án G820 triệt phá đường dây làm giả số lượng lớn các loại văn bằng chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, giấy phép lái xe, các loại bằng đại học, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ…

Công an bắt giữ 15 người, thu giữ 7 bộ máy vi tính, 1 ipad, 2 máy in thẻ nhựa, 1 máy ép plastic, 25 thẻ ngân hàng cùng nhiều tài liệu văn bằng, chứng chỉ, học bạ, giấy phép lái xe và các loại phôi, mực in, con dấu giả…

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đường dây này do Lê Thị Liên, Đỗ Thị Giang và Hoàng Thị Hường (cán bộ Trung tâm tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa) lấy danh nghĩa các trường đại học uy tín trong nước được đào tạo cấp các loại văn bằng, chứng chỉ đã câu kết xây dựng hệ thống cộng tác viên để tuyển sinh và tổ chức các lớp ôn thi, cấp chứng chỉ cho học viên có nhu cầu.

Với thủ đoạn này, từ tháng 3 đến tháng 6.2020, các đối tượng đã tổ chức 4 lớp với gần 600 học viên. Trong đó, mỗi hồ sơ học viên các đối tượng thu từ 3,5 – 7 triệu đồng.