Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 (PGS.TS Nguyễn Văn Cừ – PGS.TS Trần Thị Huệ)

Đã có rất nhiều tác giả biên soạn sách bình luận khoa học về Bộ luật dân sự năm 2015. Ở bài viết này, Luật Minh Khuê trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015” do PGS.TS Nguyễn Văn Cừ – PGS.TS Trần Thị Huệ đồng chủ biên.

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015” do PGS.TS Nguyễn Văn Cừ – PGS.TS Trần Thị Huệ đồng chủ biên.

Tập thể tác giả:

1. PGS.TS. Đinh Văn Thanh

2. PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ

3. TS. Vương Thanh Thúy

4. Luật gia. Lê Hoàng Anh Tuấn

5. PGS.TS. Phùng Trung Tập

6. PGS.TS Phạm Văn Tuyết

7. TS. Vũ Thị Hồng Yến

8. ThS. Đào Hoàng Thắng

9. PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh

10. PGS.TS. Trần Thị Huệ

11. ThS. Lê Thị Ngọc Mai

12. ThS. Hoàng Thị Loan

13. TS. Nguyễn Minh Tuấn

14. TS. Nguyễn Minh Oanh

15. ThS. Chu Thị Lam Giang

16. ThS. Lê Thị Giang

17. ThS. Kiều Thị Thùy Linh

18. ThS. Hoàng Thị Loan

19. ThS. Đinh Văn Cường

20. ThS. Nguyễn Văn Hợi

2. Giới thiệu hình ảnh sách

 

Sách Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015 (PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ)

Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Cừ – PGS.TS Trần Thị Huệ (đồng chủ biên)

Nhà xuất bản Công An nhân dân

3. Tổng quan nội dung sách

Bộ Luật dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 24-11-2015 ( có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2017 và thay thế Bộ luật dân sự 2005. Sau 10 năm thi hành, Bộ luật dân sự 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế pháp để hướng dẫn, chỉ dẫn, công nhận, tôn trọng, bảo vệ tốt nhất quyền dân sự; nhiều quy định của Bộ luật chưa thực sự là chuẩn mực ứng xử pháp lý cho mọi chủ thể trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, thiếu cơ sở pháp lý khi các cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều chỉnh của Bộ luật dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung. Ý thức được điều đó, các nhà soạn luật Việt Nam đã xây dựng Bộ luật dân sự năm 2015 phù hợp với sự phát triển về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là sự tồn tại và vận hành của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Bộ luật dân sự 2015 ra đời có nhiều đổi mới cả về kết cấu, nội dung và hình thức thể hiện tư duy pháp lý và quan điểm lập pháp phù hợp; góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dân sự thống nhất, ổn định cũng như nền khoa học pháp lý Việt Nam. Tập thể tác giả gồm các nhà khoa học, các chuyên gia pháp luật dân sự, các nhà nghiên cứu, giảng dạy và những nhà hoạt động thực tiễn biên soạn cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2015” do PGS.TS Nguyễn Văn Cừ – PGS.TS Trần Thị Huệ chủ biên.

Công trình khoa học này là tài liệu quý giá, cung cấp những kiến thức và thông tin thiết thực, bổ ích cho nhu cầu tìm hiểu, nghiêm cứu, học tập, giảng dạy và áp dụng thực tiễn. Phương pháp tiếp cận của nhóm là phân tích làm rõ nội dung của từng điều luật; bình luận các nội dung tích cực và phù hợp với thực tiễn thự hiện và áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự; phát hiện những nội dung còn hạn chế, chồng chéo, trùng lập, thiếu khuyết từ đó có định hướng hoàn thiện.

Nội dung cuốn sách gồm các phần chính sau đây:

Phần I. Quy định chung

Chương 1. Những quy định chung

Chương 2. Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự

Chương 3. Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Chương 4. Pháp nhân

Chương 5. Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở đại phương trong quan hệ dân sự

Chương 6. Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự

Chương 7. Tài sản

Chương 8. Giao dịch dân sự

Chương 9. Đại diện

Chương 10. Thời hạn và thời hiệu

Phần II. Quyền sở hữu và quyền khác khác đối với tài sản.

Chương 11. Quy định chung

Chương 12. chiếm hữu

Chương 13. Quyền sở hữu

Chương 14. Quyền khác đối với tài sản

Phần III. Nghĩa vụ và hợp đồng.

Chương 15. Quy định chung

Chương 16. Một số hợp đồng thông dụng

Chương 17. Hứa thưởng, thi có giải

Chương 18. Thực hiện công việc không có ủy quyền

Chương 19. Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Chương 20. Trách nhiệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Phần IV. Thừa kế

Chương 21. Quy định chung

Chương 22. Thừa kế theop di chúc

Chương 23. Thừa kế theo pháp luật

Chương 24. Thanh toán và phân chia di sản

Phần V. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tồ nước ngoài

Chương 25. Quy định chung

Chương 26. Pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân

Chương 27. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân

Phần thức VI. Điều khoản thi hành

Dưới đây là trích đoạn nội dung bình luận trong cuốn sách để bạn đọc tham khảo:

Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Bình luận:

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân: bằng hành vi của mình xác lập những quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, cũng như việc thực hiện các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự đó. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân cùng với năng lực pháp luật tạo thành tư cách chủ thể của cá nhân. Để có thể tham gia các giao dịch dân sự và trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, mỗi cá nhân phải có tư cách chủ thể. Nghĩa là, ngoài năng lực pháp luật dân sự, cá nhân phải có năng lực hành vi cần thiết khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự thích ứng.

Năng lực hành vi dân sự chính là khả năng để cá nhân tiến hành các hành vi nhất định nhằm: thực hiện năng lực pháp luật, làm cho năng lực pháp luật trở thành hiện thực. Vì vậy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực pháp luật, dựa trên năng lực pháp luật và có sau năng lực pháp luật. Điều 19 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định: năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Pháp luật dân sự công nhận mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự bình đẳng như nhau từ khi sinh ra cho đến khi chết, nhưng năng lực hành vi dân sự của cá nhân lại chỉ có khi đã đạt đến 1 độ tuổi nhất định và có trí tuệ phát triển bình thường. Khi cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về những hành vi của chính mình thì phải hiểu và làm chủ được hành vi của chính cá nhân đó.

Nghĩa là, về ý chí cá nhân đó nhận thức được việc mình đã làm hoặc sẽ làm, về lý trí, chỉ huy được hành vi của mình. Với những lứa tuổi khác nhau, tình trạng tâm thần khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau… sẽ có sự nhận thức khác nhau.

Do đó, pháp luật dân sự không thể công nhận sự bình đẳng về năng lực hành vi trong mọi trường hợp như năng lực pháp luật. Vì vậy, để có thể thực hiện được hành vi, làm chủ được hành vi đó khi tham gia các quan hệ dân sự, cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ dân sự, bảo đảm một số yếu tố nhất định về: độ tuổi, tình trạng tâm thần, kinh nghiệm sống….

Tùy thuộc vào độ tuổi, sự phát triển về trí tuệ và khả năng nhận thức, Bộ luật dân sự năm 2015 tiếp tục phân chia năng lực hành vi dân sự theo các tiêu chí sau đây: người thành niên, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Mỗi chủ thể là cá nhân sẽ có năng lực hành vi dân sự khác nhau.

Điều 20. Người thành niên

1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

Bình luận:

Khoản 1 Điều 20 quy định: “người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên”. Đó là những người đã đến tuổi trưởng thành: từ 18 tuổi tròn trở lên. Cá nhân khi đủ 18 tuổi tròn tính theo ngày, tháng, còn phải là người khỏe mạnh có trí tuệ phát triển bình thường; không bị mắc các bệnh tâm thần, mất trí không bị tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi. Nghĩa là, cá nhân đó có đủ khả năng để nhận thức việc mình làm, đủ khả năng để làm chủ, chỉ huy được hành vi của mình.

Như vậy, những người từ đủ 18 tuổi tính theo ngày tròn được suy đoán là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Những cá nhân này là những Chủ thể có đầy đủ tư cách chủ thể và có thể tham gia vào các quan hệ dân sự độc lập.

Khoản 2 Điều 20 quy định: “người thanh niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa trường hợp quy định tại các điều 22,23 và 24 của bộ luật này”.

Quy định trên đây, người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là những cá nhân có đầy đủ tư cách chủ thể và có thể tham gia vào các quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập.

4. Đánh giá bạn đọc

Mỗi một bộ luật, luật ra đời sẽ có những công trình khoa học nghiên cứu đánh giá, bình giải các quy định trong bộ luật, luật đó nhằm mục đích phổ biến pháp luật, thống nhất trong nhận thức để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành của các quy định pháp luật. Cuốn sách “bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015” do PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ và PGS.TS. Trần Thị Huệ làm chủ biên cũng chính nhằm mục đích đó.

Dựa theo chính bố cục của Bộ luật dân sự năm 2015, các tác giả đã trình bày và bình giải lần lượt các quy định của Bộ luật dân sự một cách súc tích, ngắn gọn, mạch lạc và dễ hiểu giúp bạn đọc dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ tinh thần của điều luật.

Nội dung cuốn sách hữu ích với mọi đối tượng, bởi lẽ Bộ luật dân sự là luật chung nhất, điều chỉnh các vấn đề chung nhất về mọi lĩnh vực trong đời sống, là gốc của các quy định trong luật chuyên ngành, hiểu đúng quy định của luật dân sự sẽ giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận và tiếp cận có logic đối với quy định pháp luật lĩnh vực riêng.

5. Kết luận

Như phần đánh giá bạn đọc đã nêu, cuốn sách “Bình luận khoa học bộ luật dân sự năm 2015” dành được nhiều đánh giá tích cực từ bạn đọc. Đây thực sự là một cuốn tài liệu tham khảo hữu ích đối với bạn đọc, đặc biệt đối với đối tượng là sinh viên, giảng viên, người làm công tác tư vấn pháp lý…