Bình Thuận: Ban hành nghị quyết nâng cao đời sống, chỉ số hài lòng của người dân
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, sau 30 năm tách tỉnh (1992 – 2022), Bình Thuận đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Các lĩnh vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển đồng đều, ổn định công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Bình Thuận đạt khoảng 6,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2022 đạt khoảng 56,2 triệu đồng, thuộc nhóm cao trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
QUẾ HÀ
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận, nghị quyết của Tỉnh ủy nhận định, nhìn chung thu nhập của phần đông người dân vẫn còn thấp, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là do quy mô của nền kinh tế của địa phương còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu.
Mục tiêu phát triển bền vững và “không để ai bị bỏ lại phía sau” còn nhiều thách thức. Do vậy, nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận lần này nêu quan điểm “lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển”.
QUẾ HÀ
Kiên trì 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp
Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận lần này vẫn kiên trì theo đuổi 3 trụ cột của nền kinh tế, đó là phát triển công nghiệp (chú trọng năng lượng xanh), du lịch và nông nghiệp.
Ông Dương Văn An cho biết, ngay sau Đại hội 14 của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 3 nghị quyết về “3 trụ cột kinh tế”. Theo đó, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030 và phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế, chủ đạo, xuyên suốt của tỉnh trong những năm tiếp theo”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho hay.
Trước mắt, Tỉnh ủy Bình Thuận tập trung vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
QUẾ HÀ
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao dịch vụ hành chính công để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
“Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bao gồm cả đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính; nâng hạng các chỉ số cải cách hành chính, quản trị, chỉ số hài lòng của người dân; nâng cao chất lượng phục vụ để người dân được tiếp cận các dịch vụ hành chính công dễ dàng, thuận lợi nhất”, ông Dương Văn An nhấn mạnh.
Cũng theo ông An, nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận lần này còn nhấn mạnh đến việc xây dựng chính quyền số. Công khai, minh bạch thông tin đến người dân, doanh nghiệp trên các lĩnh vực như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, danh mục các dự án thu hút đầu tư, thủ tục hành chính công, thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến và thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
QUẾ HÀ
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang sinh thái, nhà tang lễ, nhà hỏa táng, các nhà máy xử lý rác thải.
Về an ninh trật tự, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ; phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng, phát huy tình làng, nghĩa xóm, “tinh thần tương thân, tương ái” trong nhân dân.
“Quan điểm của tỉnh là phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống và chỉ số hài lòng của người dân”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nhấn mạnh.