Bình Dương: Thực hư chuyện tuyển lao động việc nhẹ, lương cao!
Nạn nhân C.T.H. bức xúc trình bày việc bị lừa chiếm đoạt 700.000 đồng
Theo phản ánh của người dân, họ đã bị sập bẫy lừa vì tin vào những thông tin của Công ty Cổ phần Vận tải L. H. đã đăng tin tuyển dụng mức lương khủng như thế này!
Ông C.T.H. (37 tuổi, quê Hậu Giang, tạm trú trên địa bàn TX.Tân Uyên), cho biết: “Thông qua thông tin tuyển dụng trên mạng của Công ty Cổ phần Vận tải L.H., phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.Hồ Chí Minh với mức lương 600.000 đồng/ngày đối với công việc bốc xếp tại kho, làm việc tại Bình Dương, tôi đã đến công ty này đăng ký làm việc. Tôi làm việc với người tên Nhã, tự xưng là cán bộ quản lý nhân sự của Công ty này. Chị này yêu cầu tôi đóng 500.000 đồng để mua đồng phục, 200.000 đồng tiền làm thẻ. Theo thỏa thuận giữa tôi và chị Nhã, ngoài số tiền này ra chúng tôi không đóng thêm bất kỳ khoản phí nào. Điều đáng nói là trong lúc làm hợp đồng khoán việc với người của công ty, chị Nhã không yêu cầu tôi nộp ảnh thẻ, sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Trong khi đó hợp đồng khoán việc đã được đánh máy, đóng dấu sẵn, tôi chỉ cần điền tên và ký vào văn bản mà thôi.
Sau khi ký xong hợp đồng, chị Nhã đưa cho tôi một bì thư, bên ngoài phong bì có ghi số điện thoại của anh Nam phụ trách địa phận Dĩ An. Bên trong bì thư là bản hợp đồng khoán việc. Cứ nghĩ theo thông tin này khi chúng tôi về TX.Dĩ An sẽ được làm việc với mức lương đã thỏa thuận. Tuy nhiên, khi đến TX.Dĩ An, tiếp chúng tôi là nhóm người xăm trổ đầy mình đang “đóng đô” trong một quán cà phê chòi tại phường Dĩ An, TX.Dĩ An. Tại “văn phòng” này, một nhân viên của công ty đã thu giữ bản hợp đồng khoán việc của tôi. Tiếp đến, một thanh niên tên Nam yêu cầu tôi phải đóng thêm 300.000 đồng để anh này làm bảng lương; 250.000 đồng “lệ phí dẫn người mới” vào kho.
Cũng theo anh H., những tình tiết phát sinh như bị người của công ty đòi thêm tiền, thu giữ bảng hợp đồng khoán việc là khác với những gì thỏa thuận giữa anh và nhân viên tên Nhã trước đó. “Tôi điện lại cho chị Nhã phản ánh thì người này xúc phạm tôi, sau đó cúp máy, chặn số điện thoại của tôi”, anh H. bức xúc cho biết.
Tương tự, cũng theo thông tin được Công ty L.H. đăng tuyển dụng trên mạng với mức lương hấp dẫn, anh Ngô Văn V. (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã đến công ty này xin đi làm bốc xếp. Anh V. cho biết: “Trong lúc trao đổi thỏa thuận về mức lương, chị Nhã yêu cầu tôi đóng 700.000 đồng tiền lệ phí, bao gồm tiền đồng phục và làm thẻ khi đi làm. Sau đó chị Nhã hướng dẫn tôi về TX.Dĩ An gặp người tên Nam để nhận việc”.
Theo anh V., “văn phòng” đại diện địa bàn TX.Dĩ An của Công ty L.H. là một quán cà phê chòi lá có nhiều thanh niên xăm trổ rất dữ tợn. Tại quán cà phê này, một người tên Nam đã thu giữ bảng hợp đồng khoán việc của anh và đề nghị anh đóng thêm 500.000 đồng để được đưa đi nhận việc. “Như vậy là sai với nội dung thỏa thuận giữa tôi và chị Nhã trước đó. Bức xúc, tôi điện lại cho chị Nhã thì chị này nói ngắn gọn: “Em không tiếp tục đóng tiền thì xem như bỏ việc. Chúng tôi không giải quyết”. Sau đó chị Nhã cúp máy và chặn số, tôi không thể liên lạc được”.
Liên quan đến việc công ty tung chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tìm việc, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Trong nhiều tháng nay, ngày nào chúng tôi cũng nhận được phản ánh của người dân bị công ty lừa đảo tuyển dụng để chiếm đoạt tiền. Nhiều nạn nhân phản ánh bị nhóm người lừa đảo thu lại bảng hợp đồng khoán việc được ký kết giữa người tìm việc và người công ty; đây là hành vi hủy chứng cứ của đối tượng lừa đảo, đưa người lao động vào thế khó!”.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ – Việc làm tỉnh, khuyến cáo: “Trước việc tái diễn tình trạng lừa đảo người lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, hiện nay Trung tâm Dịch vụ – Việc làm tỉnh khuyến cáo người tìm việc đề cao cảnh giác khi xin việc làm phổ thông được các trang mạng, thông tin tờ rơi được các đối tượng treo dán trên trụ điện. Cụ thể như, hiện nay nhiều đối tượng bất lương đã đăng tin trên mạng xã hội để tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương khá cao, mục đích là trục lợi từ tiền đóng lệ phí ban đầu người tìm việc. Người cần việc nên tìm hiểu các trang tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ – Việc làm của tỉnh và những trang tin chính thống của Nhà nước để đăng ký việc làm sẽ bảo đảm được quyền lợi của người lao động.
Lời kể của ‘cô gái nhảy lầu vì bị ép tiếp khách trong quán Karaoke ở Bình Dương‘ Cô gái nhảy lầu tự tử vì bị ép “tiếp khách“ quán karaoke ở Bình Dương?
Để người tìm việc không “dính” phải bẫy lừa đảo của các đối tượng, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ – Việc làm tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở nhiều địa phương tuyên truyền, giới thiệu cho 30.000 người có việc làm ổn định. Ngoài ra, trung tâm cũng đã tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi đến nhiều khu phòng trọ trên địa bàn tỉnh với nội dung nêu rõ các hình thức, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng để người dân cảnh giác. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn thì rất cần sự vào cuộc của các Câu lạc bộ Chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh”.