Biên tập viên là gì? Nhiệm vụ, vai trò của biên tập viên báo chí?
Biên tập viên là gì? Biên tập viên báo chí là gì? Nhiệm vụ của biên tập viên báo chí? Vai trò của biên tập viên báo chí?
Nghề biên tập viên ngày được biết đến nhiều hơn và dành được nhiều sự quan tâm từ mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là đối với những ai có sở thích viết lách. Vậy công việc này có nhiệm vụ và vai trò là gì, yêu cầu kỹ năng, kiến thức gì?
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
1. Biên tập viên là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM) : “Biên tập là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu, đưa đi xuất bản”. Một cách chính xác, biên tập viên không phải là một nghề mà là một vị trí công việc, xuất hiện trong các lĩnh vực như Báo chí, Truyền hình, Xuất bản…
Hiện nay, việc làm biên tập tuy không là nghề “hot”, nhưng vẫn là nghề dành được nhiều tình cảm của các bạn trẻ. Những người trẻ yêu viết lách hẳn sẽ yêu biên tập. Và những ai đang tìm việc làm biên tập sẽ phải nghĩ đến điều đầu tiên: Người biên tập đến với nghề bằng đam mê, và có theo đuổi nó hay không, phụ thuộc vào khả năng và đam mê của chính họ.
Do yêu cầu khắt khe về kiến thức và kỹ năng, bắt buộc các nhà biên tập phải luôn luôn nỗ lực học hỏi và tự hoàn thiện bản thân mình để thoát khỏi sự đào thải nghiệt ngã của nghề. Tuy nhiên, đến với nghề biên tập, bạn sẽ “ được” nhiều thứ vô giá. Đó là bản lĩnh viết lách, là một kho tàng kiến thức, và những kỹ năng cần thiết để vững vàng trong cuộc sống. Điều đó lý giải vì sao biên tập vẫn là lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Hễ có người viết thì có người biên tập. Người biên tập đọc lại, suy nghĩ, làm cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Họ có mặt ở mọi nơi: trong các tờ báo ngày, báo tuần, các nhà xuất bản, tại đài truyền thanh, đài truyền hình, công ty giao tế nhân sự và quảng cáo. Tại các nước phát triển, họ còn hiện diện trong các cơ quan chính phủ, trường học và doanh nghiệp bình thường. Hiện nay, có cả người biên tập thông tin cho các trang Web.
Nói chung, ngày nay, không một nhà lãnh đạo cơ quan truyền thông nào mà lại không thừa nhận giá trị của các biên tập viên giỏi. Các báo Việt Nam trả lương cho người biên tập cao hơn cho phóng viên cùng trình độ; có thể gần gấp đôi. Các tờ báo, tạp chí, đài truyền thanh, đài truyền hình uy tín có một điểm chung: tất cả đều sử dụng những biên tập viên giỏi. Tay nghề cao của tập thể biên tập viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh cho một cơ quan truyền thông.
Như vậy, biên tập viên là một vị trí công việc xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp như báo chí, truyền hình, xuất bản… Cứ ở đâu có người viết thì ở đấy ắt sẽ xuất hiện người biên tập. Biên tập viên là người đảm bảo sự chỉnh chu về hình thức, nội dung sản phẩm trước lúc công khai với công chúng. Bởi vậy, vị trí này yêu cầu kiến thức, kỹ năng chuyên sâu nhằm đảm bảo chất lượng của các bản thảo văn học, bài viết của phóng viên hoặc kịch bản của các chương trình truyền hình.
Biên tập viên trong tiếng Anh là Editor
2.
Nhiệm vụ của biên tập viên báo chí:
Biên tập viên không đơn giản chỉ là người… soi lỗi. Công việc của họ khá đa dạng và phức tạp, bao gồm từ việc nghe ngóng tin tức, lựa chọn đề tài, làm việc với phóng viên, cho tới sửa bài, chỉ dẫn trang…
Ở các tòa soạn, biên tập viên có nhiệm vụ nhận bài viết của các phóng viên để sàng lọc, chỉnh sửa hình thức, ngôn từ. Biên tập viên không chỉ đảm nhận việc sửa lỗi chính tả mà còn phải kiểm tra nguồn thông tin bài viết, tránh trường hợp thông tin bị bịa đặt, xuyên tạc. Họ chính là người bảo vệ uy tín của toàn soạn và các phóng viên bằng việc kiểm định các thông tin trước khi chúng được xuất bản.
Trong lĩnh vực truyền hình, biên tập viên thực chất cũng chính là phóng viên truyền hình. Đã bao giờ bạn bắt gặp hình ảnh chỉnh chu, nhàn nhã của phóng viên trên tivi chưa? Thực chất, công việc của họ không chỉ đơn giản là đọc cho khán giả nghe đâu. Ở khâu chuẩn bị, họ phải lên ý tưởng, tìm kiếm nguồn tin, lấy tin, biên tập thành bản tin, cuối cùng mới là đọc tin cho mọi người nghe đấy.
Biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản là một người đảm bảo sự chỉnh chu cho một cuốn sách trước khi nó được xuất bản. Đôi khi, biên tập viên sẽ phải đồng hành cùng tác giả để tạo nên cấu trúc hoàn chỉnh cho một quyển sách. Nội dung một quyển sách bao gồm ti tỉ vấn đề: Từ việc title có bắt tai không, đến dùng ảnh nào minh họa thì sẽ phù hợp, đoạn này diễn đạt đã hợp lí chưa…
3. Vai trò của biên tập viên báo chí:
Vai trò của biên tập viên là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, ít có người nào lại không một lần mắc lỗi biên tập. Có vô vàn nguyên nhân (cả khách quan, chủ quan) dẫn đến sai sót trong công tác biên tập của biên tập viên. Dưới góc độ nghề nghiệp, sai sót trong khâu biên tập nói chung là không thể tránh khỏi. Do vậy, người làm công tác biên tập phải hết sức cẩn trọng, hạn chế tối đa những sai sót không đáng có để hoàn thành tốt chức năng “Bà đỡ” của tác phẩm báo chí. Chức năng đó được thể hiện ở những vai trò cơ bản sau đây:
Thứ nhất, với vai trò như người thợ hoàn kim giỏi
Biên tập là sửa chữa, làm đẹp giúp tác phẩm hay hơn, sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, tác phẩm của tác giả có thể mắc những lỗi nhất định như lỗi chính tả, kỹ thuật soạn thảo văn bản, hành văn, ngữ nghĩa; không phù hợp tôn chỉ, mục đích của tờ báo; vi phạm quan điểm chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Công việc của biên tập viên là phải kịp thời phát hiện và chỉnh sửa những lỗi đó. Để làm được việc này, ngoài bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đòi hỏi biên tập viên phải có đức tính cần mẫn, chịu khó nghe nhiều, đọc nhiều và tích cực tra cứu thông tin có liên quan đến nội dung bài viết và lĩnh vực được phân công biên tập. Chính vì vậy, họ được ví như những người “thợ kim hoàn” có tay nghề giỏi, phải luôn “làm đúng, làm đủ, làm đẹp” để tác phẩm báo chí lung linh hơn, có tính thẩm mỹ hơn.
Tác phẩm báo chí được độc giả đón nhận trước hết, trên hết là do nội dung hay, sâu sắc, có tính thời sự và kỹ thuật trình bày đẹp, thẩm mỹ. Bởi vậy, biên tập viên phải biết “gạn đục, khơi trong”, chuẩn xác về câu từ, ngữ nghĩa, hành văn diễn đạt để tác phẩm trong hơn, sáng hơn, dễ nhớ, dễ hiểu và làm đẹp hơn cho tác phẩm.Muốn vậy, biên tập viên phải khéo léo đánh bóng những vết nhám, vết sần, vá víu những lỗ hổng, khiếm khuyết làm cho tác phẩm sạch hơn, tinh hơn trước khi đến với công chúng.
Thứ hai, với vai trò như người gác cổng kiểm tra
Biên tập viên phải hiểu biết và có thế giới quan, phương pháp luận khoa học; biết “nương theo” văn bản, dựa vào ý tưởng có sẵn, đọc đi đọc lại nhiều lần bản thảo để phát hiện ra những “hạt sạn” của tác phẩm. Nếu phát hiện những lỗi thuộc về câu từ, ngữ nghĩa mà tác giả chưa hiểu rõ bản chất khoa học của vấn đề, hiện tượng thì biên tập viên phải trao đổi, làm rõ để đi đến thống nhất. Trường hợp tác giả vô tình, hoặc hữu ý sử dụng các từ, cụm từ, câu văn theo dụng ý riêng, có nội dung không phù hợp với tôn chỉ tờ báo, sai về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lợi ích của Nhân dân, người biên tập phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ. Trường hợp tác giả kế thừa, sao chép ý tưởng, “copy – paste” nội dung các công trình đã công bố, người biên tập phải báo cáo với lãnh đạo toà soạn để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng luật… Có như vậy, biên tập viên mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gác cổng của mình.
Thứ ba, vai trò cầu nối giữa tác giả và độc giả
Biên tập là quá trình tương tác giữa người biên tập với tác giả thông qua tác phẩm nhằm đưa tác phẩm hay đến với công chúng. Như vậy, biên tập viên chính là nhịp cầu nối giữa tác giả với công chúng. Tiến độ, nhịp điệu, chất lượng và hiệu quả “cầu nối” phụ thuộc rất nhiều vào sự “thông minh” của biên tập viên. Thực tế cho thấy, không phải tác giả nào cũng có khả năng viết tốt; thậm chí văn bản đến tay biên tập viên chỉ là ý tưởng phác thảo, nguyên liệu thô của tác giả. Do vậy, biên tập viên phải là người chắp nối các ý tưởng, biên tập, hoàn thiện giúp bản thảo trở nên tinh hơn, hoàn chỉnh hơn. Về góc độ này, rõ ràng, biên tập viên là khâu trung gian kết nối giữa tác giả với độc giả. Nếu khâu này bị lỗi nhịp ở đâu đó, tất yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả và tính thời sự của bài viết.
Biên tập viên là một nghề, nhưng là nghề rất khó. Ở đó, đòi hỏi sự vất vả, hy sinh thầm lặng của những người trong cuộc. Để hoàn thành chức năng “Bà đỡ” của tác phẩm báo chí, biên tập viên phải được tôi luyện về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhạy bén, tinh tế, có trí nhớ tốt và kiến thức toàn diện, nhất là kiến thức chuyên ngành, liên ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực được phân công biên tập. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, biên tập viên phải công tâm, khách quan, dân chủ, luôn đặt yếu tố chất lượng, uy tín và thương hiệu của toà soạn lên hàng đầu; không được vì một lý do nào đó làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của tờ báo, danh dự của tác giả và bản thân; đồng thời thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà báo, nâng cao trình độ mọi mặt, xứng đáng với vai trò là “Bà đỡ” của tác phẩm báo chí.