Biến động ngoại tệ tác động thế nào đến doanh nghiệp?
Các chuyên gia nhận định việc một số đồng tiền chủ chốt biến động sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, giao dịch thương mại tại Việt Nam chủ yếu dựa vào đồng USD, do đó tác động của những ngoại tệ trên tổng thể về cán cân thanh toán không quá quan ngại.
Doanh nghiệp có bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các sản phẩm làm từ gạo như bún, phở khô đều đặn mỗi tháng 10 container sang thị trường khó tính EU, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, đồng Euro giảm giá sâu ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Biến động tỷ giá ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng đã ký, các doanh nghiệp đều bị thiệt thòi. Thí dụ ký hợp đồng 10 kênh thì ảnh hưởng hết 10 kênh. Những ngày tiếp theo, đơn hàng mới sẽ theo tỷ giá mới. Điều này không phải do bên mua hay bên bán, mà do tình hình chung, nên các nhà nhập khẩu có lợi hơn các nhà xuất khẩu”, ông Bình nói.
May mắn hơn doanh nghiệp trên, tại Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam sản xuất những thấu kính được dùng cho các hãng máy ảnh, máy quay tại Nhật Bản, từ đầu năm đến nay, lượng hàng doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 7 triệu USD. Việc sử dụng đồng USD để thanh toán giúp doanh nghiệp hạn chế thua thiệt khi hàng loạt đồng tiền biến động mạnh.
Ông Ogawa Toshihiro, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam cho biết: “Nếu tính chung cả giá trị nhập khẩu nguyên liệu thì chúng tôi giao dịch khoảng 10 triệu USD từ đầu năm đến nay. Chúng tôi hầu như không phải bận tâm đến tỷ giá. Đặc biệt sự ổn định của tỷ giá giữa USD và tiền đồng Việt Nam giúp doanh nghiệp tự tin triển khai những kế hoạch còn lại trong tương lai”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng thừa nhận, trong ngắn hạn, việc đồng Euro và Yên Nhật mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng hai ngoại tệ này.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.
Mặt khác, Bộ Công thương còn thực hiện kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ, phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Lợi và hại của việc biến động tỷ giá
Các chuyên gia cho rằng, việc các đồng tiền khác như USD, Euro hay Yên Nhật biến động đều ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Nhật Bản. Dù vậy, hoạt động ngoại thương của Việt Nam tại thị trường sử dụng đồng USD lớn nhất (chiếm khoảng 70%), sau đó mới đến thị trường sử dụng đồng Euro và yên Nhật (5%-8%), nên về mặt xuất khẩu bị ảnh hưởng nhưng chưa đáng kể.
Ông Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng chính sách Tiền tệ Quốc gia cho biết, trước hết, doanh nghiệp nhập khẩu từ khu vực châu Âu và Nhật Bản thông qua đồng Euro và đồng Yên sẽ được lợi vì giá rẻ.
Tuy nhiên với xuất khẩu đương nhiên là không được lợi nếu tỷ trọng đồng Euro và Yên lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu qua thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thì tùy theo nhóm hàng và lựa chọn đồng tiền thanh toán, nhưng đa phần các doanh nghiệp vẫn lựa chọn đồng USD để thanh toán và đồng Euro, Yên Nhật chiếm tỷ trọng không lớn.
Hơn nữa, theo ông Phước, tính đến thời điểm này, VND chỉ mất giá khoảng 2,5%-3% trong năm nay cũng không tác động nhiều. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá chỉ tăng 2,3% trong khi xuất khẩu tăng tới 18% và đây là tín hiệu tốt.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.
“Nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD hay đồng Euro. Cùng với đó lạm phát, chiến sự Nga-Ukraine, dịch bệnh… đều tác động đến một số thị trường trọng điểm của Việt Nam, nên việc xây dựng chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường là cần thiết nếu tình trạng kể trên kéo dài”, ông Hiếu nói.
Còn với việc tăng giá của đồng USD, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ làm tăng áp lực điều chỉnh tỷ giá tương lai của VND… Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều thuận lợi như kinh tế tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán thặng dư… Đó là những sức mạnh riêng giúp VND không bị kéo theo tình trạng mất giá mạnh như nhiều đồng tiền khác trên thế giới.
Việc VND ổn định hơn so với các ngoại tệ khác cũng được đánh giá là một trong những điểm tích cực của điều hành chính sách tỷ giá từ Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này cho biết định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt nhưng sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ khi cần thiết để ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có thể bổ sung nguồn cung chính là lượng dự trữ ngoại hối tới gần 110 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối vốn được xem là bộ đệm quan trọng, khẳng định tiềm lực tài chính, giúp các quốc gia có thể chủ động ổn định thị trường.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ giá USD/VND hiện nay tăng trên 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của điều hành chính sách tiền tệ là góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung cho thị trường thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân; trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.