Biển đảo hoang sơ ở Quảng Ngãi
Nằm tại miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 km bờ biển với nhiều bãi biển nổi tiếng gồm Khe Hai, Lệ Thủy, Phước Thiện, Thanh Thủy, Châu Tân (Bình Sơn), Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi), Đức Minh (Mộ Đức), Sa Huỳnh (Đức Phổ). Trong ảnh, làng chài bình yên Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn).
Nổi tiếng nhất trong số đó có bãi biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) với bãi cát kéo dài hơn 5 km, là bãi tắm lý tưởng hấp dẫn du khách.
Người dân, du khách tập thể dục, tắm biển đón ngày mới ở bãi biển Mỹ Khê.
Trong khi đó, vùng biển Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) độc đáo với dấu tích miệng núi lửa cổ rộng khoảng 30 m2, còn nguyên vẹn, nằm sát bờ. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng (Chuyên gia Viện Nghiên cứu địa chất, địa mạo, Nhật Bản) ví nơi đây là kỳ quan “Vịnh Hạ Long trầm tích núi lửa”. Địa chất vùng biển nơi đây kiến tạo từ hoạt động núi lửa có niên đại 6-11 triệu năm trước.
Thắng cảnh Hang Cau, huyện đảo Lý Sơn hoang sơ, kỳ vĩ. Du khách thích thú check-in ở vách núi trầm tích núi lửa hàng triệu năm nơi đây. “Đặt chân đến tham quan đảo Lý Sơn, tôi bị mê hoặc bởi cảnh đẹp hoang sơ và những vách đá núi kỳ thú. Nghỉ dưỡng nơi đây, tôi ngỡ như lạc giữa thiên đường du lịch biển đảo”, chị Trần Thị Nhi (ngụ Hà Nội) chia sẻ.
Du khách tắm biển ở thắng cảnh Bãi Sau, đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn. Các thời kỳ phun trào núi lửa khác nhau đã tạo nên những tuyệt phẩm tự nhiên từ sự tương tác giữa biển và núi lửa.
Trầm tích núi lửa nhuốm màu rêu xanh, tạo bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở vùng ven biển Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. “Di sản địa chất ở Quảng Ngãi như bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi trên thế giới”, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết.
Những chiếc thuyền đan bằng nan tre tạo nên bức tranh làng chài bình yên trên bãi biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức.
Bãi biển Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thoai thoải, kéo dài hơn 10 km, từ lâu trở thành bãi tắm lý tưởng cho người dân địa phương cùng du khách.
Theo Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng năm 2030, Quảng Ngãi chú trọng phát triển mạnh ba dòng sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Trong đó, lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.
Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây. Địa phương có đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sắp tới có thêm cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Bình Định, gần sân bay Chu Lai, quốc lộ 1 và sắp đến là đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh nối liền dải đất miền Trung mở ra cơ hội hấp dẫn du khách.