Bí tích và Gia đình

Năm 2014 là Năm Gia Đình, năm Thánh Hóa Gia Đình, năm Phúc Âm Hóa Gia Đình. Tế bào gia đình tuy nhỏ nhưng quan trọng, vì gia đình là nền tảng xã hội, là Giáo hội thu nhỏ. Có thể nói rằng mọi sự giáo dục đều được khởi sự từ gia đình. Dù là ai thì cũng phải bước ra từ một gia đình, dù gia đình đó giàu hay nghèo, nhà đó to hay nhỏ.

Một trong các phương thức thánh hóa đời sống gia đình là sống đời sống bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, đồng thời chúng ta cũng tự kiểm điểm đời sống hôn nhân của mình.

Các bí tích (gọi tắt là “phép”) trong đạo Công giáo là các “bảng hướng dẫn” cho Đức Tin của chúng ta. Các bí tích là bản đồ chỉ đường để chúng ta sống Đức Tin suốt đời, khởi đầu từ Bí tích Thánh tẩy. Nhưng mục đích của các bí tích là gì? Có phải là các nghi thức, hoặc các phương thức để chúng ta lãnh nhận ơn Chúa? Đối với nhiều người Công giáo, đó là các vấn đề không dễ.

Muốn hiểu các bí tích, chúng ta phải đi từ đầu. Giáo hội Công giáo có 7 bí tích:

1. Thánh Tẩy (Rửa Tội).

2. Thêm Sức.

3. Thánh Thể (Mình Thánh Chúa).

4. Hòa Giải (Thống Hối, Cáo Giải).

5. Xức Dầu Thánh (Bệnh Nhân).

6. Truyền Chức Thánh.

7. Hôn Phối.

Giáo hội phân chia các bí tích thành ba nhóm:

1. Các bí tích khai tâm: Thánh Tẩy, Thêm Sức, và Thánh Thể.

2. Các bí tích chữa lành: Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân.

3. Các bí tích phục vụ cho sự hiệp thông: Truyền Chức Thánh và Hôn Phối.

Tuy là 7 bí tích nhưng vẫn quy về một mối, như Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô nói: “Tất cả các Bí tích đều hướng về Bí tích Thánh Thể như mục đích đặc thù của mình”.

Đa số chúng ta, với cuộc sống bình thường, đều lãnh nhận 6 bí tích. Một số ít có thể lãnh nhận chỉ 5 bí tích – các tu sĩ và người không đi tu cũng không lập gia đình, hoặc lãnh nhận cả 7 bí tích – linh mục hồi tục và kết hôn, hoặc đã có gia đình rồi đi tu và làm linh mục (hiếm).

Ân sủng trong đời sống

Một số người cảm thấy bí tích chỉ là nghi thức. Một số người cảm thấy bí tích là phương thức đạt được ơn cứu độ. Thật ra bí tích bí tích có mục đích và ý nghĩa sâu xa hơn. Bí tích không chỉ là phương thức để chúng ta được lãnh nhận ơn Chúa, mà bí tích là cách Đức Kitô chia sẻ ơn phúc cho chúng ta. Không có cách nào khác để chúng ta đạt được ơn Chúa mà Ngài muốn chia sẻ với chúng ta. Ngoài dấu chỉ bề ngoài, Đức Kitô chia sẻ các bí tích với chúng ta để bày tỏ tình yêu vô biên của Ngài. Bí tích là cách để chúng ta kết hiệp với Ngài và phát triển mối quan hệ sâu xa với Ngài qua Đức Tin. Bí tích làm cho chúng ta có sự kết hiệp thực sự với Đức Kitô. Quả thật, bí tích là tặng phẩm vô giá của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Bí tích là dấu chỉ công việc của Đức Kitô trong đời sống chúng ta, được Giáo hội thực hiện, và kết quả là đời sống chúng ta được thông phần với Đức Kitô. Thật kỳ diệu biết bao! Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta cũng yêu mến Ngài. Ngài ban các bí tích cho chúng ta để chúng ta đến gần với Ngài hơn. Qu các bí tích, chúng ta có cách cụ thể để kết hợp với Đấng Cứu Độ.

Cả đời sống Kitô hữu phải được thấm nhuần và được ghi dấu bởi các bí tích và phụng vụ. Cuộc sống hằng ngày của người Công giáo phải là đời sống của phụng vụ. Việc lãnh nhận các bí tích giúp chúng ta sống đời sống phụng vụ, nhưng không chỉ có nghĩa là tham dự Thánh lễ Chúa nhật và xưng tội mỗi năm một lần theo luật Giáo hội buộc. Hằng ngày chúng ta phải sống trong ân sủng và bí tích. Hằng ngày đều có các ân sủng qua các bí tích, chúng ta phải không ngừng đáp lại. Nhưng bằng cách nào?

Đời sống Kitô giáo

Trước tiên, chúng ta phải nhận thức điều này: “Thánh Thể là nguồn và là đỉnh cao của đời sống Kitô giáo” (GLCG, 1324). Đó là nguồn mà chúng ta có sức mạnh để hằng ngày sống đời sống bí tích, và đó là đỉnh cao mà chúng ta vươn tới trong cương vị Kitô hữu, nghĩa là càng ngày càng kết hiệp mật thiết với Đức Kitô hơn. Ân sủng của bí tích luôn luôn có sẵn. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Ai có thể nên thánh? Tất cả những ai hằng ngày đáp lại các ân sủng mà họ nhận được để có Chúa sống trong họ, như Thánh Phaolô xác nhận: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20).

Sống đời sống bí tích cũng có nghĩa là sống cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng, kết hiệp với Chúa mọi nơi và mọi lúc, cả linh hồn và thể xác. Tích cực tham dự Thánh lễ là điều cần thiết, thế nhưng một số người thường tới nhà thờ khi đã hết phần phục vụ Lời Chúa. Nên chấn chỉnh ngay! Chúng ta phải tự biết mình ở đâu, làm gì và Thánh lễ đang diễn tiến tới đâu. 

Thánh lễ tái diễn cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, là suối nguồn ân sủng làm cho đời sống Kitô hữu dồi dào, là ân sủng của của các ân sủng. Hãy cố gắng tham dự Thánh lễ hằng ngày.

Kinh Phụng Vụ

Một cách khác để tiếp tục sống đời sống bí tích là cầu nguyện bằng Kinh Phụng Vụ (Nhật Tụng hoặc Thần Vụ). Ngày nay, Kinh Phụng Vụ không chỉ dành cho giáo sĩ và tu sĩ. Công đồng Vatican II mời gọi mọi người cầu nguyện bằng Kinh Phụng Vụ, lời kinh nguyện của Giáo hội. Kinh nguyện này nối kết chúng ta với Thánh lễ và có thể giúp chúng ta lãnh nhận thêm ân sủng và đáp lại ân sủng.

Kinh Phụng Vụ giúp chúng ta thấm nhuần Phụng Vụ và nối kết với Thánh lễ. Đời sống cầu nguyện của chúng ta nên phản ánh sự hiểu biết Phụng Vụ và tích cực tham dự Phụng Vụ. Các ngày lễ nhớ, lễ kính và lễ trọng, chúng ta nên cầu xin (các) vị thánh đó nguyện giúp cầu thay cho chúng ta biết đáp lại tiếng Chúa một cách hiệu quả nhất, qua các bí tích. Tất nhiên, chúng ta phải đặc biệt cầu xin Thiên Chúa xót thương, cầu xin Đức Thánh Trinh Nữ Maria và Đức Thánh Giuse nguyện giúp cầu thay. Chúng ta cần cố gắng noi gương các thánh là biết đáp lại ân sủng mà Chúa thương ban.

Các Bí Tích

Một cách khác để tiếp tục sống đời sống bí tích là lãnh nhận chính các bí tích. Giáo hội trao cho chúng ta nước phép để nhắc nhở chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy, nến phép để nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô là Ánh Sáng thế gian, và nhiều những thứ khác, mỗi thứ nhắc nhở chúng ta về những điều khác nhau: Ảnh tượng, Chuỗi Mân Côi, Chuỗi Lòng Thương Xót, huy hiệu,…

Sùng kính các bí tích là dấu chỉ chúng ta thành kính tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời là dấu chỉ ước muốn lãnh nhận ân sủng và đáp lại ơn thánh hóa. Do đó, đừng coi bí tích là thứ gì đó như có “phép thuật”, cũng đừng mê tín dị đoan hoặc tôn sùng ngẫu tượng.

Mọi sự đều phải là sự nối kết thân mật giữa “bộ ba” là Đức Tin, Lòng Sùng Kính và Đời Sống Hằng Ngày. Đó là một Tam Giác Tâm Linh – với ba cạnh bằng nhau và ba góc bằng nhau. Đức tin, lòng sùng kính và đời sống hằng ngày phải là vừa chung vừa riêng, tất cả là phải sống đức tin qua các bí tích. Chúng ta không thể “tách rời” giữa ba điều đó. Một cạnh hoặc một góc tách rời thì không còn là tam giác nữa. Hằng ngày, chúng ta phải sống VỚI Chúa, TRONG Chúa, và VÌ Chúa. Bất kỳ cách sống nào khác đều là sống giả dối, vì chúng ta đã được rửa tội, được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Sống như không sống, gặp chăng hay chớ, sống tiêu cực, sống buông thả, sống bất cần,… đó là sống giả dối và là tội phạm thánh.

Chúa sống trong chúng ta

Sự sống của chúng ta là tặng phẩm vô giá do Chúa ban, và trong chúng ta có sự sống của Thiên Chúa, Ngài không muốn rút lại sự sống nơi chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là phải đáp lại ân sủng và sống tích cực hằng ngày.

Sa hỏa ngục vì phạm tội trọng là tại chúng ta từ chối Thiên Chúa, chứ Ngài không muốn ai phải vào nơi đó: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Chúng ta không muốn sự sống của Thiên Chúa nhưng không thể hủy diệt sự sống, vì sự sống là đời đời. Vào Thiên đàng là được sống sự sống hạnh phúc đời đời, vào Hỏa ngục cũng là sống nhưng là sống đau khổ đời đời. Nói theo “phong cách” Việt ngữ thì vào Thiên đàng là ĐƯỢC sống, còn vào Hỏa ngục thì vào Hỏa ngục là BỊ sống – muốn chết hẳn cũng không chết được. Thật là vô cùng đáng sợ!

Khi chúng ta phạm tội, Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta trở lại với Ngài, kông ngừng ban ân sủng chúng ta cần: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được phục hồi, và Ngài gia tăng ân sủng nơi chúng ta để chúng ta can đảm xưng thú tội lỗi.

Những người lãnh nhận Bí tích Hôn phối cũng cần hằng ngày cầu xin Chúa giúp đáp lại ân sủng của bí tích này. Cuộc đời không có điều gì dễ thực hiện, nhưng nhờ ân sủng thì người ta có thể làm được cả những việc khó khăn nhất. Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta mồ côi (x. Ga 14:18), đúng như Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Chúng ta cần học cách nhìn cuộc đời qua lăng kính của Giáo hội. Điều này xảy ra khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện riêng, khi chúng ta sống theo Kinh Thánh, sống bí tích và sống theo giáo huấn của Giáo hội.

Hãy cố gắng trưởng thành tâm linh và canh tân đời sống. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2). Chúng ta càng nhìn mọi sự theo cách nhìn của Chúa, chúng ta càng dễ nhận biết Thánh Ý Ngài mà theo. Khi cầu nguyện, hãy đọc Kinh Thánh và tìm Ý Chúa để sống đời sống bí tích, Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới tâm trí chúng ta và giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng tầm nhìn của Đức Kitô và Giáo hội, Nhiệm Thể của Ngài.

Bí tích là dấu chỉ hữu hình về thực thể vô hình. Năm Gia Đình, chúng ta nói về Bí tích Hôn phối.

Hôn nhân là một bí tích, là dấu chỉ hữu hình về Thiên Chúa vô hình sống trong hai vợ chồng qua mối liên kết đời đời: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9). Sự kết hiệp phu thê là đặc ân và sức mạnh kỳ diệu vì được chính Thiên Chúa liên kết. Thiên Chúa hằng sống không ngừng sản sinh hoa trái trong cuộc đời họ. Vợ chồng là dấu chỉ về quyền năng của Chúa trên thế gian. Mọi việc họ làm riêng hoặc chung đều là sống bí tích hôn phối. Những công việc hằng ngày như nấu ăn, rửa chén, lau nhà, giặt giũ, giáo dục con cái, lao động kiếm tiền sinh sống,… Bề ngoài xem chừng đơn giản và bình thường, nhưng bên trong tiềm ẩn sức mạnh phi thường để làm họ nên thánh. Đời sống hôn nhân là nền tảng của sự nên thánh, tình yêu là hạt giống được Thiên Chúa gieo trồng. Đời sống chung có niềm vui và nỗi buồn, thậm chí có thể buồn nhiều hơn vui, vất vả và hy sinh, căng thẳng và thất vọng, cô đơn và chán nản,… Nhưng đừng quên rằng, trời có lúc nắng lúc mưa, lúc gió nhẹ lúc bão tố, lúc hạn hán lúc mưa dầm, lúc nóng lúc lạnh,… Thế thì cuộc đời chúng ta cũng vậy thôi!

Sự yếu đuối và lỗi lầm của người này được bù đắp bằng nhân đức của người kia. Mỗi người đều có cái mà người kia thiếu. Do đó, hôn nhân là sự kết hợp để bù đắp cho nhau – nói khôi hài là “bù lỗ” lẫn nhau. Hệ quả này do tình yêu chân thành dành cho nhau để cùng phát triển tâm linh và chuyển hóa tinh thần. Nếu hai vợ chồng có thói quen nhìn nhau qua lăng kính bí tích, tức là thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa trong linh hồn của nhau và tìm cách đề cao vẻ đẹp đó bằng cách xây dựng lẫn nhau, phát triển lẫn nhau theo hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, thì Bí tích Hôn phối sẽ mang ấn tín của Thiên Chúa hằng sinh.

Tính khí có thể tạo ra nhiều vấn đề nhưng có thể coi là đòn bẩy tới sự thánh thiện. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính. Mỗi người phải biết quên mình bằng cách dẹp bỏ tự ái, ích kỷ, tức giận, ghen tương, tham lam,… Tự biết mình để phát triển cá nhân là “mặc lấy chính Đức Kitô”, nhờ đó mà đời sống hôn nhân hoàn tất mục đích của Bí tích Hôn phối.

Nếu phát triển theo hình ảnh của Đức Giêsu Kitô là mục đích sống, các lỗi lầm và sự bất toàn sẽ dần dần giảm bớt, dễ tha thứ cho nhau, sống vì nhau là sống vì Chúa. Nếu một người mát tính và một người nóng tính sống với nhau, chắc chắn dễ xung đột, do đó mà mỗi người đều phải cố gắng: Người mát tính cố gắng bỏ qua, người nóng tính cố gắng kiềm chế. Cách tốt nhất là học theo Chúa Giêsu: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29). Khác nhau về tính khí là nguyên nhân chính gây ly thân hoặc ly dị, người ta luôn viện cớ: “Không hợp nhau”. Nhưng với người biết học theo Chúa, chính sự khác nhau đó lại là khí cụ định hình họ theo khuôn mẫu của Chúa và giúp họ nên thánh.

Đời sống gia đình là nền tảng của xã hội, là xương sống của nhân loại. Đời sống gia đình tùy thuộc vào động thái CHO và NHẬN lẫn nhau. Mỗi người đều có một vị trí cần thiết nhất định, đừng bao giờ nghĩ mình hơn người khác – chồng nghĩ mình hơn vợ, hoặc vợ nghĩ mình hơn chồng. Gạch và hồ (vữa) đều có giá trị riêng. Không có hồ hoặc không có gạch thì không thể có ngôi nhà. Nhiều câu nhỏ mới có thể xếp thành giàn cao cho dây leo. Những cái nhỏ nhưng lại quan trọng lắm. Đời sống hôn nhân cũng vậy, hằng ngày có những niềm vui và nỗi buồn, những điều hay và sai sót, những thỏa mãn và lo lắng, những thành công và thất bại,… tất cả đều là những viên gạch nhỏ để tạo nên công trình gia đình. Những thứ đó xem chừng vô ích và không có mục đích, nhưng không phải vậy. Sự chịu đựng hết ngày này qua ngày khác chính là cuộc sống. Cuộc sống là thế đấy! Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã bảo: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).

Sự chán nản làm tâm hồn kiệt quệ, vì thế mà luôn phải cố gắng “vượt qua chính mình”. Tự giúp mình rồi trời sẽ giúp. Thiên Chúa là Đấng quan phòng, Ngài biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết chính mình. Đôi khi chúng ta nghĩ như thế là “trắng tay”, là thua thiệt, là thất bại, nhưng nếu nhìn bằng cách nhìn của Chúa, chúng ta sẽ thấy sự khôn ngoan của Ý Chúa. Tất nhiên chúng ta phải cố gắng nhiều vì đó là việc làm không dễ chút nào đâu! Nếu hợp tác với Ngài và cố gắng “đãi cát tìm vàng”, chúng ta có thể nhận thấy linh hồn mình có sự thay đổi, đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy (hy vọng) thêm vững vàng, và đức mến thêm sâu sắc. Chúng ta sẽ nhận thấy Chúa Thánh Thần vẫn tác động trong mọi “ngõ ngách” của cuộc đời chúng ta, ngay cả khi chúng ta rất đau khổ và tưởng chừng tuyệt vọng.

Đời sống bí tích phải được dẫn tới sức mạnh của chính bí tích khi chúng ta gặp khó khăn. Mỗi linh mục phải hiểu rằng Bí tích Truyền Chức Thánh trao ban cho mình quyền chữa lành và được chữa lành, quyền tháo cởi, quyền thánh hóa và tế lễ. Dù khó khăn tới mức nào thì họ vẫn phải nhận thức được rằng các quyền này là do Thiên Chúa trao ban để phục vụ chứ không phải để được phục vụ hoặc lạm quyền, phải tăng thêm đức tin nhờ Thiên Chúa tác động nơi mình. Làm bất cứ điều gì cũng là để nên giống Đức Kitô – và phải như vậy. Linh mục là khí cụ của Thiên Chúa, là sứ giả của Ngài đối với thế gian.

Bí tích Hôn phối cũng tương tự. Cha mẹ là khí cụ của Thiên Chúa đối với con cái, cha mẹ phải giáo dục con cái nên giống Đức Kitô. Mội vợ chồng cũng phải là các chứng nhân của Đức Kitô đối với xóm giềng, xã hội, cộng đồng. Quyền này làm cho họ có thể sống chung với nhau, chia sẻ quyền đó cho thế giới, với những người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, linh mục tiếp tục công việc của Đức Kitô: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”. Thần Lương nuôi sống dân Chúa không bao giờ hết. Tương tự, qua Bí tích Hôn phối và sức sống của các bí tích, hai người nam và nữ trở nên một xác thịt và trổ sinh hoa trái của tình yêu, họ nhìn con cái và nói với nhau: “Đây là thân mình của chúng ta, đây là Đền Thờ của Thiên Chúa”.

Nếu vợ chồng cùng nhau khởi đầu một ngày mới và đặt mình trước mặt Chúa, nhận biết sự hiện diện của Ngài trong họ và xung quanh họ, họ sẽ được Ngài chúc lành và đồng hành trên mọi nẻo đường và trong mọi công việc. Trước khi làm gì hoặc ra khỏi nhà, hãy làm Dấu Thánh Giá và cầu xin Chúa chúc bình an: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con biết việc phải làm…”. Dấu Thánh Giá như việc xức dầu trong tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu đó có sức mạnh hơn cả Tử Thần, giúp họ vượt qua bất kỳ thử thách nào.

Hành động như vậy là sống đức tin, sống bí tích. Vợ chồng sống tốt lành như vậy thì sẽ không hận thù, không ngoại tình, không lạnh nhạt, không hờ hững,… nhưng luôn biết yêu thương, tha thứ, thể hiện đức ái qua từng động thái. Những việc bình thường nhưng được thực hiện một cách phi thường. Đó là càng càng càng hoàn thiện theo ý muốn của Đức Kitô để nên thánh.

Có ba nhân đức đối thần: Tin, cậy, mến. Nhưng có rất nhiều nhân đức đối nhân: Yêu thương, kiên nhẫn, hiều dịu, chịu đựng, trung thành (chung thủy), tin tưởng, kiềm chế, tha thứ, đại lượng, khiêm nhường,… Nói chung là để Thiên Chúa hướng dẫn và tác động như Chúa Giêsu tuân phúc Thánh Ý Chúa Cha, như Đức Maria xin vâng Ý Chúa. Khi chống lại khuynh hướng xấu hằng ngày, có lúc chúng ta cũng cảm thấy mỏi mệt, uể oải và yếu đuối. Nhưng nếu cố gắng kiên trì và vượt qua thì mọi sự sẽ ổn. Thiên Chúa biết rõ chúng ta, Ngài không thử thách chúng ta, nhưng Ngài muốn để chúng ta tự lập công đức. Trong đời sống tâm linh, hãy cố gắng đừng bao giờ để trì trệ, uể oải, yếu đuối, mù lòa, bại liệt,…

Mỗi bí tích đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi sống Bí tích Hôn phối, chúng ta phải tìm được nguồn sống nơi Giếng Nước Trường Sinh của Thiên Chúa, và gặp gỡ Đức Kitô – như phụ nữ Sa-ma-ri đã gặp được chính Đấng Hằng Sinh là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 4:7-42). Trong Đức Giêsu, vợ chồng là những chứng nhân sống động về quyền của Thiên Chúa. Đó cũng là hình ảnh sống động của Một Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể (Chúa Ba Ngôi).

Thiết kế và cách nghĩ của nam và nữ đều khác nhau. Khác nhau không là để đối nghịch nhau, mà là để bù đắp cho nhau, để hoàn thiện lẫn nhau. Phụ nữ dịu hiền, yêu thương, nhịn nhục, nhẹ nhàng, e ấp, bẽn lẽn,… là để khuyến khích, vỗ về, an ủi, giải hòa,… Phụ nữ có sức chịu đựng dẻo dai khi gặp trắc trở, có trực giác khi nguy hiểm, chân thật khi thất bại, khéo xoay xở lúc khó khăn. Họ cũng rất mạnh mẽ và quyết liệt, vì họ là sóng ngầm (dữ dội hơn sóng cồn), như người ta nói: “Đàn bà muốn là trời muốn”. Chẳng vậy mà người ta nói: “Phía sau sự thành công của người chồng luôn có bóng dáng của người vợ”. Hậu trường luôn là “bộ mặt thật” của sân khấu, hậu phương rất cần cho tiền tuyến trong thời chiến. Sức mạnh của phụ nữ là chính sự yếu đuối của họ.

Trái lại, đàn ông khỏe mạnh về thể lý, sâu sắc trong ý nghĩ, thẳng thắn, thực tế và sáng tạo. Đàn ông có khả năng bảo vệ, chống mũi chịu sáo, khuyên giải, cương nghị, tự tin, tự biết mình, nhưng cũng dễ tự ái. Đàn ông cần người biết đánh giá cao khả năng của họ, và biết lắng nghe họ. Đàn ông “cứng” nên cần phụ nữ “mềm” để dung hòa – và ngược lại.

Về việc giáo dục con cái, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Mẹ đánh một trăm (roi) không bằng cha răn một tiếng”. Đó là hệ lụy tất yếu vậy!

Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho tình yêu phu thê phát triển trong gia đình. Chúa Cha được biểu hiện qua việc phát triển các phẩm chất về lòng trắc ẩn và lòng thương xót khi đàn ông dần dần hấp thụ các nhân đức như hiền lành và thông cảm với phụ nữ. Chúa Con được biểu hiện qua việc phát triển các phẩm chất về đức khiêm nhường và dịu dàng khi phụ nữ dần dần hấp thụ tính mạnh mẽ và tự biết mình nơi đàn ông. Tình yêu dành cho nhau càng phát triển thêm để tạo ấn tượng về hình ảnh đẹp của cha mẹ nơi con cái. Đó là chu kỳ gia đình, và là dấu chỉ hữu hình về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con, tình yêu đó nhiệm xuất Chúa Thánh Thần. Trong gia đình cũng tương tự, đàn ông biểu hiện Chúa Cha, phụ nữ biểu hiện Chúa Con, và con cái biểu hiện Chúa Thánh Thần, vì chúng là kết quả của tình yêu giữa cha mẹ của chúng. Ba Ngôi riêng biệt nhưng vẫn là MỘT Thiên Chúa. Mỗi thành viên đều riêng biệt nhưng vẫn là MỘT gia đình. Mỗi người đều có tố chất mà các thành viên khác cần, tính cách của các thành viên khác nhau là để bổ túc lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau – chứ không để đối nghịch nhau.

Tình yêu tăng cao khi gia đình gặp đau khổ hoặc mất mát. Tình yêu cũng tăng cao khi gia đình có niềm vui. Tình yêu đó làm cho các thành viên tăng thêm niềm tin và hy vọng để tiếp tục đồng lao cộng khổ với nhau trong mọi hoàn cảnh.

Hôn nhân là bí tích, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, do đó không thể nói là gia đình sống bí tích nếu mọi thành viên không yêu thương nhau thật lòng. Cuộc đời của chúng ta được tạo nên bởi tình yêu nên chúng ta phải BIẾT YÊU và có QUYỀN ĐƯỢC YÊU. Đức Tin và Đức Cậy tạo nên Đức Mến. Nếu chúng ta làm cho các nhân đức này giảm bớt vì ích kỷ, chúng ta tự tách rời khỏi nguồn sống ấm áp, tốt lành, tử tế và vui mừng. Thiên Chúa luôn muốn điều tốt cho chúng ta, chỉ tại chúng ta nên chúng ta mới thất vọng, u buồn, đau khổ,… Có tình yêu, người ta vẫn thấy vui mừng ngay trong nỗi đau khổ.

Hãy lãnh nhận Bí tích Thánh Thể để có nguồn sống đích thực của tình yêu, vì Thánh Thể là Thiên Chúa “thật”, là Đức Kitô hữu hình. Và hãy lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, vì Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải không thể tách rời. Nhờ Bí tích Hòa Giải mà được chữa lành, và nhờ được chữa lành mà được tiếp nhận Nguồn Sống dồi dào là Bí tích Thánh Thể. Không có Đức Kitô thì chúng ta không thể lên đỉnh cao của sự thánh thiện. Đức Kitô là Cơn Gió đưa cánh-diều-chúng-ta bay lên cao vút, lên tới Chúa Cha hằng sinh.

Gia đình là mối tổng hòa của xã hội, đặc biệt là hình ảnh của Một Chúa Ba Ngôi. Hãy bảo vệ các giá trị gia đình và cùng nhau sống bí tích để có thể cùng dìu nhau vào Thiên Quốc, nơi mà Đức Kitô đã về trước để dọn chỗ cho chúng ta (Ga 14:2-3), và Ngài vẫn đang mong đợi chúng ta.

TRẦM THIÊN THU